Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi và trẻ nhỏ khi thời tiết lạnh kéo dài
Liên tiếp những ngày gần đây, nhiệt độ các tỉnh miền bắc nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng xuống thấp kèm theo mưa kéo dài. Đây được xem là thời điểm nhiệt độ giảm sâu nhất từ đầu mùa đông đến nay, dự báo thời gian tới mưa rét còn kéo dài, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, xương khớp, tim mạch,...các bác sĩ khuyến cáo người dân, nhất là người cao tuổi và trẻ nhỏ cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, bảo vệ sức khỏe để tránh không phải nhập viện.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra vẫn còn phức tạp nên số lượng người đến thăm khám tại các Trung tâm Y tế huyện và Bệnh viện tuyến tỉnh giảm đi đáng kể, tuy nhiên trong thời gian vừa qua do thời tiết rét lạnh kéo dài nên tỷ lệ người cao tuổi đến khám, điều trị tại Trung tâm Ytế huyện Phù Cừ tăng cao. Cụ thể: tháng 01/2022 có 116 bệnh nhân nằm điều trị, tăng khoảng 20%-30% so với cùng kỳ tháng trước. Các bệnh nhân chủ yếu là đối tượng từ 60 tuổi trở lên, mắc các bệnh như: tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, rối loạn tiền đình, tiểu đường,…
Để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe khi thời tiết rét đậm như hiện nay, bác sĩ Phạm Văn Ngọc-Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Người cao tuổi cần lưu ý đến việc giữ ấm cơ thể, hạn chế tối đa việc ra ngoài vào ban đêm hoặc dậy sớm tập thể dục khi ngoài trời lạnh sâu, bổ sung chất dinh dưỡng phù hợp, tránh tập trung nơi đông người và thực hiện nghiêm quy định 5K,.. Những người mắc bệnh mãn tính như: Tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường,... tuyệt đối tuân thủ y lệnh của bác sĩ trong quá trình theo dõi sức khỏe và sử dụng thuốc điều trị bệnh tại nhà. Bên cạnh đó, một trong những việc người cao tuổi cũng nên làm đó là vận động hợp lý, tập thể dục đều đặn (chọn chỗ kín gió, ấm áp) sẽ giúp khí huyết lưu thông, tình thần thoải mái,...
Cùng với người già, trẻ em cũng là đối tượng dễ chịu tác động của thời tiết, theo thống kê tại khoa Nội Nhi, bệnh viện Sản-Nhi Hưng Yên, thời điểm tháng 12, tháng 1 số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tăng khoảng 30% so với thời điểm trước đó, trong đó chủ yếu là trẻ em dưới 2 tuổi, mắc các bệnh như: viêm phổi, tiêu chảy, viêm mũi, viêm tai giữa,… Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nga, Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên: có hai nhóm bệnh chính mà trẻ thường mắc phải khi thời tiết chuyển lạnh là các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính như: viêm phổi, viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa và các bệnh dị ứng đường hô hấp: viêm mũi dị ứng, hen suyễn,… nguyên nhân chủ yếu là do virus (chiếm tỉ lệ 60 -70%), vi khuẩn, thời tiết thay đổi đột ngột, trẻ mắc một số bệnh mạn tính (như tim mạch, nột tiết, còi xương suy dinh dưỡng)…
Trong thời gian tới, không khí lạnh vẫn tiếp tục tăng cường, Bác sỹ Nga khuyến cáo: Khi nhiệt độ xuống thấp, rét đậm như hiện nay, các gia đình có trẻ nhỏ không được chủ quan, nhất là việc giữ ấm cho trẻ, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, đồng thời phải đảm bảo đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Ngoài ra, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng và cần cho trẻ nhập viện ngay nếu trẻ có các triệu chứng như: trẻ thở co lõm lồng ngực, tím quanh môi, bỏ bú hoặc bú kém, co giật, ngủ li bì,…