• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên bằng y học cổ truyền

         Thời gian gần đây, khoa châm cứu của bệnh viện Y Dược Cổ truyền Hưng Yên đã đón nhiều bệnh nhân nhập viện điều trị liệt mặt do liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, căn bệnh này tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên thường gặp do tình trạng nuôi mạch của dây thần kinh bị co thắt dẫn đến thiếu máu cục bộ, phù nề, chèn ép vào dây thần kinh trong ống palop. 80% trường hợp nhập viện điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đều có nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm lạnh hoặc thay đổi thời tiết đột ngột sang lạnh. Chính vì vậy, hầu hết bệnh nhân cao tuổi đang phải điều trị tại khoa là sau khi thấy các hiện tượng như méo miệng, tê bì, mất cảm giác ở một bên mặt… có những bệnh nhân phải điều trị một thời gian dài do chủ quan hoặc dùng các biện pháp điều trị chưa phù hợp.

Ai cũng có thể mắc bệnh

Bà Phan Thị Hưng, 66 tuổi, ở xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ vào viện để điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đã được 4 ngày nay. Do phát hiện và đi đến viện điều trị sớm nên tình trạng của bà Hưng đã được cải thiện khá nhanh. Bà Hưng cho biết: “Vào tối hôm đó, sau khi ăn cơm xong, đang cất dọn thì tôi thấy nó dính dính ở xung quanh miệng mình, khi nuốt thì có một cảm giác như bị móm ấy, không như mọi hôm, khi xúc miệng thì nó không ra hai bên dia má, nó rơi vãi, cảm giác không chủ động được. Thấy có biểu hiện như vậy, tôi soi gương thì thấy miệng đã bị méo, nhân trung bị lệch sang một bên. Hôm sau, con cái đưa tôi vài viện điều trị. Đến hôm nay, tuy nó vẫn bị lệch nhưng cảm thấy cái miệng đã linh hoạt hơn, mình đã có thể điều khiển nó theo ý của mình được”.

Bác sĩ Đỗ Thị Nhàn, khoa Châm cứu, bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Hưng Yên cho biết: Trong y học cổ truyền, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có tên gọi là "Khẩu nhãn oa tà". Bệnh do những nhóm nguyên nhân sau: Thể phong hàn: bệnh xuất hiện sau khi gặp mưa, gió lạnh hoặc sáng sớm thức dậy sợ lạnh, thường do nhiễm lạnh; Thể phong nhiệt: Sốt, sợ gió, rêu lưỡi trắng dày, thường do nhiễm khuẩn (viêm tai giữa, zona tai, vùng mặt). Thể huyết ứ: Đau nhức ở mặt, hàm hoặc sau tai bên bệnh, thường do di chứng sau chấn thương (té ngã, sau mổ vùng chũm, hàm…). Biểu hiện chính của bệnh là liệt nửa mặt, méo miệng, tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng để lại di chứng nặng nề nếu không được điều trị đúng cách. 

Bệnh thường xuất hiện đột ngột với các triệu chứng: Yếu một phần tới liệt hoàn toàn một bên mặt, tiến triển trong vài giờ hoặc vài ngày; Chảy nước dãi bên mặt bị bệnh, thức ăn giắt vào kẽ răng và má; Tê bì nửa mặt, quanh xương hàm hoặc sau tai; Đau đầu, tăng cảm giác về âm thanh của tai bên bệnh; Giảm vị giác ở trước lưỡi bên bệnh kèm giảm tiết nước bọt, nước mắt; Mắt nhắm không kín, chảy nước mắt… 

Điều trị bằng y học cổ truyền tỷ lệ khỏi bệnh cao

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên ở giai đoạn đầu không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng tới hình thái khuôn mặt, khả năng ăn nhai và người bệnh có thể khó khăn trong nhắm, mở mắt… Nếu không được điều trị sớm và dứt điểm, bệnh sẽ ngày một nặng, gây nguy hiểm và khó điều trị khỏi hơn. Hiện nay, các phương pháp của Y học cổ truyền có tỉ lệ chữa khỏi bệnh hơn 90% sau 3-4 tuần.

“Để điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, bên cạnh những phương pháp điều trị bằng y học hiện đại như sử dụng nhóm thuốc Corticoid, vitamin B liều cao, tăng dẫn truyền thần kinh… người bệnh sẽ được trị liệu phối kết hợp bằng các phương pháp cấy chỉ, điện châm, cứu ngải, xoa bóp - bấm huyệt, thủy châm và uống thuốc sắc. Sau khi xác định tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh để áp dụng các biện pháp phù hợp, bởi hầu hết các trường hợp liệt dây thần kinh số 7 ở giai đoạn đầu đều có thể chữa trị bằng vật lý trị liệu kết hợp với một số loại thuốc khác mà không cần can thiệp ngoại khoa”- Bác sĩ Nhàn chia sẻ. 

Để phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7, bác sĩ Nhàn khuyến cáo, người dân cần duy trì thói quen vận động vừa sức, tập thể dục thể thao mỗi ngày giúp tăng cường lưu thông máu, chống sự co cứng cơ mặt và tránh ăn đồ cay nóng. Khi nằm ngủ tránh luồng gió của quạt, máy lạnh phả trực tiếp vào mặt hoặc sau gáy. Tránh những trường hợp bị sốc nhiệt như ngồi ở phòng lạnh, đột ngột bước ra ngoài trời nóng. Đóng kín cửa xe khi đi xe, đeo khẩu trang tránh gió tạt vào mặt. Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và hỗ trợ điều trị sớm các bệnh dễ gây liệt dây thần kinh số 7 như: Cảm cúm, bệnh về tai mũi họng. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu đau, tê giảm cảm giác một nửa bên mặt, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu bị bệnh, phải tuân thủ điều trị, không tự ý ngưng điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?