• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

9 ĐIỀU RĂN CỦA ĐẠI DANH Y HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG – LÊ HỮU TRÁC

Ngày nay, Việt Nam được thế giới đánh giá ngày càng cao trên bản đồ y tế thế giới. Nhiều bệnh viện ở Việt Nam đã ứng dụng thành công các kỹ thuật khó, tiên tiến trong ghép tạng, điều trị tim mạch, ung thư, sản phụ khoa, răng hàm mặt… không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong nước mà còn thu hút nhiều người bệnh nước ngoài sang Việt Nam khám, chữa bệnh. Song hành cùng y học hiện đại, Việt Nam còn là đất nước có nền y học cổ truyền phát triển dựa trên kho tàng kiến thức và kinh nghiệm quý báu của các bậc đại danh y để lại cho hậu thế, như: Minh Không thiền sư (thời nhà Lý), Đại danh thiền sư Tuệ Tĩnh (1330 – 1400)- thời nhà Trần, đặc biệt là Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) - thời hậu Lê. Ông là nhà Y học lớn, nhà Văn hoá lớn của nước ta, là tác giả của pho sách trứ danh Lãn Ông Tâm Lĩnh hay Hải Thượng y tông Tâm Lĩnh. Sự nghiệp Y học của Hải Thượng Lãn Ông đã góp phần to lớn xây dựng nền Y học dân tộc nước nhà, nên ông được suy tôn là Đại y tôn Việt Nam.

Cả cuộc đời hành nghề y độ thế của mình, ông không quản vất vả ngày đêm, sớm tối, không phân biệt gia thế của bệnh nhân giàu hay nghèo, không màng đến chuyện người ta đền đáp hay trả công, điều ông quan tâm duy nhất chính là tận tâm chữa bệnh cứu người. Ông đã để lại cho hậu thế một khối di sản văn hóa đồ sộ, tiêu biểu là bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” với 2.854 bài thuốc kinh nghiệm - bộ sách được coi là “Bách khoa thư” y học vĩ đại nhất của Việt Nam thời trung đại và đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trong suốt cuộc đời hành nghề thầy thuốc của mình, ông để lại 9 điều răn dạy học trò cũng như tâm niệm cho bản thân mình. Đây là những câu cách ngôn, những lời giáo huấn, căn dặn về y học, y đức:

1. Phàm người học (Đông Y) tất phải hiểu thấu lý luận đạo Nho, có thông lý luận Nho học thì học Y mới dễ. Nên luôn luôn nghiên cứu các sách Y xưa, nay, luôn phát huy biến hoá, thâu nhập được vào Tâm, thấy rõ được ở mắt thì tự nhiên ứng vào việc mà không phạm sai lầm .

2. Khi đi thăm bệnh: cần kíp thì đến trước, chớ nên phân biệt giàu sang, nghèo hèn.

3. Khi đi thăm bệnh cho phụ nữ thì phải đứng đắn, phải có người nhà bên cạnh mới bước vào phòng thăm bệnh.

4. Phàm thầy thuốc phải ‎ý thức lấy nghiệp vụ mình quan trọng không nên tự ‎ý‎ cầu vui mà rời phòng bệnh, phòng khi có trường hợp cấp cứu đến thì xử trí mới kịp thời.

5. Gặp chứng bệnh nguy cấp, tuy hết lòng cứu chữa, nhưng phải nói rõ cho gia đình người bệnh biết trước, có khi cần thì cho không cả thuốc.

6. Phải chuẩn bị tốt thuốc men đầy đủ, giữ, bảo quản cẩn thận, để kịp thời tiện dụng. Phải tôn trọng kinh điển, thận trọng không khinh xuất đưa ra những phương thuốc bừa bãi để thử nghiệm.

7. Với bạn đồng nghiệp phải khiêm tốn, hoà nhã, kính cẩn, với người lớn tuổi thì kính trọng, với người giỏi thì coi như bậc thầy, với người kiêu ngạo thì nên nhân nhượng, với người kém hơn mình thì dìu dắt họ.

8. Với những người bệnh nghèo túng, mồ côi, goá bụa, hiếm hoi, những người con thảo, vợ hiền nên chăm sóc đặc biệt, khi cần còn chu cấp giúp đỡ họ mới đáng gọi là nhân thuật.

9. Chữa bệnh cho người khỏi bệnh rồi chớ có mưu cầu quà cáp… nghề y là thanh cao, càng phải giữ khí tiết cho trong sạch.

Vậy kết luận: Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, phải vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công...


Tác giả: Thảo Hoàn
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?