Viêm thanh quản và cách chữa trị
Viêm thanh quản là tình trạng niêm mạc của thanh quản bị viêm, phù nề, đôi khi có loét và lan xuống các lớp sâu hơn làm viêm cơ, hoại tử sụn, sưng dây thanh âm... gây ra biến dạng âm thanh khi không khí đi qua, khiến giọng khàn và có thể bị mất giọng.
Nguyên nhân của viêm thanh quản là gì?
Viêm thanh quản có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể gặp là:
- Do cảm lạnh hoặc các nhiễm trùng khác ảnh hưởng đến thanh quản.
- Do la hét hoặc sử dụng giọng nói quá nhiều.
- Do hít những chất hóa học mạnh như các chất tẩy rửa hoặc xăng dầu.
- Do uống quá nhiều rượu hoặc hút thuốc.
- Do trào ngược acid, khi acid từ dạ dày bị trào ngược lên họng.
Ngoài ra, viêm thanh quản cũng liên quan với các bệnh nội khoa, viêm thanh quản có thể làm giọng của bạn bị khàn hoặc làm cho bạn bị mất giọng. Chẳng hạn, bệnh nhân bị các triệu chứng này vì:
- Phát triển bất thường trên dây thanh âm.
- Bệnh cơ ảnh hưởng thanh quản.
Viêm thanh quản có thể tự khỏi không và cách chữa trị viêm thanh quản?
Nhiều người băn khoăn viêm thanh quản chữa trị thế nào, có tự khỏi được không? Thực tế cho thấy tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm thanh quản mà có các diễn biến khác nhau, cách chữa trị cũng khác nhau. Cụ thể:
- Nếu viêm thanh quản xảy ra vì sử dụng giọng nói quá nhiều, hãy để giọng của bạn được nghỉ ngơi, tránh sử dụng giọng nói quá mức. Nếu là ca sĩ hoặc cần sử dụng giọng để làm việc, người bệnh cần các bài tập sử dụng giọng nói, điều này có thể giúp bảo vệ giọng.
- Nếu viêm thanh quản do uống rượu quá nhiều, hãy hạn chế uống rượu. Nếu viêm thanh quản có liên quan do hút thuốc, cách tốt nhất bạn có thể làm là bỏ hút thuốc lá.
- Nếu viêm thanh quản do hít các chất hóa học mạnh, hãy tránh các chất hóa học đó. Nếu có khói thuốc lá xung quanh bạn hoặc khi bạn làm việc gần các chất khói hóa học làm cho giọng bị khàn, hãy đeo khẩu trang và sử dụng quạt thông khí.
- Nếu viêm thanh quản do trào ngược acid, thì từng bước tránh trào ngược acid. Chẳng hạn như sử dụng các thuốc điều trị trào ngược acid theo khuyến cáo của bác sĩ. Tránh các thức ăn làm cho các triệu chứng của bạn bị nặng thêm (rượu, cà phê, sô cô la). Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Ăn nhiều bữa ăn nhỏ mỗi ngày, hơn là chỉ ăn 2 - 3 bữa ăn lớn. Không nằm xuống ít nhất 3 giờ sau khi ăn, đặc biệt sau bữa ăn lớn.
Khi nào viêm thanh quản cần đi khám?
Tùy thuộc vào các triệu chứng của bạn đã kéo dài bao lâu và các triệu chứng khác bạn có ngoài khàn giọng.
Hầu hết mọi người bị viêm thanh quản tự khá lên sau 2 đến 3 tuần. Nếu giọng bị khàn kéo dài hơn 2 tuần và dường như không cải thiện, thì cần tới cơ sở y tế để được thăm khám.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên đi khám bệnh khi có biểu hiện như: Đau họng, sốt ≥38,5 độ C hoặc đau họng nặng và không cải thiện sau 5 đến 7 ngày.
Tóm lại: Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm thanh quản sẽ có những điều trị khác nhau. Thông thường viêm thanh quản do cảm lạnh hoặc nhiễm trùng nhẹ, thì có thể không cần điều trị. Nếu nguyên nhân khác gây viêm thanh quản, có thể cần điều trị. Điều quan trọng là người bệnh luôn phải uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm lỏng, giữ cho không khí đủ độ ẩm, tránh khói bụi, khói thuốc lá...
Để phòng ngừa viêm thanh quản nên tránh la hét, nói nhiều, uống nhiều nước. Ngoài ra, cần có chế độ ăn ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, trái cây, thực phẩm chứa nhiều vitamin A, E, C sẽ giúp chất nhầy dây thanh âm hoạt động tốt. Tránh hút thuốc lá thụ động, khói thuốc sẽ làm khô và kích thích dây thanh âm. Tránh ăn thức ăn cay, nóng, chất kích thích gây trào ngược dạ dày. Ngoài ra, cần chủ động phòng nhiễm trùng hô hấp cấp bằng cách rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với người mắc bệnh đường hô hấp.
ThS. BS CKII Vũ Đức Minh