• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việc phân tuyến và phác đồ điều trị COVID-19 của Việt Nam phù hợp, hiệu quả

Mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với COVID-19. Tới nay chúng ta đã điều trị thành công 15/16 ca dương tính với COVID-19. Trong số đó có ca bệnh nhiều bệnh nền như huyết áp, tim mạch, tiểu đường và từng cắt phổi do ung thư. Ngoài các bệnh nhân đã ra viện, bệnh nhân còn lại đang có sức khỏe tiến triển tốt và sẽ sớm được ra viện trong những ngày tới.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, với tinh thần quyết liệt "chống dịch như chống giặc," “không được chủ quan, không để dịch lây lan” ngay từ những ngày đầu, khi có thông tin về dịch bệnh, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngành y tế và các bộ, ngành liên quan phòng chống dịch COVID-19.

Trong hệ thống khám chữa bệnh, ngành y tế đã họp ngay Hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành. Có thể nói, tại Việt Nam, những hướng dẫn chuyên môn điều trị bệnh thường được xây dựng rất sớm.

“Với căn bệnh này, chúng tôi thấy có những đặc thù với căn bệnh SARS trước kia và bệnh dịch mới nổi hiện nay nên Việt Nam có hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước Tết. Sau đó, Việt Nam tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện.

Theo đó, ngay sau khi điều trị khỏi cho 3 bệnh nhân ra viện tại BV Chợ Rẫy, BV Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa và BVĐK tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị một lần nữa, đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân nặng bằng phương tiện hiện đại nhất. Có thể nói, đối phó với dịch COVID-19, chúng ta luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ.

Tính từ ngày 13/2 đến nay, Việt Nam không có ca bệnh nào mới dương tính với COVID-19. Ngày 20/2, tại BV Nhi TW tổ chức công bố bệnh nhi 3 tháng tuổi- trẻ nhất Việt Nam dương tính với COVID-19 đã được chữa khỏi.

Cũng trong ngày, tại phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, thuộc Trung Tâm y tế huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc 3 bệnh nhân dương tính với COVID-19 được công bố chữa khỏi.

Như vậy đến thời điểm này chúng ta đã chữa khỏi thành công 15/16 ca dương tính với COVID-19.

Hiện chỉ còn bệnh nhân Việt kiều đang được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã có kết quả âm tính hai lần và cũng sớm xem xét các điều kiện cho bệnh nhân ra viện.

Cả 16 bệnh nhân mắc COVID -19 đều ổn định, tiến triển tốt, không có bệnh nhân nào tiến triển nặng và chắc chắn không có bệnh nhân nào tử vong.

Điều đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành và nỗ lực của các thầy thuốc, sự hợp tác của người bệnh, đồng lòng của người dân từ việc cách ly điều trị ban đầu cho đến triển khai đồng bộ các giải pháp trong điều trị.

 

Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, việc phân tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện của Bộ Y tế như hiện nay là hợp lý, hiệu quả. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Với những bệnh nhân có triệu chứng không nặng, chưa diễn biến nặng thì giữ ở tuyến tỉnh điều trị. Tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa đã “giữ” bệnh nhân điều trị tại tỉnh và họ đã thành công khi điều trị khỏi cho bệnh nhân. Do đó, chúng ta không cần tập trung bệnh nhân mắc COVID-19 về các trung tâm lớn. Thậm chí ngay tại tuyến huyện, 5 bệnh nhân dương tính với COVID-19 cũng đã chữa thành công.

Với phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ), và sự chi viện của bác sỹ tuyến TW sẽ giúp cơ sở tuyến tỉnh, huyện đáp ứng được điều trị cho người bệnh.

Hai bệnh nhân đầu tiên dương tính COVID-19 được chữa thành công tại tuyến huyện- phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà thuộc Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

“Hiện nay, 16 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam đã có đầy đủ mô hình như: Có bệnh nhân nam, nữ; bệnh nhân cao tuổi; bệnh nhân nhiều bệnh nền huyết áp, tim mạch, tiểu đường và từng cắt phổi do ung thư; bệnh nhi. Chúng tôi đang tiếp tục tổng hợp các số liệu về dịch tễ học, lâm sàng và các kết quả điều trị để tiếp tục cập nhật thêm phác đồ điều trị dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin.

 

Cũng theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, đối với bệnh truyền nhiễm, nguyên tắc số 1 là phải cách ly thật tốt. Đối với đại dịch này, đặc biệt trong khu vực bệnh viện phải đảm bảo nguyên tắc tuyệt đối cách ly nguồn bệnh.

Do vậy, khi tiếp nhận người bệnh (có thể là người bệnh nghi ngờ, có thể dương tính nhẹ, hay nặng) ở tất cả khu vực này, khi người bệnh bắt đầu bước chân vào, bệnh viện phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc cách ly của Bộ Y tế.

Đối với việc này, để đảm bảo chất lượng chuyên môn, đảm bảo an toàn cho người bệnh, thầy thuốc, cộng đồng, Bộ Y tế đã có văn bản tiếp tục nhắc nhở các giám đốc Sở Y tế, giám đốc bệnh viện và các cơ sở y tế hết sức quan tâm đến việc cách ly, quản lý người bệnh ở tại cơ sở. Mục tiêu của Bộ Y tế là có phương pháp bảo vệ và cố gắng không để các thầy thuốc bị lây bệnh và không để lây từ bệnh viện ra cộng đồng.

Trong việc cách ly cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, công an, chính quyền địa phương. Thậm chí, có những khu vực chúng ta cần quản lý chặt chẽ, tuyệt đối.

Có ba khu vực cách ly, đó là khu vực với những người nghi ngờ mắc, chưa phải là người bệnh dương tính nhưng cũng phải được cách ly tuyệt đối. Khu vực thứ hai dành cho người đã bị bệnh rồi nhưng nhẹ, vẫn sinh hoạt bình thường được. Khu vực thứ ba dành cho những người bị bệnh nặng. Ở đây, ngay cả quần, áo, chất thải của người bệnh và các nguồn lây đều được quản lý theo quy chuẩn của Bộ Y tế về an toàn sinh học, kiểm soát nhiễm khuẩn.

Đối với người bệnh được cho xuất viện là mới ra viện về lâm sàng bệnh nhưng về tâm lý, thể trạng vẫn cần phải được theo dõi, quan tâm, động viên.

Bộ Y tế đã chỉ đạo cơ sở y tế tại Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc khi bệnh nhân đã ra viện, y tế địa phương vẫn quan tâm người bệnh. Việc quản lý theo dõi là việc hết sức đúng đắn, tuy nhiên cần tránh việc kỳ thị...


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?