Sốc phản vệ do thức ăn và cách phòng tránh
Mọi người thường nghĩ các thức ăn thường ngày như tôm, trứng, cua, đậu phộng…chỉ gây dị ứng khiến người bệnh mẩn ngứa. Tuy nhiên, các loại thức ăn này còn có thể khiến sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.
Thực phẩm nào dễ gây sốc phản vệ?
Sốc phản vệ là tình trạng dị ứng nặng xảy ra sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên từ vài phút đến vài giờ. Các trường hợp sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Dị ứng thức ăn là phản ứng của cơ thể đối với một số chất (là dị nguyên) có trong thức ăn. Những dị nguyên (protein) phổ biến nhất là sữa bò, sữa đậu nành, trứng, hạt lạc, lúa mì, đậu tương, cá, tôm cua,...dị ứng thức ăn xuất hiện ở trẻ nhỏ nhiều hơn người lớn (2-4% người lớn và 6-8% trẻ em) và tỷ lệ này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên.
Thành phần chủ đạo gây ra dị ứng thức ăn thậm chí dẫn đến tình trạng sốc phản vệ là các chất protein trong thực phẩm. Đây là những protein không dễ bị phân hủy bởi các men phân cắt protein như protease và không dễ dàng bị biến tính bởi nhiệt độ. Các phân tử protein này kết hợp với các IgE trong dịch tiết, trong máu rồi chúng lại tiếp tục được gắn với các dưỡng bào, là những tế bào có rất nhiều điểm tiếp nhận với IgE.
Sự kết hợp mang tính đồng loạt, mạnh mẽ này đã làm vỡ một số lượng lớn những tế bào dưỡng bào, giải phóng ra một nồng độ cao các chất trung gian hóa học, đặc biệt là các histamin.hững chất trung gian này bắt đầu gây ra những biến đổi cơ thể, là cơ sở của bệnh dị ứng: giãn mạch khiến sung huyết, phù nề, tiết dịch, nổi mẩn, nổi ban, co thắt cơ trơn khiến đau bụng, buồn nôn, khó thở, kích thích khiến gây ngứa dữ dội mà gãi không thể hết.
Những loại thức ăn có nguồn gốc động thực vật có thể gây sốc phản vệ như: cá thu, cá ngừ, tôm, tép, ốc, nhộng, trứng, sữa, dứa, khoai tây, lạc, đậu nành, các loại hạt và các chất phụ gia.…
Biểu hiện sốc phản vệ
Sốc phản vệ có thể mang rất nhiều triệu chứng. Rất nhiều trường hợp xảy ra với tất cả các triệu chứng dị ứng mặc dù phản ứng phản vệ ở mỗi người khác nhau. Đó là bởi vì một số triệu chứng có thể xuất hiện cùng một lúc. Các triệu chứng thông thường có thể bao gồm:
- Xuất hiện tình trạng da ngứa hoặc phát ban
- Xuất hiện chảy nước mũi, hắt hơi
- Xuất hiện ngứa, họng, khó nuốt hoặc môi và lưỡi sưng
- Có thể ngứa nổi mẩn, sưng ở chân tay. Ngoài ra người bệnh có thể ho, chuột rút hoặc tiêu chảy, nôn mửa nhiều…
Một số triệu chứng của sốc phản vệ cần được cấp cứu ngay bao gồm:
- Người bệnh xuất hiện tình trạng khó thở hoặc thở khó chịu
- Đau ngực hoặc tức
- Huyết áp thấp
- Mạch yếu và nhanh
- Người bệnh lú lẫn, lơ mơ…
Các triệu chứng của sốc phản vệ có thể xấu đi rất nhanh chóng. Lúc đó, người bệnh cần được điều trị trong vòng 30 đến 60 phút vì các triệu chứng đôi khi có thể gây tử vong.
Những dấu hiệu báo động cho cơn sốc phản vệ thường sẽ lặp đi lặp lại trong đó có thể thấy các biểu hiện sẽ xuất hiện vài phút sau khi bạn ăn những thứ gây dị ứng. Một số triệu chứng xuất hiện cùng một lúc như: phát ban, sưng và ói mửa…
Mức độ nặng nhẹ của sốc phản vệ phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cơ thể, số lượng và tốc độ hấp thụ các chất lạ vào cơ thể và phụ thuộc vào thời gian xử lý điều trị. Những dấu hiệu sớm cần lưu ý: ngứa bàn tay, chân, tê môi, lưỡi, khó thở, nhịp tim nhanh, cảm giác bồn chồn, hốt hoảng.
Cần làm gì để phòng tránh sốc phản vệ do thức ăn?
Sốc phản vệ có thể xảy ra rất sớm hay đôi khi muộn hơn sau một vài giờ, nhưng khi đã xảy ra sốc phản vệ, diễn tiến sẽ rất nhanh trong vòng 1–2 phút và chuyển sang trạng thái nguy kịch, lúc này rất khó để đảo ngược tình huống. Vì vậy, cần lưu ý những điều sau để phòng tránh bị sốc phản vệ:
- Nếu bạn có tiền sử dị ứng, hãy luôn mang theo bên mình các loại thuốc giải dị ứng.
- Cần sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, đúng chỉ định.
- Khi ăn đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ để xét phản ứng của cơ thể. Chờ sau 24 giờ mới nên ăn lại nếu không thấy hiện tượng gì bất thường. Với những người có cơ địa dị ứng sẽ rất dễ bị sốc do ăn uống những đồ có chất lạ.
Ngay khi xuất hiện các triệu chứng: ở da, niêm mạc (như nóng bừng, nổi ban đỏ ngứa, phù mắt, phù môi, ngạt mũi…); ở hệ hô hấp (như khó thở, thở rít); ở hệ tiêu hóa (như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy) và hệ tim mạch (đau ngực, đau đầu, chóng mặt, ngất, tái nhợt, tụt huyết áp)… người bệnh cần được đến khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín, tránh để xảy ra trường hợp đáng tiếc.
ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hà