• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng ngộ độc thực phẩm mùa lễ hội

Hiện đang là mùa lễ hội, do đó nguy cơ mất an toàn thực phẩm và xảy ra các sự cố an toàn thực phẩm rất cao. Sự cẩn trọng và để tâm hơn trong việc ăn uống có thể giúp bạn phòng tránh rất nhiều nguy cơ ngộ độc trong mùa lễ hội.

Ảnh minh họa

Các triệu chứng thường gặp khi bị ngộ độc thực phẩm:

Buồn nôn và nôn;

Đau bụng quằn quại;

Đau đầu, có thể sốt hoặc không;

Tiêu chảy nhiều lần;

Vã mồ hôi liên tục;

Mạch nhanh, thở nhanh;

Đau cơ;

Trường hợp nặng có thể khó thở, da tím tái, co giật, ngưng thở, hôn mê, v.v…

Đphòng tránh nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm khi tham gia các lễ hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng cần thực hiện một số nội dung sau.

Đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống:

- Vệ sinh thật kỹ bếp và khu vực để làm sạch, xử lý thực phẩm đảm bảo tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm.

- Vệ sinh kỹ các dụng cụ chế biến.

- Để thực phẩm trên cao nơi khô ráo, sạch sẽ.

- Thức ăn nên được nấu chín kĩ, nhất là với thịt sống, trứng và gia cầm vì nguy cơ cao ẩn chứa các vi khuẩn gây bệnh.

- Các loại thực phẩm chưa dùng tới phải cho vào tủ lạnh ngay lập tức để vi khuẩn và virus không có đủ thời gian phát triển. Giữ nhiệt độ tủ lạnh ngăn mát dưới 5 độ C, tủ đông ở mức -18 độ C.

- Rửa tay thường xuyên trước và sau khi chế biến thực phẩm. Rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Đồng thời rửa tay trong quá trình nấu nướng và chuẩn bị nếu chuyển từ xử lý thực phẩm này sang thực phẩm khác để giúp ngăn ngừa sự lây lan của các tác nhân gây nhiễm khuẩn.

Đối với người sử dụng thực phẩm:

- Lựa chọn quán ăn, nhà hàng phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch yếu nên đặc biệt thận trọng khi ăn uống bên ngoài.

- Có thể lựa chọn những hàng quán quen, có bếp ăn, sạch sẽ, bát đĩa, đồ dùng được giữ sạch và thức ăn cũng được chế biến cẩn thận.

- Rửa tay sạch trước khi ăn.

- Nên chọn những món ăn đã được nấu chín kỹ. Tránh gọi những món ăn lạ, hoặc những món bản thân có tiền sử dị ứng.

- Không ăn các loại thức ăn được bán lề đường, không được che chắn cẩn thận.

- Các loại rau quả và trái cây cần rửa sạch trước khi ăn, giúp loại bỏ những chất bẩn, thuốc trừ sâu, hóa chất hay các tác nhân lây nhiễm khác.

- Nếu nghi ngờ thực phẩm đã hư hỏng, nhiễm bẩn, cần loại bỏ, không nên sử dụng.

Đối với những người bị suy giảm miễn dịch, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và người già hãy cố gắng tránh:

+ Sushi và các loại hải sản tươi sống khác, động vật có vỏ nấu chín một phần như trai, sò điệp,..

+ Thực phẩm hun khói: thịt lợn hun khói, lạp sườn,…

+ Sữa tươi, phô mai mềm chưa được bảo quản lạnh

+ Rau sống: rau mầm, salad, dưa chuột,…

+ Thức ăn nhanh, đóng hộp: pate, xúc xích, thịt nguội,…

Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng

Chọn những thực phẩm được đóng gói kĩ và có nhãn mác đầy đủ.

Đối với rau củ quả: chọn những loại tươi, không bị dập nát hoặc những đốm lạ.

Đối với thịt: tránh những loại thịt bị nhớt, có màu xanh hoặc thâm đen. Nên chọn những loại thịt có màu đỏ tươi, đỏ sẫm, vết cắt bình thường.

Đối với thực phẩm đã chế biến sẵn: nên chọn mua ở những địa điểm kinh doanh có uy tín, đóng gói kỹ lưỡng, có hạn sử dụng.

Đối với cá và các loại thuỷ hải sản: chọn những loại được bảo quản trong đá lạnh. Đối với cá thì thịt phải chắc, không bị nhớt và có mùi hôi. Nghêu sò ốc cua thì nên lựa những con còn sống. Tôm tép phải có vỏ sáng bóng và trơn láng. Đối với mực và bạch tuộc thì thịt phải trắng. Chung quy, khi lựa chọn hải sản, nên chọn các loại còn tươi, có màu sắc bình thường, và không có mùi hôi ươn.

Đối với đồ hộp: lựa hộp đóng gói không bị phồng, hở, hay méo mó do va đập. Lưu ý, nếu mở hộp thấy có mùi hôi hoặc mùi lạ thì không nên sử dụng.

Xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm

"Chìa khóa vàng" khi tự xử lý ngay tại nhà là cung cấp đủ nước, bù điện giải cho người bệnh. Uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải như oresol hoặc nước muối pha loãng. Một người có thể mất một lượng đáng kể nước, điện giải khi bị tiêu chảy hoặc nôn mửa và cần được bổ sung kịp thời.

Liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất nếu có một hay nhiều triệu chứng sau: Sốt, có lẫn máu trong phân, tiêu chảy kéo dài hơn 72h và hoặc nôn mửa nhiều lần, dấu hiệu mất nước nặng như choáng váng khi thay đổi tư thế, yếu cơ, giảm lượng nước tiểu.


Tác giả: Quang Hưng
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?