Phòng, chống bệnh tật - Vai trò của y tế dự phòng
Đến nay, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh cơ bản phát triển thành một hệ thống đồng bộ với các đơn vị chuyên ngành; đội ngũ cán bộ được đào tạo bảo đảm năng lực ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi. Cùng với cả nước, tỉnh Hưng Yên đã khống chế được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, đồng thời ngăn chặn thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm mới xuất hiện. Các chương trình mục tiêu y tế như: Phòng, chống bệnh sốt rét; bệnh phong; bệnh tiểu đường; phòng, chống một số rối loạn do thiếu i-ốt… được thực hiện thường xuyên và hiệu quả.
Điều tra, đánh giá chỉ số muỗi, bọ gậy tại một số địa phương để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai tại 100% số xã, phường, thị trấn, góp phần giảm mắc các bệnh có vắc xin phòng ngừa cũng như thanh toán, loại trừ một số bệnh truyền nhiễm, như: Bệnh đậu mùa, bại liệt, uốn ván sơ sinh. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ đạt tỷ lệ từ 98% trở lên. Bác sĩ Trần Xuân Khánh, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: “Kết quả sàng lọc viêm gan B khoảng 20 năm trước, tỷ lệ mắc chiếm trên 20% dân số trong tỉnh, thì đến nay con số này đã giảm nhiều. Nhiều năm nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh điều tra ở tuyến xã, lấy mẫu xét nghiệm vi rút viêm gan B đối với người dân trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi, kết quả tỷ lệ mắc chiếm khoảng 8% trong số được lấy mẫu điều tra. Nguyên nhân giảm, theo tôi là do trẻ đã được tiêm chủng vắc xin viêm gan B”.
Ngoài ra, trẻ em là đối tượng trong nhiều chương trình mục tiêu y tế như: Sàng lọc, tư vấn điều trị dự phòng lao; cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, các hoạt động chăm sóc 1000 ngày đầu đời, uống vi ta min A, nuôi con bằng sữa mẹ, sàng lọc sau sinh, sàng lọc trước sinh các bệnh tật bẩm sinh… Do vậy, tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm gây dịch giảm qua các năm, tỷ suất mẹ tử vong, con tử vong dưới 1 tuổi hay trẻ dưới 5 tuổi tử vong đều giảm qua các năm, đã góp phần thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về lĩnh vực y tế của quốc gia.
Công tác dự phòng được chủ động trong thực hiện công tác phòng, chống dịch nên trong giai đoạn 2016-2020 không có dịch lớn xảy ra, không có tử vong do dịch bệnh; không ghi nhận mắc bệnh cúm A các chủng nguy hiểm như H1N1, H5N1, H7N9, các bệnh mới xuất hiện như Ebola, SARS… Một số bệnh lưu hành tại địa phương được phát hiện sớm và chủ động khống chế, điều trị kịp thời, không để lây lan trên diện rộng; các bệnh truyền nhiễm xảy ra lẻ tẻ và có xu hướng giảm như thủy đậu, quai bị, tiêu chảy, lị amip, lị trực trùng... Năm 2021 và đầu năm 2022, dịch Covid-19 hoành hành, ngành Y tế nói chung, y tế dự phòng nói riêng đã làm việc gấp nhiều lần, nỗ lực không ngừng để khống chế thành công dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân… Hiện nay, công tác giám sát các hoạt động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đang được đẩy mạnh, trong đó giám sát chặt chẽ các bệnh nhân sốt xuất huyết từ địa phương khác về địa phương; điều tra, đánh giá các chỉ số muỗi, bọ gậy Aedes…
Ðể thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, ứng phó với mô hình bệnh tật thay đổi, gánh nặng bệnh tật kép của bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm, hệ thống y tế cần có những đáp ứng, thay đổi phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và khả năng cung ứng dịch vụ, trong đó, y tế dự phòng không chỉ làm tốt nhiệm vụ phòng bệnh truyền nhiễm mà còn phòng cả bệnh không lây nhiễm, thông qua dự phòng các yếu tố nguy cơ... góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Theo đồng chí Nguyễn Thị Anh, Giám đốc Sở Y tế, một số nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực y tế dự phòng được đề ra là: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức về công tác y tế dự phòng. Chủ động các biện pháp phản ứng, phòng, chống dịch bệnh kịp thời; xây dựng kế hoạch, tình huống dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó kịp thời với tình huống khẩn cấp. Vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS, lao, sốt xuất huyết; phòng bệnh thông qua chế độ ăn uống, rèn luyện thể chất, sinh hoạt lành mạnh, bảo vệ môi trường. Củng cố hệ thống tiêm chủng; kết hợp giữa phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu với quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm… Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng, hiện đại hóa trang thiết bị và bảo đảm kinh phí hoạt động; củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nhân lực y tế dự phòng…