• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh đậu mùa khỉ: Các khuyến cáo giảm nguy cơ lây bệnh

Hiện tại, nước ta vẫn chưa ghi nhận ca bệnh nào về đậu mùa khỉ, nhưng việc phòng bệnh, ngăn chặn bệnh là hết sức cần thiết để tránh lây lan gây dịch.

Bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra 75 quốc gia ở tất cả các khu vực. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng.

Bệnh đậu mùa khỉ không phải là một căn bệnh mới. Bệnh đậu mùa khỉ (Monkeypox) được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 khi hai đợt bùng phát của một bệnh giống đậu mùa (Smallpox) xảy ra trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là "bệnh đậu mùa khỉ".

Để giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ dưới đây là các khuyến cáo

1. Tránh tiếp xúc không được bảo vệ với động vật hoang dã, đặc biệt là động vật ốm hoặc chết

Theo thời gian, hầu hết các bệnh nhiễm trùng ở người đều do lây truyền chính từ động vật sang người. Phải tránh tiếp xúc không được bảo vệ với động vật hoang dã, đặc biệt là động vật ốm hoặc chết, kể cả thịt, máu và các bộ phận khác của chúng. Ngoài ra, tất cả các thực phẩm thịt hoặc các bộ phận của động vật phải được nấu chín kỹ trước khi ăn.

Cần ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ thông qua hạn chế buôn bán động vật. Một số quốc gia đã đưa ra các quy định hạn chế nhập khẩu các loài gặm nhấm và các loài linh trưởng.

Những động vật nuôi có khả năng bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ nên được cách ly khỏi những động vật khác và đưa vào kiểm dịch ngay lập tức. Bất kỳ động vật nào có thể đã tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh phải được cách ly, xử lý với các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn và theo dõi các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ trong 30 ngày.

Bệnh đậu mùa khỉ: Các khuyến cáo giảm nguy cơ lây bệnh - Ảnh 1.

Tổn thương da tay ở bệnh nhân bị bệnh đậu mùa khỉ.

2. Cách ly và che bất cứ vùng tổn thương da nào nếu nghi ngờ tiếp xúc người mắc bệnh đậu mùa khỉ

Nếu cán bộ y tế hoặc người sống cùng mà tiếp xúc vật lý với một người mắc bệnh đậu mùa khỉ hãy khuyến khích người nhiễm bệnh tự cách ly và che bất cứ vùng tổn thương da nào nếu có thể (ví dụ, bằng cách mặc quần áo che lên chỗ có ban).

Khi tiếp xúc gần với người bệnh, cần đeo khẩu trang y tế, đặc biệt là nếu người nhiễm bệnh đang bị ho hoặc có tổn thương trong miệng.

Người tiếp xúc cũng cần cũng đeo khẩu trang. Tránh tiếp xúc da với da bất cứ khi nào có thể và sử dụng găng tay dùng một lần nếu tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị tổn thương của người bệnh. Hãy đeo khẩu trang khi xử lý quần áo hoặc ga gối nếu người bệnh không thể tự làm được.

3. Cần sát khuẩn tay, đồ dùng cá nhân

Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

Quần áo, ga giường, khăn và các vật dụng khác của người bệnh hoặc các bề mặt mà người bệnh đã tiếp xúc hoặc có khả năng đã tiếp xúc với nốt ban hay chất tiết đường hô hấp của người bệnh (ví dụ, dụng cụ, bát đĩa).

Giặt quần áo, khăn và ga giường và dụng cụ ăn của người bệnh bằng nước ấm và bột giặt. Làm sạch và khử khuẩn bất cứ bề mặt nào đã bị nhiễm bẩn và tiêu hủy chất thải bị nhiễm bẩn (ví dụ, băng gạc) một cách phù hợp.

Ngoài ra, tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt động vật nấu chưa chín kỹ. Thận trọng khi tiếp xúc gần, trực tiếp với các loại động vật. Nếu phải tiếp xúc trực tiếp thì cần mang bảo hộ lao động phù hợp. Nhân viên y tế cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa qua đường tiếp xúc khi thăm khám, chăm sóc, điều trị người bệnh.

Lời khuyên của thầy thuốc

Nếu nghi ngờ có triệu chứng hoặc đã tiếp xúc gần với một người mắc bệnh đậu mùa khỉ, hãy liên hệ với cán bộ y tế để xin tư vấn, xét nghiệm và được chăm sóc y tế. Nếu có thể, hãy tự cách ly và tránh tiếp xúc gần với người khác. Hãy rửa tay thường xuyên và thực hiện các nguyên tắc phòng bệnh để bảo vệ người khác khỏi nhiễm bệnh.

Đậu mùa khỉ là bệnh lý tương đối nhẹ và không có nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Dù đó, nhưng khi bệnh bùng dịch sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây lo ngại về kinh tế. Ngăn chặn bệnh dịch là giải pháp tối ưu nhất hiện nay để bảo vệ chính bản thân, gia đình và xã hội.

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ

Ở người, các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tương tự như bệnh đậu mùa ở người nhưng nhẹ hơn.

Sự khác biệt chính giữa các triệu chứng của bệnh đậu mùa ở người và bệnh đậu mùa khỉ là bệnh đậu mùa khỉ làm cho các hạch bạch huyết sưng lên (nổi hạch) trong khi bệnh đậu mùa thì không. Thời kỳ ủ bệnh (thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi có triệu chứng) đối với bệnh đậu mùa khỉ thường là 7-14 ngày nhưng có thể từ 5-21 ngày.

Bệnh bắt đầu với: Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, kiệt sức. Trong vòng 1 đến 3 ngày (đôi khi lâu hơn) sau khi xuất hiện sốt, bệnh nhân phát ban, thường bắt đầu ở mặt, sau đó lan ra các bộ phận khác của cơ thể. Bệnh thường kéo dài trong 2-4 tuần. Ở Châu Phi, bệnh đậu mùa khỉ đã được chứng minh là có thể gây tử vong cho 1/10 số người mắc bệnh.

BSCKII Thúy Hoa


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?