• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng bệnh khi thời tiết giá rét

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, rét đậm, rét hại có thể còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, kèm theo mưa nhỏ rải rác. Nhiệt độ giảm sâu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, hen suyễn, tim mạch, cơ xương khớp. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc ở ngoài trời hoặc trong môi trường lạnh, những người đang mắc các bệnh mạn tính…

Trong thời gian vừa qua, tại các cơ sở y tế trong tỉnh, nhiều bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh liên quan đến thời tiết. Tại Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên, trẻ mắc bệnh chủ yếu là viêm đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi. Số bệnh nhân điều trị nội trú thường xuyên trên 200 trẻ. Chị Đỗ Thu Trang ở xã Hiệp Cường (huyện Kim Động) có con 3 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên cho biết, mặc dù đã mặc áo ấm cho con, nhưng do cháu ra ngoài chơi nên bị nhiễm lạnh, ho, chảy nước mũi. Theo bác sĩ Lê Anh Huy, Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên, thời tiết lạnh trẻ dễ bị sổ mũi, nghẹt mũi, viêm họng, viêm amidan. Qua theo dõi, nhiều trẻ vào bệnh viện khi bị viêm phổi nặng do tự điều trị tại nhà khi viêm đường hô hấp trên. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, bệnh nhân mắc huyết áp cao, tim mạch cũng tăng nhiều hơn. Bệnh về tuần hoàn não, đột quỵ cũng tăng hơn trong mùa lạnh, đặc biệt nhiệt độ thấp. Tại Bệnh viện Phổi Hưng Yên, bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp khi thời tiết chuyển lạnh tăng hơn. Theo các bác sĩ, đây là những bệnh nhân mắc đợt cấp trên nền mắc bệnh mạn tính. Khi thời tiết chuyển lạnh sâu, bệnh tiến triển nặng hơn. Vì vậy, bệnh nhân phải uống thuốc đều theo hướng dẫn của bác sĩ, vào bệnh viện ngay khi có dấu hiệu bệnh chuyển nặng.

Để hạn chế nhiễm lạnh, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ không ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9h đêm đến 6h sáng. Khi cần ra ngoài nên trang bị đầy đủ quần áo ấm, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang che chắn gió lùa và giữ nhiệt. Luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế bệnh do cảm lạnh. Không nên uống rượu, bia, đồ uống có cafein vì khi uống chất kích thích càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Vệ sinh thân thể bằng nước ấm, nơi kín gió. Súc họng bằng nước ấm có pha muối loãng. Thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn, tiêm vắc xin để phòng ngừa bệnh cúm. Ăn uống đủ chất bảo đảm năng lượng cho cơ thể chống rét. Rèn luyện thân thể, tập thể thao thường xuyên giúp làm ấm cơ thể, nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết lạnh. Những người bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, mắc các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp… chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ khuyến cáo, tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín. Nếu buộc phải sử dụng thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, bảo đảm thông khí, không dùng để sưởi qua đêm và đóng kín cửa.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu khuyến cáo, trong thời tiết chuyển lạnh, người dân cần chú ý các biểu hiện của cơ thể. Khi thấy đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó chịu, tê bì chân tay… thì cần giữ ấm ngay và đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe. Thời tiết lạnh gây tăng thêm gánh nặng cho tim, do vậy với người bệnh tim, huyết áp nên khám và làm việc theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Nên kiểm tra theo dõi huyết áp thường xuyên, kể cả người trẻ, người chưa có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp. Khi bị nhiễm lạnh xuất hiện ho, sốt cần đi khám bác sĩ để có chẩn đoán và điều trị phù hợp; không nên tự ý mua thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh để uống.

Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế chủ động cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, tăng cường truyền thông phòng bệnh nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế, bảo đảm thuốc, thiết bị, nhân lực để sẵn sàng thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh…

 


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?