• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát hiện sớm ung thư phổi bằng cách nào?

Việc phát hiện sớm ung thư phổi rất có ý nghĩa trong việc điều trị và tiên lượng cho bệnh nhân. Ung thư phổi có thể điều trị triệt căn nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm.

Ung thư phổi thường được phát hiện muộn

Ung thư phổi có biểu hiện gì? Ở giai đoạn sớm, ung thư phổi thường có dấu hiệu không rõ ràng. Và một số triệu chứng như ho kéo dài, tức ngực, mệt mỏi… thường gây nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Do vậy người bệnh thường chủ quan và tự điều trị, khi thấy có dấu hiệu cải thiện thường bỏ qua không thăm khám nữa.

Ở giai đoạn muộn, bệnh có nhiều biểu hiện rõ ràng hơn và cũng nặng nề hơn. Người bệnh có một số biểu hiện như.

- Các biểu hiện về hô hấp không đặc hiệu như: Ho, ho ra máu… và khi được điều trị bằng thuốc thông thường sẽ không có hiệu quả, đau ngực liên tục, khó thở, thở khò khè…

- Các biểu hiện toàn thân như mệt mỏi, gầy sút cân, thiếu máu, chán ăn…

Biểu hiện của ung thư phổi không chỉ phụ thuộc vào giai đoạn mà còn phụ thuộc vào vị trí khối u khi đã xâm lấn hoặc chèn ép vào các nơi trên cơ thể.

Ở Việt Nam, ung thư phổi thường được phát hiện và thăm khám ở giai đoạn dã muộn. Ở giai đoạn này, bệnh nhân thường được tiên lượng kém, việc điều trị cũng khó khăn hơn và kém hiệu quả hơn so với giai đoạn sớm do thể trạng bệnh nhân đã bị suy giảm.

Phát hiện sớm ung thư phổi làm tăng hiệu quả điều trị

Việc tiên lượng bệnh nhân ung thư phổi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thể trạng bệnh nhân, loại tế bào ung thư, giai đoạn bệnh, bệnh lý nền đi kèm, việc đáp ứng của người bệnh với các phương pháp điều trị…

Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, ung thư phổi có thể điều trị triệt căn bằng các phương pháp phẫu thuật, xạ trị hoặc kết hợp hóa chất và xạ trị… Sau khi điều trị khỏi, người bệnh vẫn phải tái khám theo lịch của bác sĩ để theo dõi diễn biến bệnh.

Phát hiện sớm ung thư phổi bằng cách nào? - Ảnh 2.

Ung thư phổi giai đoạn sớm thường không có biểu hiện rõ ràng do vậy người bệnh thường dễ bỏ qua.

Làm sao để phát hiện ung thư phổi sớm?

Số ca mắc ung thư phổi ngày càng tăng, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn và tốn kém. Bên cạnh đó, việc phát hiện ở giai đoạn muộn thường tiên lượng tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ khoảng 10%.

Do vậy việc khám sức khỏe và tầm soát để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm rất quan trọng. Không chỉ ung thư phổi mà các loại ung thư nói chung có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.

Để phát hiện sớm ung thư phổi, phương pháp nội soi siêu âm là một trong những kỹ thuật phát hiện ra bệnh ở giai đoạn sớm. Bên cạnh đó, kỹ thuật sinh thiết hạch trung thất có thể phát hiện ra hạch trung thất rất nhỏ dưới 1mm khi người bệnh chưa có dấu hiệu lâm sàng nào. Bên cạnh đó phương pháp này còn phát hiện ra những bệnh lý về hạch lao mà những phương pháp thông thường không tiếp cận được.

Phát hiện sớm ung thư phổi bằng cách nào? - Ảnh 3.

Phát hiện sớm ung thư phổi giúp cho việc tiên lượng và điều trị có kết quả tốt hơn.

Phương pháp kỹ thuật sinh thiết hạch giúp các bác sĩ định hướng chẩn đoán ung thư phổi đặc biệt là chẩn đoán sớm giúp tiên lượng điều trị cho bệnh nhân tốt hơn.

Ai có nguy cơ mắc ung thư phổi?

Để phát hiện sớm ung thư phổi, người bệnh có các dấu hiệu liên quan đến các bệnh lý hô hấp hoặc các đối tượng có nguy cơ nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để tầm soát sớm.

Theo các nghiên cứu, 80% ung thư phổi có liên quan đến các yếu tố như môi trường, chế độ ăn uống, khói thuốc lá, điều kiện lao động… Các đối tượng sau có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn so với người bình thường:

- Những người hút thuốc lá bao gồm cả thuốc lá thụ động có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn người bình thường 20-25 lần.

- Người làm việc trong môi trường có các loại chất như silica, kim loại nặng, chất phóng xạ… hoặc sinh sống ở nơi có không khí ô nhiễm, khói bụi thường ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp và là tiền đề phát sinh bệnh ung thư phổi.

- Trong gia đình có người mắc ung thư phổi.

- Những người có các bệnh lý mạn tính như phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn tính, hen phế quản… Nếu các bệnh lý này kéo dài có thể là nguy cơ gây ung thư phổi.

- Những người hay ăn đồ nhiều tinh bột, uống nhiều rượu, bia.

TS.BS Đinh Thị Hòa

Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện 19-8


 


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?