5 dấu hiệu cảnh báo sâu răng và cách phòng ngừa
Sâu răng không chỉ diễn ra ở trẻ em mà còn gây nhiều phiền toái đối với cả thanh thiếu niên hay người trưởng thành. Nếu không được điều trị, lỗ sâu sẽ lớn dần, ảnh hưởng nghiêm trọng gây nhiễm trùng và gãy răng.
Sâu răng do vi khuẩn tiết ra axit tấn công men răng, tạo ra các lỗ sâu trên bề mặt răng. Vi khuẩn có thể phá hủy nhiều phần của răng, từ thân răng đến chân răng, thậm chí xâm nhập vào tủy. Khi tình trạng sâu răng kéo dài không được chữa trị kịp thời sẽ gây đau nhức, viêm nướu, có thể dẫn đến chết tủy.
Các loại sâu răng thường gặp
Sâu răng có thể xảy ra ở bất kỳ chiếc răng nào nhưng thường gặp nhất là sâu răng cửa và sâu chân răng.
- Chân răng dễ sâu thường xảy ra khi nướu răng bị tụt làm hở chân răng tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây sâu chân răng.
- Răng hàm sâu là tình trạng răng hàm hoặc các mặt nhai của răng hàm bị vi khuẩn tấn công tạo nên các đốm đen.
- Sâu răng cửa thường xuất hiện ở mặt nhai của răng cửa hoặc giữa các kẽ răng, xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ. Điều này thường xuất phát từ việc không chăm sóc răng miệng đúng cách hoặc ăn quá nhiều thức ăn và đồ uống có đường.
Nếu không được điều trị, lỗ sâu răng sẽ lớn dần ảnh hưởng nghiêm trọng gây nhiễm trùng và gãy răng.
5 dấu hiệu cảnh báo sâu răng
Các triệu chứng phổ biến của sâu răng bao gồm:
- Răng bị sâu thường trở nên nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với thức ăn hoặc đồ uống chứa đường, chẳng hạn như bánh kẹo, nước ngọt, hoặc đồ uống có ga.
- Răng ê buốt khi ăn thức ăn quá nóng/quá lạnh: Răng sâu có thể làm cho răng trở nên nhạy cảm với nhiệt độ nóng và lạnh, gây ra cảm giác đau buốt, khó chịu cho người bệnh.
- Răng bị sâu sẽ xuất hiện các lỗ sâu to, nhỏ màu đen, nâu khác nhau hoặc các vết trắng li ti trên bề mặt răng.
- Đau khi nhai, cắn lực mạnh: Răng bị sâu có thể gây đau khi cắn hoặc nhai thức ăn. Đau răng thường tập trung vào vùng bị sâu và trở nên rõ rệt khi có áp lực lên răng.
- Cảm giác đau nhói và nhức tại vùng răng bị sâu là triệu chứng rõ rệt của sâu răng. Cơn đau chỉ xuất hiện khi sâu răng đã phá hủy men răng và tiếp cận phần ngà răng. Tình trạng đau có thể từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào mức độ phá hủy và nhiễm trùng.
Tuy nhiên, trên thực tế khi bị sâu răng khó có thể nhận biết bằng mắt thường vì các vết sâu có thể phát triển ẩn dưới bề mặt răng. Vì vậy, điều quan trọng để bảo vệ răng là đến nha sĩ để kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sâu răng kịp thời.
Giai đoạn phát triển của sâu răng
Sâu răng có thể diễn ra ở bề mặt thân răng hoặc tại chân răng, rồi tiến triển từ từ qua men răng, ngà răng và nặng nhất là xâm nhập phá hoại tủy răng. Sâu răng phát triển theo bốn giai đoạn:
Giai đoạn 1: Giai đoạn sâu răng sớm: Trên bề mặt răng sẽ thấy những đốm trắng đục hoặc vàng đó là các mảng bám nếu không được vệ sinh kỹ có thể phát triển thành lỗ sâu.
Giai đoạn 2: Mảng bám là môi trường trú ngụ của vi khuẩn. Vi khuẩn sẽ gây phá hủy men răng và ngà răng hình thành lỗ sâu màu đen. Giai đoạn này sẽ cảm nhận được ê buốt răng mỗi khi ăn uống đặc biệt là thực phẩm nóng hoặc lạnh.
Giai đoạn 3: Lỗ sâu phát triển rộng. Nếu không được điều trị kịp thời, sâu răng sẽ phát triển ảnh hưởng đến tủy răng và gây viêm tủy. Giai đoạn này sẽ có những cơn đau nhức dữ dội.
Giai đoạn 4: Viêm tủy không được điều trị và đúng cách, vi khuẩn sẽ phát triển nhanh chóng gây ra bệnh lý tủy răng và vùng quanh chóp. Giai đoạn này sẽ cảm thấy đau nhức và khó khăn khi ăn uống.
Lời khuyên thầy thuốc
Tùy vào mức độ nghiêm trọng sâu răng và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị cho người bệnh. Lựa chọn điều trị bao gồm: Phương pháp điều trị bằng florua; Trám răng…
Một số răng bị sâu răng nghiêm trọng đến mức chúng không thể phục hồi và phải được loại bỏ. Nhổ răng có thể để lại một khoảng trống sẽ làm cho các răng khác bị dịch chuyển, xô lệch.
Để kiểm soát sâu răng, mọi người lưu ý:
- Chải răng ít nhất 2 lần một ngày với kem đánh răng có chứa florua;
- Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng ít nhất 2 lần một ngày;
- Súc miệng với nước hoặc nước súc miệng sau bữa ăn;
- Ăn uống lành mạnh, đánh răng sau khi ăn thức ăn bám dính như kem, kẹo…
- Khám nha sĩ định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị.
ThS.BS. Nguyễn Mỹ Hạnh