Nhức đầu do viêm xoang chữa thế nào?
Nhức đầu do viêm xoang là triệu chứng khá phổ biến, khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi. Vậy làm thế nào để giảm nhanh các triệu chứng đau, nhức đầu do viêm xoang gây ra?
1. Biểu hiện nhức đầu do viêm xoang
Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp - Việt Nga, nhức đầu do viêm xoang là tình trạng đau nhức, khó chịu ở một hoặc hai bên đầu và mặt do viêm mũi xoang gây ra. Nguyên nhân dẫn đến đau nhức đầu do viêm xoang là do các đường xoang ở sau mắt mũi và trán bị tắc nghẽn, gây tăng áp lực bên trong các xoang, thậm chí viêm nhiễm dẫn tới đau.
Người bệnh đau nhức đầu do viêm xoang thường cảm thấy nặng, đặc biệt là ở các vị trí xoang mũi như vùng trên hai bên má, trán và xung quanh mắt. Ngoài ra, có thể đi kèm các triệu chứng như sốt, nghẹt mũi, chảy nước mũi, một số vùng như má, mũi, trán sưng đỏ…
2. Cách điều trị đau nhức đầu do viêm xoang
BS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết, không phải lúc nào tình trạng nhức đầu do viêm xoang cũng cần điều trị bằng thuốc. Nếu người bệnh đau nhức đầu mức độ nhẹ, có thể áp dụng các cách chữa trị tại nhà, bao gồm các biện pháp giảm nhẹ triệu chứng và một số loại thuốc không kê đơn. Tuy nhiên nếu tình trạng nặng hoặc kéo dài, tốt nhất nên đi thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Dưới đây là một số biện pháp giúp giảm nhẹ triệu chứng nhức đầu do viêm xoang:
2.1. Biện pháp điều trị nhức đầu do viêm xoang không dùng thuốc
- Sử dụng khăn ấm: Đắp một chiếc khăn ấm đặt lên mặt sẽ giúp giảm khó chịu và cảm giác nặng mặt do viêm mũi xoang gây ra. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên uống đủ nước để làm loãng dịch nhầy, nhờ đó giảm tình trạng tắc nghẽn các đường xoang dẫn tới đau đầu.
- Xịt rửa mũi xoang: Dùng nước muối sinh lý để xịt rửa mũi. Việc này giúp làm sạch, thông thoáng đường thở, tốt cho người bệnh viêm xoang.
- Xông hơi: Xông hơi bằng các thảo dược tự nhiên từ tinh dầu cam, bưởi, xả... hoặc đun nước từ vỏ cam, bưởi, xả... có thể giúp hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng nhức đầu do viêm xoang.
2.2. Thuốc giảm đau nhức đầu do viêm xoang
Nếu tình trạng đau nặng hơn, sử dụng các biện pháp trên không đỡ, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc như sau:
- Các thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen; paracetamol; aspirin... Các thuốc này có tác dụng giảm đau và hạ sốt trong trường hợp người bệnh có kèm sốt nhẹ.
- Các thuốc kê đơn cần sự chỉ định của bác sĩ:
+ Thuốc co mạch tại chỗ: Làm giảm tình trạng tiết dịch trong khoang mũi, giúp đường hô hấp trên thông thoáng như naphazolin, ephedrin (tác dụng ngắn) và các thuốc như xylometazolin, tetra hydroxyzine, oxymetazolin (tác dụng dài).
Các thuốc co mạch không nên dùng quá 7 ngày, vì có thể gây nên tình trạng nhờn thuốc, phải tăng liều, thậm chí gây nên tình trạng sung huyết mũi nặng hơn ( viêm niêm mạc mũi mạn tính), tạo ra vòng luẩn quẩn viêm mũi - dùng thuốc - viêm mũi do thuốc...
+ Thuốc kháng histamin H1: Nhóm thuốc này thường được chỉ định cho các đối tượng đau đầu viêm xoang do dị ứng (thời tiết, phấn hoa, lông động vật...). Thuốc kháng histamin H1 có cả các thuốc thế hệ cũ gây ngủ như chlorpheniramin, promethazin… và thế hệ mới ít gây ngủ, được ưa dùng hơn như loratadine, cetirizine, fexofenadine, desloratadine, levocetirizine…
+ Thuốc kháng sinh: Thường được chỉ định trong trường hợp viêm xoang do nhiễm khuẩn. Các nhóm thường dùng là beta-lactam (ampicillin, amoxicillin, cefuroxime, cefadroxil, cefdinir…), macrolide (erythromycin, azithromycin, clarithromycin…) hoặc mạnh hơn nhưng cũng nhiều tác dụng phụ hơn và không được dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi là quinolon (ciprofloxacine, ofloxacin, levofloxacin…)
Cần lưu ý uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tránh nhờn thuốc, kháng thuốc.
+ Corticoid: Có tác dụng chống viêm và giảm phù nề như triamcinolone, fluticason, beclomethason... giúp giảm triệu chứng đau nhức đầu do viêm xoang.
Thuốc mang lại hiệu quả cao và rõ rệt, tuy nhiên người bệnh không nên lạm dụng, vì có thể làm chậm quá trình phục hồi niêm mạc bị tổn thương. Dùng quá liều có thể gây kích ứng niêm mạc mũi, khô mũi, gây chảy máu cam, viêm hoặc loét vách ngăn mũi, dẫn tới hiện tượng bội nhiễm vi khuẩn, virus và nấm…
+ Thuốc ức chế leukotriene: Các thuốc nhóm này như montelukast, zileuton, pranlukast, zafirlukast… sẽ giúp giảm nhanh hiện tượng sưng, viêm tại các hốc xoang do hoạt chất là leukotriene gây nên. Nếu người bệnh đáp ứng kém với thuốc kháng histamin thì nhóm thuốc ức chế leukotriene sẽ được sử dụng.
Nhóm thuốc này khá an toàn nhưng có thể gây tăng men gan (xảy ra với zileuton) và đôi khi gây ra tác động lên hệ thần kinh trung ương như ảo giác, mất ngủ, kích động…
Do đó, để an toàn và hiệu quả, người bệnh chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn.
Minh Tâm