Tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trong trường học
Trong những ngày gần đây, bệnh đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng trong trường học trên địa bàn tỉnh. Môi trường học đường là điều kiện khiến bệnh trở nên phức tạp, dễ thành dịch do đông người, học sinh, đặc biệt học sinh nhỏ tuổi chưa có ý thức phòng bệnh. Thêm vào đó, thời tiết mưa kéo dài là cơ hội để vi rút phát triển, lây lan mạnh. Do vậy, ngành Y tế và các nhà trường đang tập trung phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhóm trẻ, trường học.
Chị Nguyễn Hải Anh có 2 con học ở Trường tiểu học Hoàn Long (huyện Yên Mỹ) cho biết, tôi có một cháu học lớp 5, một cháu học lớp 3. Mấy ngày vừa qua, cả hai cháu đều bị đau mắt đỏ. Ở lớp cháu cũng có một số bạn bị đau mắt đỏ, cô giáo đã phối hợp với phụ huynh học sinh cho cháu nghỉ học để tránh lây cho bạn khác.
Sau khi phát hiện có học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ ở nhiều trường học, ngày 18/9, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Yên Mỹ gửi các trường mầm non, tiểu học, THCS, cơ sở mầm non tư thục trong huyện nội dung tuyên truyền về triệu chứng, các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ để tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh nắm bắt được; đồng thời, yêu cầu cơ sở giáo dục nếu phát hiện học sinh nhiễm bệnh cần thông báo đến phụ huynh học sinh và đưa học sinh đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Đồng chí Đỗ Văn Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Mỹ cho biết, phòng chỉ đạo các trường bảo đảm có đủ xà phòng, nước sạch, hướng dẫn các cháu thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: Lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang... Các nhà trẻ, cơ sở mầm non tư thục thường xuyên khử trùng (có thể đun sôi) khăn mặt cho trẻ. Để không làm lây bệnh sang học sinh khác, phòng hướng dẫn nhà trường phối hợp với phụ huynh học sinh cho học sinh mắc bệnh tạm nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh. Trong thời gian học sinh ở nhà, trường có thể tổ chức cho học sinh được học trực tuyến.
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục phối hợp với ngành Y tế tổ chức chiến dịch truyền thông về bệnh đau mắt đỏ và các biện pháp phòng, chống cho công chức, viên chức, người lao động, học sinh, cha mẹ học sinh và người chăm sóc trẻ. Hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh truyền thông về phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tới các thành viên khác trong gia đình và cộng đồng; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, cho trẻ mắc bệnh tạm nghỉ học, họp bàn biện pháp ngăn ngừa bệnh ở các trường trong huyện, hướng dẫn các trường dạy bù kiến thức cho học sinh nghỉ học do mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng và các chất tẩy rửa thông thường; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
Việc phát hiện sớm học sinh mắc bệnh và báo cho cơ sở y tế là điều hết sức cần thiết để xử lý sớm không để phát sinh thành ổ dịch. Bác sĩ Đoàn Thị Thơm, Phó trạm trưởng trạm y tế xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) cho biết, sau khi tiếp nhận thông báo của trường mầm non, ở xã có nhiều trẻ mắc bệnh đau mắt đỏ, ngày 23/9, trạm y tế xã đã rà soát số học sinh mắc bệnh ở cả 3 trường: Mầm non, tiểu học, THCS trong xã với gần 60 học sinh mắc. Hiện nay, lớp nhiều có tới 1/3 số học sinh mắc. Ngày 24/9, Trạm y tế xã đã tiến hành phun khử khuẩn ở tất cả các lớp học, hành lang của 3 trường. Do tốc độ lây lan rất nhanh nên diễn biến bệnh trở nên phức tạp. Điều quan trọng là các trường có học sinh mắc bệnh phải báo với trạm y tế để phối hợp phòng, chống dịch sớm, kịp thời, tránh lây lan diện rộng.
Trước diễn biến của bệnh đau mắt đỏ ở các trường học như hiện nay, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp với các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường; hướng dẫn các trường thông báo ngay cho cơ sở y tế địa phương khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để. Các cơ sở giáo dục mầm non cần bảo đảm vệ sinh trường học, giáo viên hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, bảo đảm mỗi trẻ có một khăn mặt riêng, rửa mặt bằng nước sạch, rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, không dùng tay dụi mắt. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ; phối hợp với cha mẹ học sinh đưa trẻ đi khám chuyên khoa mắt để được điều trị phù hợp.