• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt là một bệnh máu thường gặp, chiếm 5% tổng số các bệnh tạo máu và 20-25% các bệnh leukemia. Theo thống kê, bệnh leukemia đứng thứ 7 về tỷ lệ mới mắc và đứng thứ 5 về tỷ lệ tử vong.

1. Nguyên nhân gây leukemia kinh dòng bạch cầu hạt
Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt (CML) là tăng sinh bạch cầu hạt hoặc bệnh máu ác tính hay còn gọi là bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt.

Đây là một bệnh ác tính hệ tạo máu thuộc nhóm hội chứng tăng sinh tủy mạn ác tính. Bệnh đặc trưng bởi sự tăng sinh các tế bào dòng bạch cầu hạt có biệt hóa trưởng thành. Hậu quả là số lượng bạch cầu tăng cao ở máu ngoại vi với đủ các tuổi của dòng bạch cầu hạt.

Tiến trình tự nhiên của bệnh sẽ gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn mạn tính
Giai đoạn tăng tốc
Giai đoạn chuyển lơ xê mi cấp
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của leukemia kinh dòng bạch cầu hạt, mặc dù các nghiên cứu đã biết được bệnh phát triển như thế nào từ những thay đổi di truyền trong các tế bào tủy xương. Các yếu tố môi trường chỉ chiếm một phần nhỏ trong nguyên nhân dẫn đến bệnh leukemia kinh dòng bạch cầu hạt và yếu tố gia đình không đóng vai trò trong sự phát triển bệnh.

Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh leukemia kinh dòng bạch cầu hạt:

Tuổi tác: ung thư máu mạn tính gặp nhiều hơn ở tuổi trung niên và người cao tuổi, đặc biệt là leukemia kinh dòng lympho.
Giới tính: Nam giới có tỷ lệ mắc leukemia kinh dòng bạch cầu hạt nhiều hơn nữ giới.
Tiếp xúc với bức xạ: Sống nơi nhiễm bức xạ dễ mắc leukemia kinh dòng bạch cầu hạt.
Những người đã được điều trị xạ trị trước đó có nguy cơ mắc bệnh leukemia kinh dòng bạch cầu cao hơn những người khác.

Các yếu tố nguy cơ thường ảnh hưởng đến sự phát triển của ung thư, nhưng hầu hết không trực tiếp gây ra bệnh ung thư. Một số người có yếu tố nguy cơ nhưng lại không mắc bệnh ung thư, trong khi những người khác không có yếu tố nguy cơ lại mắc ung thư. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu biết các yếu tố nguy cơ thì bác sĩ có thể giúp bạn đưa ra các lời khuyên về lối sống và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.
Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt (CML) là tăng sinh bạch cầu hạt hoặc bệnh máu ác tính hay còn gọi là bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt.

2. Triệu chứng leukemia kinh dòng bạch cầu hạt
Triệu chứng của bệnh leukemia kinh dòng bạch cầu hạt sẽ khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Cụ thể, ở giai đoạn mạn tính, lách to là triệu chứng điển hình, gặp ở 85-90% người bệnh. Gan to gặp trên 50% người bệnh. Ngoài ra, người bệnh cũng có: Các triệu chứng chung của các bệnh ác tính như mệt mỏi, kém ăn, sụt cân, ra mồ hôi đêm…

Biểu hiện thiếu máu mức độ nhẹ hoặc vừa. Một số ít có thể có biểu hiện xuất huyết.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không có triệu chứng gì. Người bệnh chỉ vô tình được phát hiện khi đi khám về bệnh khác hoặc khám sức khỏe định kỳ.

Ở giai đoạn bệnh leukemia kinh dòng bạch tiến triển hoặc giai đoạn muộn, các triệu chứng thường biểu hiện rõ hơn như thiếu máu, gan lách to, hạch to, thậm chí có cả biểu hiện của tắc mạch máu do bạch cầu tăng cao hay tình trạng nhiễm trùng tái diễn do suy giảm miễn dịch. Tiên lượng của leukemia kinh dòng bạch cầu hạt chuyển cấp rất xấu, thời gian sống thêm ngắn (trung bình từ 3 tháng đến 2 năm kể cả khi điều trị đa hóa trị liệu tích cực).

Trong giai đoạn mạn tính, biểu hiện lâm sàng đặc trưng nhất là dấu hiệu lách rất to, ngoài ra bệnh nhân thường có các biểu hiện khác như thiếu máu, biến chứng tắc mạch và các triệu chứng chung của bệnh lý ác tính như sốt, sụt cân v.v…

Trong giai đoạn tăng tốc và chuyển cấp, có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu của leukemia như thiếu máu tăng dần, nhiễm trùng, xuất huyết.

3. Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt có lây không?

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân dẫn đến leukemia kinh dòng bạch cầu hạt nhưng các nghiên cứu đã cho thấy bệnh phát triển từ những thay đổi di truyền trong các tế bào tủy xương nên leukemia kinh dòng bạch cầu hạt không lây.

4. Phòng ngừa leukemia kinh dòng bạch cầu hạt
Hiện nguyên nhân gây bệnh leukemia kinh dòng bạch cầu hạt vẫn chưa rõ ràng nên không có cách để ngăn chặn triệt để ngay từ đầu. Tuy nhiên, lối sống lành mạnh, tránh tiếp xúc với các hóa chất, tia xạ và khám kiểm tra sức khỏe định kỳ là những cách để phòng bệnh.

Ngoài ra, nếu nghi ngờ bản thân có thể có các dấu hiệu của bệnh leukemia kinh dòng bạch cầu hạt thì việc đi khám và làm xét nghiệm kiểm tra là rất quan trọng để chẩn đoán xác định và điều trị bệnh.

5. Điều trị leukemia kinh dòng bạch cầu hạt
Hiện có nhiều phương pháp điều trị leukemia kinh dòng bạch cầu hạt. Đối với mỗi trường hợp, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Ở mỗi giai đoạn, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau. Mục tiêu điều trị là đạt tới các mức độ đáp ứng ngày càng cao. Các đáp ứng bao gồm đáp ứng huyết học, đáp ứng tế bào di truyền và đáp ứng mức độ phân tử.

Ở giai đoạn mạn tính các phương pháp điều trị có thể được chỉ định là: Hóa trị liệu; Hydroxyurea: Liều 30-60mg/kg/ngày, giảm liều tùy theo số lượng bạch cầu rồi chuyển sang điều trị duy trì. Interferon alpha.

Điều trị nhắm đích
Từ cuối những năm 1990, việc phát hiện và hiểu rõ cơ chế bệnh sinh của leukemia kinh dòng bạch cầu hạt đã thúc đẩy các nhà khoa học khám phá ra chất ức chế hoạt tính tyrosine kinase, tác động trực tiếp lên gen lai BCR-ABL.

Năm 2001, imatinib là thuốc ức chế Tyrosine kinase thế hệ đầu tiên được đưa vào sử dụng. Loại thuốc này đã giúp bệnh nhân leukemia kinh dòng bạch cầu hạt đạt được đáp ứng điều trị. Tỷ lệ đáp ứng về phân tử sâu khá cao. Thời gian sống thêm toàn bộ kéo dài. Đồng thời tác dụng không mong muốn và độc tính của thuốc có khả năng khắc phục được.

Đến nay, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công nhận nhiều loại thuốc nhắm đích thế hệ sau để phục vụ cho việc điều trị bệnh hiệu quả hơn. Trong đó, thế hệ hai có nilotinib. Đã có thế hệ ba (Hiện chưa được phê duyệt tại Việt Nam) có hiệu quả cao đối với đột biến T315I – loại đột biến kháng lại tất cả các thuốc thế hệ 1 và 2.

Điều trị hỗ trợ
Một số phương pháp điều trị hỗ trợ có thể được chỉ định là: Truyền máu trong những trường hợp thiếu máu rõ ( Hb <70g/l), hạn chế truyền ở những người bệnh có số lượng bạch cầu trên 100G/L để tránh nguy cơ tắc mạch.

- Bổ sung dịch

- Sử dụng lợi niệu cưỡng bức khi điều trị hóa chất

- Phòng ngừa và điều trị các biến chứng do tăng độ quánh máy (hóa chất, gạn bạch cầu).

BS. Nguyễn Văn Dũng


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?