• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia tăng bệnh nhân nhi mắc bệnh tay – chân – miệng

Theo các bác sĩ, bệnh tay-chân-miệng do 2 loại vi rút đường ruột là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 hay gọi là EV71 gây ra. Biểu hiện phỏng nước do vi rút Coxsackie to và dày hơn vi rút EV71, vết loét thường to và sâu hơn. Tuy nhiêm, bệnh do vi rút EV71 có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và gây biến chứng nặng như viêm cơ tim, phù phổi cấp, viêm màng não, nặng có thể dẫn đến tử vong. Đường lây bệnh chủ  yếu là do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở mũi, miệng, họng và bọng nước hoặc phân của người bị bệnh. Ngoài ra, còn do tiếp xúc gián tiếp với quần áo, đồ chơi, bát đũa… của trẻ mang bệnh.

Thời gian gần đây, số trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng. Ghi nhận tại khoa Nội nhi 2, bệnh viện Sản-Nhi Hưng Yên những tuần gần đây cho thấy, khoảng nửa tháng nay, thường xuyên có 30-40 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú do mắc bệnh tay-chân-miệng tại khoa, tăng gấp 1,5 - 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Các bệnh nhân hầu hết là trẻ em dưới 3 tuổi, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng sốt 38-40 độ C, có biểu hiện nhiễm trùng kèm theo như: Viêm đường hô hấp trên, viêm họng, viêm tai giữa…

Chị Nguyễn Thị Thảo ở xã Hiệp Cường (Kim Động) chăm con trai 24 tháng tuổi đã điều trị 5 ngày tại Bệnh viện Sản-Nhi Hưng Yên cho biết: Cách đây khoảng 1 tuần, tôi thấy con có biểu hiện sốt, tay, miệng có nốt đỏ nên đã đưa cháu đến bệnh viện khám. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán cháu bị bệnh tay-chân-miệng nên cho cháu nhập viện điều trị. Đến nay, con tôi đã hết sốt, các vết phỏng nước trên da đã se lại.

Bệnh nhi Trần Gia Tiến, 25 tháng tuổi ở xã Hoàn Long (Yên Mỹ) đã điều trị nội trú tại bệnh viện 4 ngày. Chị Hoa Thị Vân Anh, mẹ cháu chia sẻ: Con tôi có biểu hiện sốt nhưng tôi chủ quan nên hai hôm sau mới cho cháu đến bệnh viện. Cháu nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau miệng, ăn kém, da nổi nốt đỏ rải rác ở cả tay, chân, miệng...

Bác sĩ Đào Thúy Đạt, Phụ trách Khoa Nội Nhi 2, Bệnh viện Sản-Nhi Hưng Yên cho biết: Bệnh tay-chân-miệng xuất hiện quanh năm, tuy nhiên vào thời điểm mùa hè nắng nóng, thời tiết thay đổi mưa, nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh phát triển, nguy hiểm là bệnh có thể gây thành dịch lớn. Đa phần trẻ có diễn biến nhẹ nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như: Sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong…

Mặc dù bệnh tay-chân-miệng dễ lây, tuy nhiên, bệnh lại dễ phát hiện bởi các dấu hiệu đặc trưng như: Chảy nước dãi, bỏ ăn, sốt, ngủ giật mình, đi loạng choạng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước và thường thấy ở lòng bàn tay, bàn chân, mông... Một số trẻ có thể bị nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, tất cả các địa phương trong tỉnh đều ghi nhận trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng, thời gian gần đây số lượng ca mắc có sự gia tăng đột biến so với cùng kỳ mọi năm. Bác sĩ Phạm Văn Ngọc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Dự báo số ca mắc bệnh tay-chân-miệng có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới bởi tính chất lây truyền của bệnh và điều kiện thời tiết. Để chủ động phòng, chống bệnh tay-chân-miệng trong điều kiện chưa có vắc xin phòng chống, đòi hỏi cả người lớn và trẻ em cần rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh…; thực hiện tốt vệ sinh ăn chín, uống sôi, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, đồ chơi; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh; cách ly trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng tại nhà, không đưa trẻ đến nhà trẻ, trường học cho đến khi khỏi bệnh (ít nhất 7 - 10 ngày); bổ sung vitamin tăng cường sức đề kháng cho trẻ…

Trước tình trạng gia tăng bệnh nhi mắc bệnh truyền nhiễm trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, bệnh viện Sản-Nhi đã tích cực triển khai  nhiều biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh và lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc bệnh viện chia sẻ: Bệnh viện bảo đảm thực hiện vệ sinh sạch sẽ không gian bệnh viện, xử lý rác thải đúng quy định chuẩn bị nước sát khuẩn tay nhanh trước cửa buồng bệnh… Bên cạnh đó, chúng tôi đã khuyến cáo người nhà khi chăm sóc trẻ có thể nhiễm vi rút gây bệnh nên không nên đi lại tự do giữa các phòng bệnh; hạn chế tối đa người nhà vào phòng bệnh, không mang các vật dụng, đồ chơi từ bệnh viện về nhà, nếu mang cần tiệt trùng sạch sẽ…


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?