Đau thần kinh toạ ở người trẻ do đâu và cách khắc phục
Nhiều người cho rằng đau thần kinh tọa hay gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên trên thực tế đau thần kinh tọa đang có xu hướng phổ biến hơn ở người trẻ.
Nguyên nhân đau thần kinh tọa ở người trẻ tuổi
Đau thần kinh tọa là tình trạng dây thần kinh bị chèn ép, gây đau vùng thắt lưng mạn tính, sau đó lan dần xuống chân theo đường đi dây thần kinh tọa. Bệnh có thể đi kèm các rối loạn cảm giác, tê bì hoặc teo cơ.
Đau thần kinh tọa thường gặp ở người trong độ tuổi 30 – 50 tuổi. Tuy nhiên, bệnh đang có xu hướng phổ biến dần ở nhóm người trẻ tuổi.
Các nguyên nhân gây đau thần kinh tọa ở người trẻ có nhiều trong đó có tình trạng lao động nặng, bị chấn thương, ngồi - nằm không đúng tư thế,...
Theo ghi nhận, một số bệnh như thấp tim, thương hàn, thoát vị đĩa đệm cấp tính sau các động tác gắng sức không đúng tư thế của cột sống (cúi xuống nâng vật nặng sai tư thế hoặc cử động đột ngột phần thân) gây đau thắt lưng hông cấp tính.
Ngoài ra, một số người trẻ có nghề nghiệp liên quan như: bốc vác, nghệ sĩ xiếc, vận động viên cử tạ,... thường xuyên phải lao động nặng, tác động nhiều lên vùng lưng – hông dễ dẫn đến đau thần kinh tọa.
Các chấn thương trực tiếp vào dây thần kinh tọa như: gãy xương chậu, gãy xương cột sống thắt lưng, phẫu thuật áp xe mông, tiêm trực tiếp vào dây thần kinh tọa hoặc tiêm thuốc dạng dầu ở mông lan tới dây thần kinh tọa… Hoặc do các khối u hay các bệnh liên quan đến khớp vùng thắt lưng, phụ nữ mang thai,... cũng có thể mắc đau thần kinh tọa.
Biểu hiện đau thần kinh tọa ở người trẻ
Cũng giống như đau thần kinh tọa ở người già, người trẻ khi mắc bệnh này sẽ có biểu hiện đau lưng giữa hoặc lệch 1 bên, đau nhiều hơn khi cúi người hoặc ho, hắt hơi;
Đau lan từ lưng xuống, lệch sang một bên mông, xuống đùi, khoeo chân, gót chân hoặc lan ngược lại từ gót chân lên lưng.
Người bệnh có thể bị teo cơ bên chân đau; Cột sống bị cứng, đau khi nghiêng người; Ngày càng khó trở mình, cúi người xuống.
Đau thần kinh tọa cần làm gì?
Tùy thuộc vào mức độ đau, lứa tuổi, bệnh cảnh cụ thể mà các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp. Một số lựa chọn điều trị gồm: Nghỉ ngơi tuyệt đối nếu bị đau dây thần kinh tọa nặng, nên nằm giường cứng (tránh nằm võng hoặc ngồi ghế xích đu), tránh vận động mạnh hoặc tác động mạnh lên vùng thắt lưng - hông như chạy nhảy, xoay người đột ngột, cúi gập người;
Vật lý trị liệu có tác dụng giảm đau, tác động cơ học để điều trị bệnh bằng cách nắn cột sống, kéo giãn cột sống, bấm huyệt, châm cứu dùng tia hồng ngoại, thể dục trị liệu, đắp sáp nến,...
Một số trường hợp các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc thuốc giãn cơ, thuốc an thần, vitamin nhóm B liều cao hoặc dùng kháng sinh trong trường hợp bị đau thần kinh tọa do nhiễm trùng; Phẫu thuật trong một số trường hợp theo chỉ định của bác sĩ. Có thể phẫu thuật hở hoặc sử dụng tia laser.
Để phòng ngừa đau thần kinh tọa ở người trẻ cần chú ý tới tư thế làm việc không ngồi cong lưng liên tục trong thời gian dài; Khi cần đứng lên nên đứng một cách từ từ để cột sống không bị thay đổi tư thế đột ngột.
Cần thường xuyên vận động, tập luyện thể thao để giúp xương khớp được dẻo dai, chắc khỏe. Các khóa học yoga hoặc bơi lội rất tốt với những người có đặc thù công việc là ngồi nhiều hoặc lao động nặng;
Tập luyện cải thiện sức khỏe cột sống nếu làm việc ngồi nhiều trong văn phòng thỉnh thoảng đứng lên đi lại, chống 2 tay lên mép bàn, nâng người 2 - 3 phút để rèn luyện sức khỏe; Không mang, vác vật nặng quá sức.
Ngoài ra, cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, không ăn thực phẩm chế biến sẵn (có nhiều dầu mỡ và chất bảo quản) mà nên ăn thực phẩm tươi sống, rau quả, các loại ngũ cốc. Đồng thời, nên uống nhiều nước lọc và nước trái cây mỗi ngày để thanh lọc cơ thể, tăng cường sức đề kháng.
Khi thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường cảnh báo đau dây thần kinh tọa, người bệnh nên đi thăm khám ngay để phát hiện bệnh và điều trị sớm, tránh được nguy cơ biến chứng sau này.
BS. Trần Thị Thanh