Cơn bốc hỏa ở nam giới tuổi trung niên - nguyên nhân và cách cải thiện
Mọi người thường cho rằng phụ nữ mới gặp những cơn bốc hỏa vào tuổi trung niên nhưng thực tế nam giới cũng có thể gặp hiện tượng này.
1. Nguyên nhân gây bốc hỏa ở nam giới
Mặc dù ít phổ biến hơn so với phụ nữ nhưng bốc hỏa vẫn xảy ra ở nam giới độ tuổi trung niên. Hầu như các triệu chứng tương tự nhau ở cả hai giới. Bốc hỏa ở nam giới tuy không nguy hiểm nhưng tạo cảm giác bức bối, khó chịu...
Giống như việc phụ nữ trải qua những cơn bốc hỏa do mất cân bằng nội tiết tố, đàn ông cũng vậy. Ở nam giới, nguyên nhân của các cơn bốc hỏa chủ yếu là do thiếu hụt hormone testosterone. Khi tổng lượng testosterone của cơ thể giảm xuống dưới 300 ng/dL có thể được coi là có lượng testosterone thấp.
Đàn ông cũng bị bốc hỏa khi đến tuổi trung niên.
Sự thiếu hụt testosterone do mắc một số bệnh lý làm tinh hoàn mất đi khả năng sản xuất testosterone, các bệnh mạn tính, bị trầm cảm,... Một số phương pháp điều trị, cụ thể là liệu pháp điều trị thiếu hụt androgen, cũng làm tăng nguy cơ gây ra cơn bốc hỏa ở nam giới. Người ta ước tính rằng có đến 80% nam giới bị bốc hỏa sau khi điều trị bằng liệu pháp này.
Những người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt và nam giới đang điều trị ung thư tuyến tiền liệt cũng cho biết họ gặp phải những cơn bốc hỏa. Theo Cancer.net, hơn 75% nam giới được điều trị ung thư tuyến tiền liệt đang gặp phải các triệu chứng bốc hỏa.
Lối sống thiếu khoa học, ăn uống kém điều độ hoặc thiếu hoạt động thể chất cũng có thể gây ra những cơn bốc hỏa. Nguyên nhân của 90% mức testosterone giảm mạnh do sự tương tác của các bệnh lý mạn tính, lối sống không lành mạnh, ăn uống không khoa học hoặc không vận động thể chất.
2. Bốc hỏa ở nam giới tuổi trung niên có nguy hiểm không?
Bốc hỏa là một giai đoạn đột ngột và thoáng qua được đặc trưng bởi cảm giác nóng bừng lan khắp cơ thể, đặc biệt tập trung ở vùng mặt, cổ và ngực. Về mặt lâm sàng được gọi là triệu chứng vận mạch, cảm giác này bắt đầu khi các tín hiệu sai được gửi đến vùng dưới đồi hoặc trung tâm kiểm soát nhiệt của não. Kết quả trực tiếp của việc này là sự giãn nở của các mạch máu gần bề mặt da, làm tăng lưu lượng máu và da đỏ lên - đó là dấu hiệu nhận biết của một đợt bốc hỏa.
Ở nam giới, đây là những triệu chứng cơn bốc hỏa phải đề phòng:
- Cảm giác nóng đột ngột ở mặt, phần trên cơ thể hoặc cổ
- Đỏ da
- Đổ mồ hôi dữ dội
- Lạnh run hoặc ớn lạnh
- Tim đập nhanh
Mỗi cơn bốc hỏa ở nam giới thường sẽ kéo dài trung bình khoảng 4 phút, sau đó nhiệt độ cơ thể sẽ nhanh chóng trở về bình thường. Nếu bạn thường xuyên gặp phải những triệu chứng này (nam giới bị ảnh hưởng có cơn bốc hỏa từ 6-10 lần một ngày), thì tốt nhất nên nói chuyện với bác sĩ về các triệu chứng của mình.
Mặc dù cơn bốc hỏa không đe dọa tính mạng ngay lập tức nhưng nó có thể dẫn đến các biến chứng về sức khỏe nếu không điều trị tình trạng cơ bản gây ra các cơn bốc hỏa. Dưới đây là một số nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn đi kèm với cơn bốc hỏa ở nam giới:
- Đau tim
- Đột quỵ
- Bệnh tim
- Gián đoạn giấc ngủ
- Căng thẳng
- Trầm cảm
- Giảm chất lượng cuộc sống
Nếu các cơn bốc hỏa kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hoặc bắt đầu khiến bạn suy nhược, điều quan trọng là phải giảm bớt các cơn bốc hỏa với sự trợ giúp của chuyên gia y tế.
3. Các lựa chọn điều trị cơn bốc hỏa ở nam giới
May mắn thay, những cơn bốc hỏa có thể khắc phục được nếu có kế hoạch quản lý phù hợp. Dưới đây là một số cách bạn có thể giữ các cơn nóng bừng ở mức tối thiểu:
- Sử dụng liệu pháp thay thế testosterone khá hiệu quả để giảm cơn bốc hỏa.
- Thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh cũng có tác dụng tốt.
Các biện pháp này cần có sự thăm khám và kê đơn của bác sĩ và theo dõi quá trình điều trị. Không nên tự ý mua dùng.
Bên cạnh các kế hoạch điều trị ở trên, bạn cũng có thể áp dụng những thay đổi lối sống để chống lại những cơn bốc hỏa này. Bao gồm:
- Mặc quần áo nhẹ, thoáng mát
- Ở trong môi trường mát mẻ
- Tránh đồ ăn cay nóng, thực phẩm sinh nhiệt, đồ ăn nhiều dầu mỡ
- Kiêng uống rượu
- Hạn chế uống cà phê
- Cắt bỏ thói quen hút thuốc
- Giảm cân
- Giải tỏa tâm lý căng thẳng, áp lực
Tập luyện sức đề kháng là hình thức tập luyện giúp tăng khối lượng cơ bắp có khả năng làm tăng mức testosterone, giống hình thức tập thể dục cường độ cao. Tuy nhiên, nên tránh tập cardio kéo dài hơn 1 giờ mỗi ngày vì điều này có xu hướng làm giảm nồng độ testosterone.
Tuân thủ chế độ ăn lành mạnh bao gồm các thực phẩm giàu omega-3, protein động vật, thực vật, ngũ cốc nguyên hạt giàu vitamin và khoáng chất. Những thực phẩm này chứa các chất chống oxy hóa, ít chất béo bão hòa giúp cân bằng nội tiết tố, có khả năng chống viêm và gián tiếp điều hòa nội tiết tố khỏe mạnh.
Một số loại thảo dược và chất bổ sung cũng giúp điều chỉnh tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bốc hỏa giúp tăng lưu lượng máu đi khắp cơ thể, làm giảm các cơn bốc hỏa do lưu thông tốt hơn. Vitamin E làm cho tuyến yên gửi tín hiệu đến tinh hoàn để tạo ra nhiều testosterone hơn. Vitamin D làm tăng testosterone bằng cách cải thiện chức năng của các vị trí thụ thể nhằm nhận diện hormone testosterone trong máu dễ dàng hơn. Kẽm là chất tăng cường testosterone mạnh, hoạt động bằng cách kích thích tuyến yên sản xuất nhiều testosterone hơn, giảm các cơn nóng bừng cũng có thể giúp giảm các cơn bốc hỏa ở nam giới.
Thiên Châu