Kháng thuốc gia tăng, phác đồ nào điều trị tối ưu vi khuẩn HP?
Ngay cả khi bệnh nhân đã tuân thủ theo phác đồ điều trị nhưng việc diệt trừ vi khuẩn H.pylori (HP) vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, phác đồ điều trị cần cá thể hóa theo từng người bệnh...
1. Cân nhắc kỹ, chỉ diệt vi khuẩn H.pylori khi cần thiết
Hiện nay, với tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn H.pylori ở nước ta, các kháng sinh chỉ còn hiệu quả rất thấp: Amocixillin 24,9%, clarithromycin 34,1%, metronidazole 69,4%, levofloxacin 27,9%, tetraxycline 17,9%... Đáng báo động là vi khuẩn H.pylori kháng nhiều loại kháng sinh trung bình lên tới 47,4%... Việc điều trị diệt vi khuẩn H.pylori đang trở nên khó khăn, vì vậy cần có chỉ định đúng, cân nhắc kỹ, chỉ diệt H.pylori khi cần thiết chứ không chỉ định tràn lan. TS.BS.Vũ Trường Khanh - nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Còn theo GS.TS.Mai Hồng Bàng - Nguyên GĐ Bệnh viện TWQĐ 108, Chủ tịch Hội tiêu hóa Việt Nam, trong 10 năm gần đây đã có nhiều thay đổi về mặt y học chứng cứ trong lĩnh vực nghiên cứu về H.pylori và các bệnh do vi khuẩn này gây ra. Thực tế đã có những thay đổi rất lớn về các chiến lược điều trị nhằm đối phó với tình trạng vi khuẩn H.pylori kháng kháng sinh ngày càng gia tăng và phức tạp. Vì thế cần có những đồng thuận mới trong điều trị vi khuẩn H.pylori. Phác đồ diệt trừ H.pylori phải được đánh giá là có hiệu quả chỉ khi đạt tỉ lệ diệt trừ thành công tối thiểu là 80%.
2. Nguyên tắc điều trị vi khuẩn H.pylori
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, nguyên tắc chung khi điều trị bệnh viêm loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori như sau:
- Dựa trên tình trạng bệnh lý để loại bỏ các yếu tố gây bệnh như: H.pylori, stress, tăng tiết HCl…
- Bình ổn các chức năng của dạ dày.
- Tăng cường tái tạo niêm mạc của dạ dày và loại trừ các biểu hiện đi kèm...
Mục tiêu của phác đồ diệt H.pylori của Bộ Y tế là sử dụng nhiều loại thuốc kết hợp với nhau để mang đến hiệu quả tốt nhất, đồng thời có thể giảm bớt những rủi ro xảy ra trong quá trình điều trị, bao gồm:
- Diệt vi khuẩn H.pylori tồn tại trong dạ dày.
- Giảm tình trạng và cả những yếu tố gây ra viêm loét.
- Ức chế sự bài tiết HCl và pepsin.
- Trung hòa dịch vị acid trong dạ dày - tá tràng.
- Tăng cường những yếu tố bảo vệ dạ dày.
- Kích thích sản xuất chất nhầy.
3. Những lợi ích khi tuân thủ phác đồ điều trị vi khuẩn H.pylori
Việc điều trị vi khuẩn H.pylori cần phối hợp kháng sinh kết hợp cùng với các loại thuốc giảm tiết dịch vị acid trong dạ dày. Tùy từng bệnh nhân và tình trạng bệnh lý mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ cụ thể. Khi bệnh nhân tuân thủ đúng phác đồ thuốc điều trị vi khuẩn H.pylori sẽ mau chóng khắc phục được các triệu chứng khó chịu của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng do H.pylori trong thời gian ngắn nhất. Hơn nữa, còn đạt được nhiều kết quả khác như:
- Hạn chế được tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh; đảm bảo quá trình trị bệnh và dùng thuốc phù hợp với mức độ, tình trạng bệnh cũng như thể trạng của từng người.
- Giúp các bác sĩ có thể dễ dàng theo sát quá trình điều trị của người bệnh. Trong trường hợp nếu có những vấn đề bất thường xảy ra, bác sĩ sẽ có biện pháp xử lý kịp thời để đảm bảo việc điều trị có thể mang lại kết quả tốt nhất. Hơn nữa, bác sĩ sẽ có những phương án dự phòng cụ thể cho từng trường hợp. Nếu việc điều trị ở phác đồ ban đầu không đạt hiệu quả, bác sĩ sẽ thay thế phác đồ phù hợp hơn.
- Giúp cả bác sĩ và người bệnh ở thế chủ động, không để thời gian bị bệnh kéo dài mà không có kết quả. Điều này giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí, thời gian và ngăn chặn được biến chứng không mong muốn xảy ra.
4. Các phác đồ điều trị vi khuẩn H.pylori mới nhất
- Điều trị vi khuẩn H.pylori với liệu pháp 3 thuốc: Thời gian áp dụng là từ 10 - 14 ngày, gồm các phối hợp thuốc:
+ Clarithromycin + PPI + amoxicillin.
+ Amoxicillin + PPI + metronidazole/tinidazole.
Phác đồ này áp dụng cho trường hợp nhẹ, kết quả đạt được có thể tiêu diệt vi khuẩn H.pylori được trên 80% ngay lần đầu tiên.
- Điều trị vi khuẩn H.pylori với liệu pháp 4 thuốc: Liệu pháp này được sử dụng khi phác đồ 3 thuốc không phù hợp hoặc không mang lại kết quả cho người bệnh. Phác đồ này đạt được tỷ lệ tiêu diệt vi khuẩn H.pylori tương đương với liệu pháp 3 thuốc, nhưng có thể dẫn đến tình trạng khó dung nạp do kết hợp quá nhiều loại thuốc và làm tăng nguy cơ H.pylori kháng kép. Thời gian dùng thuốc 10 - 14 ngày, gồm các phối hợp thuốc:
- Bismuth + tinidazole/metronidazole + tetracyclin + PPI.
- PPI + amoxicillin + metronidazole + clarithromycin.
Kết quả điều trị với phác đồ 4 thuốc có sử dụng bismuth sau 14 ngày cho hiệu quả điều trị lên tới 95%. Tuy nhiên, người bệnh không nên sử dụng phác đồ có chứa những loại kháng sinh đã từng được dùng ở phác đồ đầu tiên, đặc biệt là với clarithromycin, bởi có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc rất cao.
- Phác đồ điều trị H.pylori nối tiếp: Là phác đồ được sử dụng như giải pháp kế tiếp hoặc có thể sử dụng ngay ở hai liệu trình đầu. Thời gian sử dụng phác đồ này là 10 ngày, cụ thể:
- 5 ngày đầu tiên: Amoxicillin + PPI.
- 5 ngày tiếp theo: Tinidazole + PPI + clarithromycin.
Khi sử dụng phác đồ này, bệnh nhân phải được thực hiện kháng sinh đồ để phát hiện vi khuẩn có thể tương tác với loại kháng sinh nào. Từ đó giúp bác sĩ đưa ra phác đồ phù hợp nhất. Kết quả đạt được tỷ lệ tiêu diệt vi khuẩn H.pylori khá cao trên các chủng kháng kháng sinh clarithromycin, lên đến 88,9%. Vì vậy, phác đồ điều trị vi khuẩn H.pylori nối tiếp được đánh giá cao, ưu việt hơn so với phác đồ diệt H.pylori 3 thuốc nêu trên.
- Phác đồ 3 thuốc có chứa levofloxacin: Mặc dù là liệu pháp 3 thuốc, phác đồ này sử dụng kháng sinh levofloxacin. Phác đồ này được sử dụng khi liệu pháp 4 thuốc và phác đồ nối tiếp không hiệu quả. Thời gian điều trị là 10 ngày, bao gồm các thuốc: PPI + levofloxacin + amoxicillin.
Mặc dù phác đồ này cho kết quả điều trị với khả năng tiêu diệt vi khuẩn cao hơn liệu pháp 4 thuốc, nhưng có nhược điểm là khi vi khuẩn H.pylori kháng levofloxacin sẽ khiến phác đồ này phát huy tác dụng kém. Vì vậy, bác sĩ chỉ áp dụng phác đồ này đối với những trường hợp có chọn lọc.
- Phác đồ cứu nguy có furazolidone và rifabutin: Khi các phác đồ nêu trên không mang lại kết quả điều trị tốt cho người bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng phác đồ cứu nguy có chứa thuốc furazolidone và rifabutin.
Phác đồ này có điểm hạn chế là thuốc rifabutin có thể chọn lọc một số chủng mycobacterium tuberculosis kháng thuốc. Từ đó gây cản trở cho quá trình tiêu diệt vi khuẩn H.pylori. Hơn nữa, tác dụng của loại thuốc này hiện nay trong các nghiên cứu vẫn thường thể hiện không nhất quán và cần phải được nghiên cứu thêm.
5. Lưu ý khi điều trị vi khuẩn H.pylori
Dù là sử dụng phác đồ nào, thì khi đáp ứng điều trị sẽ đem lại hiệu quả nhanh, thấy rõ chỉ sau 5 -7 ngày sử dụng thuốc, nhưng lúc này mới chỉ giúp bệnh nhân giảm được các triệu chứng chứ không loại bỏ vi khuẩn H.pylori triệt để, nhất là những trường hợp bệnh mãn tính lâu năm. Bởi H.pylori có cơ chế kháng thuốc rất tốt, hơn nữa, môi trường dư acid trong dạ dày khó cân bằng lại khi người bệnh chỉ sử dụng thuốc. Nếu sử dụng thuốc không đúng cách còn có thể phản tác dụng khiến bệnh nghiêm trọng hơn.
Nhiều người bệnh sau khi dùng thuốc khoảng 1 tuần, thấy các triệu chứng đau, khó chịu thuyên giảm nhiều nên bỏ ngang điều trị. Đây cũng là một trong những lý do khiến tỉ lệ điều trị thất bại cao mà vi khuẩn H.pylori kháng thuốc ngày càng phức tạp.
Vì vậy một vài lưu ý sau đây bệnh nhân người cần ghi nhớ:
- Tuân thủ chặt chẽ theo phác đồ và hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Không được tự ý thay đổi liều lượng hoặc cách dùng. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả trị bệnh.
- Thuốc PPI nên sử dụng lúc dạ dày đang rỗng, tốt nhất là trước bữa ăn 1 tiếng. Khi đang dùng thuốc ức chế bơm proton kéo dài, cần giảm dần liều lượng trước khi ngừng thuốc.
- Kháng sinh uống ngay sau bữa ăn, khi dạ dày đang no.
- Đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung các loại thực phẩm tốt cho dạ dày. Không sử dụng các loại đồ uống có cồn, đồ ăn cay nóng, chất kích thích…
- Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Nguyễn Hà