• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh viêm não do virus Herpes gây di chứng gì, chữa thế nào?

Bệnh viêm não do virus Herpes simplex là một bệnh nhiễm trùng thần kinh cấp tính, gây hoại tử kèm theo xuất huyết nhu mô não. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm, điều trị bằng thuốc đặc hiệu và chăm sóc tích cực, người bệnh thường có tiên lượng tốt.

Cứu sống bé gái 6 tháng tuổi mắc viêm não do virus Herpes

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM vừa tiếp nhận một bé gái 6 tháng tuổi (ở Kiên Giang) trong tình trạng sốt 3 ngày, bỏ bú, co giật nhiều cơn phải sử dụng nhiều loại thuốc cắt cơn co giật, kèm theo là tình trạng rối loạn tri giác dạng ngủ gà.

Ngay sau khi tiếp nhận các bác sĩ đã chỉ định chụp CT Scan sọ não và chọc dò thắt lưng lấy dịch não tủy làm xét nghiệm. Hình ảnh CT Scan có cản quang ghi nhận giảm đậm độ vùng nhu mô não thùy thái dương 2 bên.

Với vị trí tổn thương não, kết hợp bệnh cảnh lâm sàng hiện tại của bé, các bác sĩ đã nghĩ nhiều đến một tác nhân virus gây bệnh hay gặp là Herpes virus (còn được viết tắt là HSV). Kết quả xét nghiệm PCR HSV trong dịch não tủy của bé là dương tính. Đây là xét nghiệm tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định các trường hợp viêm não do HSV, điều này phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng và hình ảnh CT sọ não của bệnh nhi.

Sau 2 tuần điều trị tích cực với thở máy và sử dụng nhiều chế phẩm thuốc, trong đó duy trì thuốc Acyclovir truyền tĩnh mạch đóng vai trò quan trọng, bệnh nhi đã được cai máy thở.

Hiện tại bé đã thở khí trời, bú tốt hơn, kết quả PCR HSV đã âm tính, dự kiến xuất viện trong thời gian tới. Bé sẽ tiếp tục được tái khám để theo dõi các dấu chứng thần kinh và tình trạng phát triển tâm thần - vận động về sau.

 

Bệnh viêm não do virus Herpes gây di chứng gì, chữa thế nào?- Ảnh 1.

Bệnh viêm não do virus Herpes cần phát hiện sớm

 

Viêm não do virus herpes xảy ra quanh năm nhưng bệnh thường gặp vào mùa xuân – hè. Nguyên nhân của viêm não herpes thường do sự tái hoạt của virus herpes đã nằm sẵn trong cơ thể. 90% những người trưởng thành đều mang virus này trong cơ thể. Tuy nhiên phải có những điều kiện thuận lợi thì virus này mới có thể bùng phát như sốt, phơi nắng, căng thẳng tâm lý, phẫu thuật, kinh nguyệt….

Virus này thường xâm nhập qua đường mũi, họng, đi theo dây thần kinh vào nằm trong hạch. Nếu được kích hoạt, virus này sẽ đi ngược theo dây thần kinh khứu giác lên thùy thái dương trên não.

Bệnh thường khởi phát đột ngột, cấp tính bằng sốt cao, đau đầu, sau đó xuất hiện co giật, thay đổi tính cách, mất trí nhớ và hôn mê. Các dấu hiệu thần kinh khu trú gợi ý tổn thương thùy thái dương và thùy trán não. Viêm não có thể đi kèm viêm màng não với các triệu chứng nôn, cứng gáy.

Có thể để lại di chứng cho người bệnh

Khoảng 30-60% bệnh nhân không điều trị thuốc đặc hiệu sẽ diễn tiến đến tử vong. Nếu phát hiện sớm, điều trị bằng thuốc đặc hiệu ngay thì có thể cứu sống được và tỷ lệ di chứng cũng ít hơn.

Ở những trường hợp sống sót, bệnh nhân từ từ tỉnh lại, nhưng vẫn còn rối loạn tâm thần và tổn thương thần kinh kéo dài.

Di chứng thường gặp là có những động tác bất thường, yếu liệt chi, gồng vặn người từng cơn, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, nói khó hoặc không nói được, không viết được, rối loạn chức năng trí tuệ nhiều mức độ.

 

Bệnh viêm não do virus Herpes gây di chứng gì, chữa thế nào?- Ảnh 2.

Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao, buồn nôn, nôn khan, co giật cần đưa đi khám ngay.

Hiện nay, viêm não do virus Herpes là bệnh viêm não virus duy nhất có thuốc đặc trị, đó là acyclovir. Ngoài ra, bệnh nhân cần được hạ nhiệt, chống co giật, phù não, điều chỉnh rối loạn nước và điện giải, dinh dưỡng đầy đủ.

 

Vật lý trị liệu cần được tiến hành sớm khi bệnh nhân ổn định lâm sàng hoặc khi phát hiện có di chứng. Bệnh nhân cần được tiếp tục theo dõi sau khi xuất viện để phát hiện di chứng não.

Tuy vậy, bệnh chưa có vaccine phòng bệnh nên biện pháp ngừa bệnh tốt nhất vẫn là ăn uống hợp vệ sinh, giữ sạch mũi họng, nhất là với trẻ em. Khi thấy có biểu hiện sốt cao, buồn nôn, nôn khan, co giật một bên tay hoặc chân, co giật nửa người cần đi khám ngay tại cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời.

BS. Nguyễn Văn Hải


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?