• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

5 dấu hiệu bệnh tay chân miệng chuyển nặng cần chú ý, tránh để trẻ rơi vào suy hô hấp

Mới đây, tại Hà Nội, bé 10 tháng tuổi bị suy hô hấp nặng do tay chân miệng khiến nhiều gia đình có con nhỏ lo lắng. Những biểu hiện dưới đây là các dấu hiệu bệnh chuyển nặng cha mẹ cần lưu ý.

Bệnh tay chân miệng là bệnh cấp tính do virus gây ra, thường là do nhóm virus đường ruột, điển hình là virus Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong đó, virus nhóm A16 là loại thường gặp nhất, với các triệu chứng ở thể nhẹ, ít biến chứng. Còn nhóm EV 71 gây bệnh nặng hơn, biến chứng nguy hiểm hơn, thậm chí dễ dẫn đến tử vong do viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim... 

Hiện nay, theo ghi nhận ở các cơ sở y tế tại TPHCM, số ca bệnh nhiễm EV71 đang nhiều hơn so với chủng khác.

Bệnh tay chân miệng dễ lây

Bệnh tay chân miệng lây lan nhanh nhất là ở nhà trẻ, lớp học, vì lây qua dịch tiết mũi hoặc họng (nước bọt, nước mũi, đờm…). Các giọt hô hấp bắn vào không khí sau khi ho hay hắt hơi.

Bệnh tay chân miệng còn có thể lây từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc trực tiếp, qua chất lỏng bên trong mụn nước, phân của người bệnh. Thậm chí lây qua tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm virus từ người bệnh như đồ chơi, tay nắm cửa... rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.

Triệu chứng điển hình của tay chân miệng

Khi lây nhiễm tay chân miệng, trẻ sẽ có các biểu hiện điển hình như sau:

  • Trẻ sốt, mệt mỏi.
  • Xuất hiện đau họng, biếng ăn.
  • Nôn ói.
  • Đi tiêu lỏng.

Ở trẻ nhỏ hơn sẽ có các triệu chứng điển hình của tay chân miệng như: Không ăn được, bỏ bú đối với trẻ còn nhỏ do đau vì những bóng nước, vết loét ở miệng, bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở đầu gối, ở mông.

Bé 10 tháng tuổi suy hô hấp nặng do tay chân miệng: 5 dấu hiệu bệnh chuyển nặng cần biết - Ảnh 2.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chăm sóc cho bệnh nhi tay chân miệng.

Dấu hiệu cảnh báo tay chân miệng cần nhập viện

Thông thường bệnh tay chân miệng chỉ cần chăm sóc tại nhà đúng cách sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám ngay khi trẻ có những dấu hiệu sau:

  1. Trẻ sốt cao khó hạ hoặc sốt liên tục trên 2 ngày.
  2. Trẻ nôn ói nhiều (1 tiếng nôn ói trên 3 lần).
  3. Run tay chân, đi đứng loạng choạng (dấu hiệu tổn thương thần kinh).
  4. Ngủ gà (dấu hiệu tổn thương thần kinh), giật mình chới với.
  5. Da nổi mẩn, thở nhanh, thở rít, khàn tiếng.

Hoặc bằng linh cảm của người làm cha làm mẹ, nếu lo lắng và thấy con mình có dấu hiệu bất thường, cũng cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị tay chân miệng?

Đặc thù dịch tay chân miệng hay xảy ra ở các thành phố lớn, nơi có lượng người dân ngoài địa bàn đến sinh sống và làm việc khá nhiều, nên trẻ sẽ được đưa đến nhà trẻ để cha mẹ đi làm. Bởi vậy, khi trẻ mắc tay chân miệng, cha mẹ tuyệt đối không được đưa trẻ đến nhà trẻ, trường học.

Cha mẹ cần cho trẻ nghỉ học, cần cách ly, vệ sinh vật dùng đồ chơi, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên để hạn chế nhiễm và phát tán mầm bệnh.

Việc nhiễm tay chân miệng rồi vẫn có khả năng nhiễm lại, vì có nhiều chủng, do đó cha mẹ cần cho trẻ nghỉ học đến khi các bóng nước khô hẳn, hoặc đã hết các triệu chứng sau khi nhiễm bệnh ít nhất 7 - 10 ngày.

Bệnh tay chân miệng do virus nên đa phần tự khỏi, chúng ta chỉ điều trị nâng đỡ (ăn uống, dinh dưỡng) và điều trị triệu chứng: Hạ sốt, giảm đau... Nhập viện theo dõi, điều trị chuyên sâu khi có biến chứng nặng: Thở oxy, thở máy, lọc máu, truyền Immunoglobulin IVIG...

Bé 10 tháng tuổi suy hô hấp nặng do tay chân miệng: 5 dấu hiệu bệnh chuyển nặng cần biết - Ảnh 4.

Khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, nếu thấy điều bất thường thì cần cho trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được khám và theo dõi. Ảnh minh hoạ.

Dưới đây là 6 lưu ý chăm sóc và dinh dưỡng khi trẻ bị chân tay miệng để con bạn cải thiện tốt hơn, giúp nhanh chóng hồi phục:

  1. Cần cho trẻ nghỉ ngơi.
  2. Cho trẻ uống đủ nước, có thể uống ngụm nhỏ nước ấm hoặc nước mát.
  3. Cần cho trẻ súc miệng bằng nước muối.
  4. Chế biến món ăn mềm, lỏng, giàu năng lượng.
  5. Cần hạn chế các thức ăn giàu tính acid như hoa quả chua, soda…
  6. Dùng thuốc giảm đau và các thuốc khác theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Tóm lại: Bệnh chân tay miệng đang có xu hướng gia tăng tại một số nơi, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để các bác sĩ xem xét các vấn đề (tháng tuổi, triệu chứng, phát ban hay vết loét… của con bạn như thế nào), đôi khi cần làm xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng thường hết sau 7 đến 10 ngày. Vì vậy, khi chăm sóc nếu thấy điều bất thường, cần cho trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được khám và theo dõi.

BS Nguyễn Văn Dũng


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?