4 bệnh về da hay gặp mùa mưa lũ
Mùa mưa lũ dễ khiến môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh ngoài da. Việc phát hiện sớm và xử trí đúng rất quan trọng để giảm bớt những biến chứng và khó chịu trong sinh hoạt.
Một số bệnh về da hay gặp vào mùa mưa
Nước ăn chân
Nước ăn chân hay còn gọi là nấm da chân, viêm kẽ ngón chân là bệnh nhiễm nấm ở bàn chân, nhất là các khe giữa các ngón chân. Bệnh xảy ra khá nhiều vào mùa mưa ẩm, hoặc ở những người thường xuyên phải tiếp xúc với nước bẩn vào mùa mưa. Nước ăn chân gây phát ban, ngứa, châm chích, nóng rát trên da ở một hoặc cả hai bàn chân, khiến da chân có tình trạng bong vảy, nứt nẻ, nổi mụn nước, đôi khi có mùi khó chịu.
Bệnh nấm da chân có thể bắt đầu với một phần da nhỏ bị kích ứng, khô, ngứa hoặc có vảy. Khi nấm phát triển khiến da dày lên và nứt, sau có thể lan ra toàn bộ bàn chân và cả hai mặt bên của bàn chân.
Khi phát hiện nấm, có thể lấy phèn chua hoặc lá trầu hòa vào nước ngâm rửa chân rồi lau khô rất hiệu quả trong diệt khuẩn, kháng viêm. Nếu không đỡ, người bệnh cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và chỉ định dùng thuốc.
Viêm nang lông
Viêm nang lông là tình trạng viêm một hoặc nhiều nang lông. Mùa mưa khiến da ẩm ướt là một trong số những yếu tố thuận lợi gây bệnh. Ai cũng có thể mắc viêm nang lông ở bất kỳ đâu trên cơ thể như mặt, lưng, cánh tay, chân.
Tổn thương là những sẩn nhỏ ở nang lông, trên có đóng vảy tiết, không đau, sau vài ngày tiến triển, tổn thương có thể khỏi.
Tại nhà, bệnh nhân cần vệ sinh da thường xuyên, sử dụng khăn mặt và khăn tắm sạch sau mỗi lần tắm, không dùng chung khăn tắm hoặc khăn mặt. Giặt giũ thường xuyên, sử dụng nước xà phòng nóng để giặt khăn tắm, khăn lau mặt và các loại quần áo dễ thấm dầu.
Viêm nang lông hoàn toàn có thể điều trị được tại nhà bằng thuốc hoặc kem bôi ngoài da. Riêng các trường hợp nặng cần được bác sĩ điều trị bằng laser, tiểu phẫu,… hoặc bệnh hay tái phát cần điều trị dứt điểm.
Hắc lào
Hắc lào là một loại bệnh ngoài da phổ biến trong mùa mưa do thiếu nước sạch sinh hoạt và thiếu vệ sinh.
Các loại nấm gây hắc lào trên các vùng da có thể có biểu hiện khác nhau. Đặc điểm chung là những tổn thương da có dạng tròn, hoặc bầu dục, có ranh giới rõ ràng. Vùng da bị bệnh có màu đỏ hồng hoặc nâu, nổi mẩn đỏ một vùng có giới hạn rõ, bề mặt xuất hiện những mụn nước, tập trung phần rìa vùng nổi mẩn. Kèm theo đó là triệu chứng ngứa da, nhất là khi đổ mồ hôi. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể lây sang các vị trí khác trên cơ thể, tăng mức độ tổn thương trên da hoặc chàm hóa.
Vùng da bị nấm hắc lào có thể có mụn mủ vàng, mụn nước phồng rộp nếu bệnh nhân cào, gãi, gây xước khiến vi khuẩn xâm nhập. Nấm gây bệnh hắc lào có thể lây cho người khác khi tiếp xúc trực tiếp hoặc mang chung quần áo, vật dụng cá nhân.
Để điều trị hắc lào hiệu quả, tùy từng trường hợp bác sĩ chỉ định điều trị tại chỗ hay kết hợp với điều trị toàn thân. Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc chống nấm để bôi lên vùng da bị nhiễm hắc lào. Cần bôi thuốc đều đặn để làm giảm triệu chứng ngứa và ngăn ngừa sự lây lan của bệnh. Đồng thời, phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, không gãi hoặc làm trầy xước vùng da bị tổn thương để tránh gây bệnh lây lan.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng thuốc kháng nấm toàn thân nếu bệnh hắc lào lan toàn thân hoặc bị nhiễm nấm nặng.
Chốc lở
Bệnh chốc lở là một loại bệnh nhiễm khuẩn nông thường gặp ở da, khiến da nổi mụn mủ, bọng nước và các vết trợt đóng vảy. Đây là một bệnh da hay gặp khi điều kiện vệ sinh sau mưa bão kém.
Thương tổn là những mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân. Khi giập vỡ tạo vết trợt loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu nâu bẩn, xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ.
Chốc lở là bệnh lý truyền nhiễm, rất khó để tự điều trị tại nhà. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ cần đi khám bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Tại nhà bệnh nhân cần tuân thủ vệ sinh cá nhân, mặc quần áo thoải mái, thoáng mát, dễ chịu.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để diệt vi khuẩn có hại trên da. Vệ sinh vùng chốc lở mỗi ngày bằng nước muối ấm. Giặt quần áo riêng đối với người bị bệnh chốc. Giữ vệ sinh không gian sống xung quanh.
Phòng chống bệnh ngoài da
Để phòng hiệu quả các bệnh về da mùa mưa mọi người cần chú ý không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã được khử trùng thì phải lọc nước theo hướng dẫn của cán bộ y tế địa phương.
Không mặc áo quần ẩm ướt. Không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, ngoài gây bệnh ngoài da còn có thể gây bệnh đường tiêu hóa do nuốt phải nước bẩn.
Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì ngay sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.
BS. Nguyễn Lan Anh