• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Theo Bộ Y tế, dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue ở nước ta đang có dấu hiệu gia tăng. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 41.905 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 ca tử vong. Hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều, đồng thời cũng đang trong dịp cao điểm du lịch hè 2024, nguy cơ mắc, lây truyền các bệnh truyền nhiễm tăng cao, trong đó có bệnh sốt xuất huyết. 

Tại tỉnh Hưng Yên, theo giám sát bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 38 ca bệnh sốt xuất huyết ở 9 huyện, thị xã, thành phố, cao hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong những tuần gần đây, số ca bệnh được ghi nhận ngày càng tăng; trong đó, phần lớn các ca bệnh mắc tại Hà Nội trở về địa phương điều trị.

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, để chủ động phòng, chống, từ cuối tháng 7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành điều tra, giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại một số địa phương. Đây là hoạt động giám sát các chỉ số bọ gậy (lăng quăng), muỗi truyền bệnh để có kế hoạch phun hóa chất diệt véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết, chủ động phòng bệnh, làm giảm tỉ lệ mắc, khống chế không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn. Kết quả điều tra, giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại xã Tam Đa (Phù Cừ) cho thấy, trong nước đọng có bọ gậy. Bác sĩ Nguyễn Văn Kiếm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phù Cừ cho biết, vừa qua tại xã Đình Cao có 3 ca mắc, là các trường hợp làm việc và bị lây ở Hà Nội. Hiện nay, các ca bệnh đã được điều trị ổn định và xuất viện. Trung tâm đã kịp thời phun khử khuẩn tại khu vực xã Tam Đa, nơi điều tra, giám sát nước đọng có bọ gậy. Là địa bàn giáp với các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, nơi có nhiều người mắc sốt xuất huyết, vì vậy các địa phương trong huyện đã tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn, phun khử khuẩn ở những nơi có nguy cơ cao, đồng thời giám sát chặt chẽ ca bệnh. 

Chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế huyện Ân Thi đã tập huấn cho 340 người là lãnh đạo UBND, cán bộ trạm y tế, bí thư đoàn thanh niên, cán bộ đài truyền thanh và bí thư chi bộ, trưởng thôn của các xã, thị trấn về cách nhận diện đặc điểm bệnh sốt xuất huyết, kiến thức phòng, chống sốt xuất huyết tại cộng đồng; hướng dẫn kỹ năng truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết... tại Xã Cẩm Ninh (Ân Thi) vừa đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường với 300 người tham gia, gồm cán bộ, hội viên, đoàn viên các tổ chức chính trị - xã hội, công chức xã cùng đông đảo Nhân dân các thôn. Cán bộ và Nhân dân trong xã đã tiến hành quét dọn khuôn viên nhà văn hóa xã và các thôn; phát quang cây cối, nhặt cỏ, rác thải nhựa, túi nilon trên tất cả các tuyến đường, cắt tỉa đường hoa, vớt rác trên các tuyến kênh mương; dọn rác trên 1.500m sông Quảng Lãng qua địa phận xã. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; vận chuyển rác thải ở toàn bộ các trục đường chính các thôn đến các bãi rác tập trung.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt với thông điệp “Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Ngành y tế đề nghị người dân chú ý đậy kín vật dụng trữ nước sinh hoạt, thu gom đồ vật có thể ứ đọng nước trong và xung quanh nhà, loại bỏ các vật phế thải có thể đọng nước như chậu cảnh, bình hoa, lốp xe cũ, các dụng cụ chứa nước khác... Dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh nhà, bỏ rác thải vào thùng có nắp đậy. Ngủ màn, dùng các biện pháp diệt muỗi... Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch…

 


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?