• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quan tâm xây dựng đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Hưng Yên có 161 cán bộ chuyên trách công tác dân số cấp xã và hơn 1.400 cộng tác viên dân số ở các thôn, tổ dân phố. Đây là những người hàng ngày trực tiếp gắn bó với công tác dân số ở cơ sở và đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở các địa phương. 

Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách dân số cấp xã 

Nhằm nâng cao và chuẩn hóa chất lượng của đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở, mỗi năm Chi cục DS-KHHGĐ tổ chức 10 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và và kỹ năng tuyên truyền, vận động cho cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số ở cơ sở với những nội dung như: Dân số và phát triển, KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phương pháp truyền thông, vận động người dân thực hiện chính sách dân số; cách thu thập thông tin và ghi chép sổ theo dõi… Ngoài ra, mỗi khi triển khai một đề án về DS-KHHGĐ, những người làm công tác dân số ở cơ sở còn được Phòng Dân số của Trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã đào tạo, tập huấn sâu hơn về chuyên môn ở lĩnh vực mà mô hình, đề án triển khai. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai một số đề án như: Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân... Từ những kiến thức được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, những năm qua, đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở đã thường xuyên bám sát địa bàn dân cư, tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân thực hiện các chính sách về dân số, góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu về DS - KHHGĐ ở địa phương, từng bước nâng cao chất lượng dân số. Đồng chí Đào Thị Mai Hường, cán bộ chuyên trách dân số, Trạm y tế xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ) chia sẻ: Các lớp tập huấn, bồi dưỡng rất quan trọng và cần thiết đối với những người làm công tác dân số. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, tôi nhận thức rõ hơn vai trò, nhiệm vụ của cán bộ dân số trong giai đoạn hiện nay; tôi được bổ sung các kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là kỹ năng truyền thông, từ đó giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở, Chi cục DS - KHHGĐ đã chủ động tham mưu với Sở Y tế trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành nhiều chính sách củng cố, ổn định tổ chức bộ máy, tăng phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên dân số nhằm ổn định tư tưởng, giúp họ yên tâm công tác. Sau khi hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy của Chi cục DS-KHHGĐ và sáp nhập trung tâm DS-KHHGĐ vào trung tâm y tế cấp huyện, thành lập phòng dân số trực thuộc trung tâm y tế cấp huyện, tháng 9/2021, tất cả trạm y tế ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã bố trí được một cán bộ y tế làm cán bộ chuyên trách công tác dân số, chịu sự quản lý của trạm trưởng trạm y tế cấp xã. Nhìn chung, hệ thống tổ chức bộ máy được kiện toàn theo hướng quản lý tinh giản, bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương với công tác dân số.

Là một cộng tác viên dân số nhiệt huyết, bà Mai Thị Tuyết, thôn Phương Thông, xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) đã có 10 năm gắn bó với công tác dân số, chia sẻ: Toàn thôn có 280 hộ dân, nhận thức được tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ, tôi tích cực dành thời gian tìm hiểu hoàn cảnh, đời sống của từng hộ dân ở thôn, từ đó có biện pháp vận động phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức còn hạn chế, tôi chú trọng vận động sinh ít con để giảm bớt gánh nặng, tập trung phát triển kinh tế. Với những gia đình kinh tế khá giả, muốn sinh thêm con, tôi phân tích lợi ích của KHHGĐ đối với sức khỏe bà mẹ, trẻ em và đời sống gia đình. 

Công tác dân số ở cơ sở không chỉ đơn thuần là tổ chức hội nghị truyền thông mà phải đến từng nhà, gặp từng người tuyên truyền, vận động để người dân dần thay đổi nhận thức, tự nguyện thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có hàng nghìn phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và hàng nghìn trẻ em được sàng lọc sơ sinh; 100% các cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn được tư vấn và cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt hơn 70%; tuổi thọ bình quân của người dân trong tỉnh hiện nay là 75 tuổi… 

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, gặp ở đâu tuyên truyền, vận động ở đó, những người làm công tác dân số cơ sở đã góp phần không nhỏ đưa chính sách dân số đến từng hộ dân, từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?