• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện nghề của người phụ nữ luôn được hỏi "Có sợ không?"

Có lẽ số phận đã sắp đặt nghiệp của chị phải gắn với những con người đặc biệt này, nên chị vẫn tiếp tục bám trụ tại đây...

Gần 20 năm công tác, gắn với môi trường rất đặc thù để điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân bị nhiễm chất độc màu da cam/dioxinhay tâm thần sa sút…, có những lần bị bệnh nhân đánh chửi.

Tuy nhiên với tấm lòng và y đức của người thầy thuốc, chị vẫn ngày ngày cần mẫn, gắn bó với những con người đặc biệt này, mặc những lời xì xào, và mời chào về những vị trí công việc "nhàn hạ" hơn.

Chị là Lê Thị Bích Liên - Nhân viên phòng Y tế và Tẩy độc - Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội.

Hiện Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho 116 nạn nhân, trong đó có tới 80% bệnh nhân mắc tâm thần còn lại là liệt và khuyết tật. 

Do di chứng của chất độc màu da cam, và việc sử dụng thuốc tâm thần thường xuyên, sức khỏe và trí tuệ người bệnh sa sút nghiêm trọng, nạn nhân luôn trong tình trạng dễ kích động, không kiểm soát được hành vi, có thể lên cơn bất cứ khi nào do vậy công việc chăm sóc, điều trị vô cùng vất vả.

Vị bác sĩ đặc biệt của những nạn nhân chất độc màu da cam - Ảnh 1.

Chị Liên hướng dẫn tập phục hổi chức năng cho một nạn nhân chất độc màu da cam bị yếu cơ.

Ví như người bình thường hỏi đau chỗ nào là chỉ chỗ đó, nhưng với các bệnh nhân chất độc da cam hỏi gì cũng không biết, đôi khi đau đầu nói đau bụng, thấy nét mặt bệnh nhân tỏ vẻ khó chịu hỏi đau chỗ nào cũng chỉ biết lắc đầu ngây ngô, do vậy các nhân viên y tế phải bằng kinh nghiệm và quan sát nét mặt bệnh nhân để đánh giá, chẩn đoán bệnh.

Trong 116 bệnh nhân đang được chăm sóc tại đây, có 20 người cần được phục hồi chức năng.  

Mỗi ngày các bác sĩ sẽ kiểm tra từng phòng bệnh xem bệnh nhân chân tay thế nào để phục hồi giúp bệnh nhân không bị dính dày các khớp. 

Có những bệnh nhân bị liệt nhiều năm, khi vào Trung tâm nhờ sự chăm sóc tận tình của các nhân viên y tế, tập phục hồi (bằng xoa bóp, điện châm, tập đi trên khung…) đã có thể chống nạng đi lại được.  

Chị Liên cũng như các nhân viên y tế tại Trung tâm luôn tâm niệm phải làm sao chăm sóc bệnh nhân để họ có thể phục hồi tốt hơn khi ở nhà. Có thấy được sự tiến triển của người bệnh thì gia đình mới yên tâm giao phó.

Vị bác sĩ đặc biệt của những nạn nhân chất độc màu da cam - Ảnh 2.

Nhân viên y tế của Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam rửa vết thương cho một nạn nhân vị bệnh á sừng nghiêm trọng.

Hay có bệnh nhân nằm lâu chân tay lở loét, bốc mùi hôi thối các nhân viên y tế vẫn chăm sóc rất nhiệt tình. Như bệnh nhân Dũng này (vừa nói chị vừa chỉ vào người bệnh đang được chăm sóc y tế) bị á sứng rất nặng, ở nhà không được chăm sóc đúng cách, các vết thương rỉ dịch, vào đây được các nhân viên y tế rửa vết thương hàng ngày, cậy từng cái vảy da chết, bệnh không còn tiến triển nặng hơn.

"Tuy nhiên, điều day dứt với mình là chuyên môn có hạn cũng chỉ biết chăm sóc, rửa ráy vết thương giúp bệnh đỡ khó chịu hơn, chứ bệnh nhân cần bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, điều trị dứt điểm", chị Liên trầm ngâm.

Khi vừa ra trường, chị Liên được phân công công tác tại Bệnh viện Tâm thần Ba Thá - Mỹ Đức, sau đó chuyển sang Trung tâm Cai nghiện ma túy, nay là Trung tâm Chăm sóc Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin của thành phố Hà Nội. 

Công việc của chị trong 20 năm qua luôn gắn với những bệnh nhân đặc biệt như ma túy, HIV, tâm thần, chất độc da cam… Mỗi bệnh nhân đều có sự vất vả riêng.

Vị bác sĩ đặc biệt của những nạn nhân chất độc màu da cam - Ảnh 3.

Các nạn nhân chất độc màu da cam bị yếu cơ tay, chân đang tập phục hồi chức năng

Nhưng nhờ quá trình công tác phong phú đó, mà sau này khi chuyển sang chăm sóc điều trị nạn nhân chất độc màu da cam chị không còn bỡ ngỡ, lo lắng, trái lại đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm.

Trái ngược với người cai nghiện ma túy họ rất sáng tạo, thông minh, nạn nhân chất độc da cam thì lại rất ngây ngô, hỏi gì cũng không biết, tất cả mọi hoạt động đều phải dựa vào nhân viên Trung tâm, thậm chí nhiều bệnh nhân khi lên cơn còn đánh đuổi cán bộ y tế, hay đang khám bệnh thì đái, ị luôn ra quần nhân viên y tế phải dọn dẹp, trai cũng như gái không nề hà, quản ngại.

Rồi có người đang cho thuốc thì đấm vào mặt ù hết cả tai, còn chửi bới tục tĩu.  Mặc dù bị đánh nhưng vẫn phải nhẫn nhịn, mềm mỏng, đợi bệnh nhân nguôi giận để cho thuốc…, chị Liên kể.

Phòng Y tế và tẩy độc có 10 cán bộ y bác sĩ, chăm sóc cho 116 nạn nhân đang điều trị tại đây. Nhân lực có hạn nên công việc gặp không ít những khó khăn. Mỗi ngày, các chị bắt đầu công việc lúc 7 giờ sáng, nhân viên y tế xuống khu nuôi dưỡng thăm khám cho các bệnh nhân liệt, đồng thời chủ động quan sát tại các khu nuôi dưỡng khác xem có bệnh nhân nào bất thường để kịp thời chữa trị.  

Vị bác sĩ đặc biệt của những nạn nhân chất độc màu da cam - Ảnh 4.

Thăm khám cho một bệnh nhân có dấu hiệu khó chịu trong người.

Một đêm các chị chia làm 5 ca trực, đi tuần tất cả các phòng, bệnh nhân nào tung chăn thì đắp lại, để tránh người bệnh bị cảm lạnh, bệnh nhân nào không ngủ được thì điều chỉnh thuốc cho phù hợp… Hay kết thúc ca trực, vừa chìm vào giấc ngủ, mà có bệnh nhân động kinh thì bất kể giờ giấc nào cũng phải kịp thời có mặt cứu chữa.

Công việc không những vất vả không  mà môi trường làm việc cũng rất độc hại, phải thường xuyên ngửi các hóa chất, mùi tanh nồng bốc lên rất khó chịu.

Tuy nhiên, hơn ai hết thấu hiểu được nỗi đau, sự thiệt thòi của các nạn nhân cũng như gia đình của họ, họ là con của những người lính đã từng tham gia kháng chiến, chẳng may phải mang trong mình chất độc da cam rồi lại sinh ra những người con như thế nên các nhân viên ở đây đều rất tâm huyết, tận tâm chăm sóc.

Vị bác sĩ đặc biệt của những nạn nhân chất độc màu da cam - Ảnh 5.

Ngoài công việc chuyên môn, các nhân viên y tế còn phụ giúp các công việc chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh cho những bệnh nhân bị liệt.

Ngoài công việc chuyên môn về y tế, các nhân viên y tế tại đây còn phụ giúp các công việc của nhân viên chăm sóc nuôi dưỡng như cho bệnh nhân ăn uống, tắm rửa, vệ sinh. Suất ăn thế nào cố gắng cho người bệnh ăn bằng hết để có sức đề kháng giúp cơ thể khỏe mạnh lên.

Trong giờ ăn phải huy động toàn bộ nhân viên, một bên là xúc ăn cho bệnh nhân liệt, một bên đến nhà ăn quan sát để các nạn nhân không bốc đồ ăn của nhau, không đánh nhau, nạn nhân nào bị nghẹn kịp thời giúp đỡ. Mọi hoạt động ăn, ngủ, chơi đều phải có nhân viên giám sát 24/24h… Thực sự công việc phải rất tâm huyết mới làm được.

"Ban lãnh đạo Trung tâm luôn nhắc nhở với các nhân viên rằng làm ở đây phải tâm huyết với nghề, với người bệnh, nếu không có điều đó thì nghỉ việc. Chính vì sự vất vả khó khăn đó mà nhiều người đã rời bỏ môi trường này đi", chị Liên nói.

Với tấm lòng và y đức của người thầy thuốc chị đã không quản ngại khó khăn, sự nguy hiểm của công việc giúp cho nạn nhân bằng tất cả tình cảm của mình để các nạn nhân luôn được sạch sẽ, ăn uống đầy đủ, được quan tâm giúp đỡ phục hồi tình trạng bệnh tật, sức khỏe…

Vị bác sĩ đặc biệt của những nạn nhân chất độc màu da cam - Ảnh 6.

Sau bữa cơm trưa, một nạn nhân chất độc màu da cam ngêu ngao ngồi hát.

Gần 20 năm gắn bó với các bệnh nhân đặc biệt, trong đó hơn 7 năm gắn bó với nạn nhân chất độc màu da cam, có những câu chuyện, nhân vật đã để lại cho chị những ấn tượng, day dứt khó quên khi nhắc đến. Đó là những bệnh nhân Khánh ở Chương Mỹ, bệnh nhân Dũng ở Gia Lâm…

Chị Liên nhớ lại, khi đến nhà bệnh nhân Khánh để xác nhận hoàn cảnh và tình trạng sức khỏe. Bệnh nhân khi đó bị nhốt trong một cũi sắt, gia đình làm một cái ống bơm để rửa ráy, tắm giặt cho bệnh nhân mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông giá rét khó mà chịu được, khi nhân viên thắc mắc với gia đình thì được trả lời còn phải đi kiếm tiền.

Người bệnh rất khổ xé bỉm, ăn cả bỉm, bẩn vô cùng, muỗi vo ve như ong… Thấy hoàn hoàn cảnh khó khăn quá, nhân viên nhanh chóng làm thủ tục nhận vào Trung tâm, lên đây bệnh nhân được chăm sóc, theo dõi tận tình bởi các nhân viên, người trắng trẻo, khỏe khoắn hơn. 3 tháng sau người nhà lên thăm, trông thấy con sạch sẽ, khỏe mạnh, thì cảm ơn không ngớt.

Bệnh nhân Dũng ở Gia Lâm cùng tương tự, bị liệt hơn 40 năm, người lở loét, bẩn thỉu, vào Trung tâm được sự chăm sóc của các nhân viên y tế, đã khỏe mạnh, mập mạp hơn.

Vị bác sĩ đặc biệt của những nạn nhân chất độc màu da cam - Ảnh 7.

Nhân viên y tế điện châm phục hổi sức khỏe cho bệnh nhân

Sự tốt lên của người bệnh mỗi ngày, chính là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực của chị Liên cũng như các nhân viên y tế, và toàn thể cán bộ nhân viên Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội.

Trong quá trình công tác, đã nhiều lần có cơ hội chuyển sang những vị trí công việc nhẹ nhàng hơn, nhưng có lẽ số phận đã sắp đặt nghiệp của chị phải gắn với những con người đặc biệt này, nên chị vẫn tiếp tục bám trụ tại đây.

Bạn bè, đồng nghiệp hay người thân trong gia đình khi biết công việc của chị, luôn hỏi có sợ không. Nhưng khi đã xác định theo nghề này thì mọi thứ lại rất bình thường, đơn giản. Thậm chí khi chăm sóc bệnh nhân HIV chị đã từng bị phơi nhiễm, phải uống thuốc. Đã có những giọt nước mắt vì lo lắng rơi xuống. Tuy nhiên sau tất cả nhờ sự kiên trường của bản thân, hơn hết là sự ủng hộ vô bờ bến của gia đình, mọi điều không may rồi cũng qua, chị Liên xúc động nhớ lại.

Nhìn lại quãng thời gian làm nghề đã trải mới thấy gian nan, vất vả. Với bệnh nhân ma túy là nguy cơ phơi nhiễm, rồi những ngày đi bắt bệnh nhân bỏ trốn, bệnh nhân chất độc da cam có êm đềm hơn nhưng công việc lại nhiều áp lực hơn, nguy cơ bị tấn công, rách mũi, miệng, xây xước tay chân có thể xảy bất cứ khi nào.

Vị bác sĩ đặc biệt của những nạn nhân chất độc màu da cam - Ảnh 8.

Mặc dù ý thức chỉ như một đứa trẻ, nhưng nhiều người đến giờ cơm đã biết mang cơm cho nhau, hay mang cơm cho các nhân viên Trung tâm.

Thậm chí khi bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị, các nhân viên phải lần lượt đi chăm. Các bệnh viện gần nhà còn đỡ, những bệnh nhân điều trị ở các BV xa như Bạch Mai, Thanh Nhàn… chị phải đi theo chăm sóc, vật vờ nằm ở gầm cầu thang, mua cơm xúc cho bệnh nhân ăn, tắm rửa, vệ sinh cho cho người bệnh, nhiều khi còn hơn cả người nhà.... 

Chứng chứng kiến cách chị chăm sóc cho bệnh nhân mà các nhân viên y tế tại các bệnh viện cũng vô cùng khâm phục.

"Công việc bận rộn, có tuần phải trực 3-4 ngày, nhiều khi không chu toàn được công việc gia đình, các con ở nhà tự trông nhau. Tuy nhiên may mắn cả gia đình đã thấu hiểu, chia sẻ cho nhau.

Cả anh và chị đều quan niệm những việc mình đang là để giúp đời cũng là để đức cho con sau này, nên luôn răn dạy các con phải ngoan ngoãn, biết ơn và đặc biệt không được sa ngã vào các tệ nạn. Đến hôm nay các con đều ngoãn, thành công với con đường, nghề nghiệp đã chọn, đó là món quà vô cùng quý gia đối với mình", chị Liên bày tỏ. 

Ngọc Anh - Tuấn Anh


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?