• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người “Chiến sĩ thầm lặng” trên mặt trận phòng chống HIV

Khi nói đến hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Hưng Yên không ai không biết đến Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Phương - người có nhiều cống hiến thầm lặng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh.

Trải qua gần 20 năm công tác trong ngành Y tế, trong đó phần lớn thời gian chị gắn bó với hoạt động phòng, chống HIV. Sau tốt nghiệp trường Đại học Y tế công cộng, chị Phương về công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến năm 2008 chị chuyển công tác sang Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hưng Yên). Trải qua nhiều vị trí công tác, dù ở cương vị nào, chị cũng luôn cố gắng, chủ động trong công việc, luôn đề xuất các giải pháp để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thời điểm chị Nguyễn Thị Thu Phương về công tác tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, khi đó dịch HIV ở Hưng Yên đang là điểm nóng, hàng năm phát hiện nhiều người nhiễm mới, giai đoạn đó nhiều bệnh nhân AIDS không có thuốc điều trị, đã có các ca tử vong, vì vậy việc lựa chọn công tác phòng, chống HIV lúc đó là hết sức dũng cảm. Ngày trước, nếu trong làng, ngoài xóm nghe nói có người nhiễm HIV là mọi người đều có tâm lý kỳ thị, xa lánh, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, không tiếp xúc, không chơi hoặc giao lưu với “người có H”, những đứa trẻ có bố hoặc mẹ bị nhiễm hay bản thân bị nhiễm là bị kỳ thị, gia đình có người nhiễm HIV tử vong thì anh em, hàng xóm không dám khâm niệm, không dám đưa tang vì sợ bị lây nhiễm… Nhiều tình huống, hoàn cảnh éo le mà bản thân chị Phương cũng như đồng nghiệp của mình là những cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tuyến cơ sở, nhân viên tiếp cận cộng đồng không bao giờ quên được.

Hiện tại chị Phương được phân công phụ trách phòng Kế hoạch - Tài chính và chỉ đạo tuyến; triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, bệnh nhiệt đới của bệnh viện. Phối hợp các khoa phòng lập kế hoạch hoạt động, triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống các bệnh nhiệt đới. Đôn đốc và hỗ trợ các sở ban ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong năm. Phối hợp với các khoa phòng làm thực hiện các hoạt động tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến cơ sở.

Thực hiện dự án Quỹ toàn cầu, chị đã lãnh đạo, chỉ đạo khoa HIV/AIDS, hướng dẫn, triển khai, đôn đốc cán bộ trong tổ dự án thực hiện các hoạt động của dự án, hỗ trợ nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng trong việc tiếp cận đối tượng nguy cơ cao. Trong năm 2024 hỗ trợ phòng khám PrEP tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp cận 64 bệnh nhân điều trị PrEP và thành lập được nhóm tiếp cận cộng đồng với 6 thành viên. Bên cạnh đó, chị Phương xây dựng kế hoạch giám sát tại địa bàn phụ trách theo tháng/quý/năm; hướng dẫn theo dõi, giám sát quá trình tổ chức triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến dưới; đôn đốc, quản lý người nhiễm HIV/AIDS tại các huyện/thị xã/thành phố; phối hợp và hỗ trợ về kỹ thuật trong các hoạt động phòng, chống HIV tại tuyến dưới.

Chị đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó đề tài nghiên cứu cấp sở về “Thực trạng kiến thức, thái độ, hành vi của người dân đối với HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”. Từ đề tài đó, nhiều giải pháp phù hợp đã được áp dụng thực tế đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức, thái độ, hành vi của người dân đối với căn bệnh này.

Tuy không trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhưng chị Phương thường xuyên phải tiếp cận những đối tượng nhạy cảm như: Tiêm chích ma tuý, gái bán dâm, người nhiễm HIV…, chị Phương cùng đồng nghiệp còn phải đối mặt với sự xa lánh, kỳ thị của nhiều người vì là “nhân viên phòng, chống HIV”, bạn bè, đồng nghiệp trong ngành thường gọi chị bắng cái tên “Phương HIV’, “Phương AIDS”. Lúc đầu chị cũng thấy chạnh lòng, nhưng đến bây giờ lại thấy nó thân thuộc với mình. Từ đó, chị thương cảm hơn với những bệnh nhân nhiễm HIV, điều này cũng thúc giục chị tận tâm hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa với công tác phòng, chống HIV, đồng cảm với hoàn cảnh của người nhiễm.

Chị Phương tâm sự: “Nếu như ở lĩnh vực y khoa khác thì người bệnh đều phải tìm đến cán bộ y tế để được tư vấn, chăm sóc sức khỏe thì trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, người cán bộ y tế phải tìm đến bệnh nhân và những người nguy cơ cao để thuyết phục, động viên họ đi xét nghiệm và điều trị kịp thời. Đồng thời, việc tìm kiếm những người nghiện chích để đưa vào điều trị Methadone hay bệnh nhân nhiễm HIV để tư vấn, chuyển gửi đưa vào điều trị ARV là công việc hết sức gian nan, vất vả, bởi những người này đa phần là những người có hoàn cảnh khó khăn, nhạy cảm, do sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị đã tự cô lập, tự ti, xa lánh mọi người. Việc này cũng khiến cho nhiều bệnh nhân khó tiếp cận điều trị, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, và như vậy thì công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng sẽ ngày càng khó khăn hơn”.

Ths.Bs Nguyễn Thị Việt Hồng, Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết: “Trong công việc, đồng chí Nguyễn Thị Thu Phương luôn nghiêm túc, tận tuỵ, giúp đỡ đồng nghiệp, đối với bệnh nhân, rất cởi mở, gần gũi, được lãnh đạo đơn vị và đồng nghiệp tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ. Dù ở vị trí nào, Phương đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là tấm gương sáng cho tất cả cán bộ viên chức trong đơn vị học tập”.

Trong giai đoạn mới hiện nay, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, công tác phòng, chống HIV/AIDS phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Nguồn kinh phí được tài trợ từ các dự án bị cắt giảm, trong khi kinh phí hỗ trợ, phục vụ công tác phòng, chống AIDS từ ngân sách của tỉnh còn hạn chế, điều đó đã đặt ra thách thức rất lớn đối với chị Phương cũng như đồng nghiệp của mình để có thể thực hiện được những mục tiêu đề ra. Chị Nguyễn Thị Thu Phương cũng như đồng nghiệp của đã và đang là những chiếc "phao cứu sinh" giúp cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS cải thiện sức khỏe và sống có ích cho xã hội. Đồng thời họ cũng là “Những chiến sĩ thầm lặng” đang nỗ lực không biết mệt mỏi bảo vệ sự an toàn cho cộng đồng và xã hội trước dịch bệnh HIV./.


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?