• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lợi ích từ chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ tại bệnh viện Sản-Nhi Hưng Yên

Cho trẻ tiếp xúc trực tiếp da kề da, hỗ trợ cho trẻ bú mẹ sớm và bú mẹ hoàn toàn hay tiêm vào bắp đùi cho mẹ 10 đơn vị oxytocin... đều là các bước trong quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ (EENC). Thực sự coi trọng việc làm này, ngay từ năm 2015, bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên đã triển khai EENC cho sản phụ sinh thường, năm 2016 triển khai cho sản phụ sinh mổ và thành lập đội EENC vào năm 2017. Đây là phương pháp tiến bộ, giúp trẻ tránh nguy cơ mất nhiệt, phòng ngừa nguy cơ trẻ không được bú mẹ dẫn đến suy dinh dưỡng, nhiễm khuẩn và giúp cho sản phụ sớm hồi phục.

Từ năm 2014, Bộ Y tế đã có quyết định quy trình chuyên môn chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong, ngay sau đẻ thường. Quy trình chăm sóc thiết yếu gồm 6 bước: Ngay khi chào đời, trẻ được lau khô, ủ ấm, đặt nằm sấp trên bụng mẹ tiếp xúc da kề da; tiêm vào bắp đùi cho mẹ 10 đơn vị oxytocin; chờ dây rốn ngừng đập mới tiến hành kẹp và cắt dây rốn; kéo dây rốn có kiểm soát trong khi trẻ vẫn nằm sấp trên ngực mẹ; xoa đáy tử cung trong 2 giờ đầu sau đẻ, đảm bảo cho tử cung co chặt và theo dõi chảy máu; tư vấn bà mẹ cho trẻ bú sớm trong giờ đầu sau đẻ.

Ngay sau sinh con đầu lòng, chị Nguyễn Thị Hiên đã được các y, bác sĩ áp dụng 6 bước trong quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong, ngay sau đẻ thường. Chị chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc khi sinh con bình an, khỏe mạnh. Đặc biệt hơn là tôi được tiếp xúc trực tiếp với con bằng phương pháp da kề da (kangaroo) và được hướng dẫn cho con bú sớm. Con tôi được uống những giọt sữa đầu tiên, chứa nhiều dưỡng chất, bao nhiêu nỗi đau vượt cạn của tôi dường như tan biến hết”. Không riêng chị Hiên mà tất cả các sản phụ ngay sau đẻ thường, kể cả đẻ mổ đều được hướng dẫn cho con bú trong giờ đầu sau sinh. Đây là một trong 6 bước chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong, ngay sau đẻ.

Giây phút đầu tiên con chào đời, cảm xúc được ôm ngay con trong vòng tay của mỗi bà mẹ thật khó diễn tả hết. Phương pháp da kề da cũng là một trong 6 bước mang lại rất nhiều lợi ích cho mẹ và bé. Điều nổi bật nhất của phương pháp này là các bà mẹ cảm nhận được cái ôm đầu tiên khi con chào đời. Các bà mẹ khi được hỏi “Khoảnh khắc thiêng liêng nhất khi sinh bé là gì?” đều có câu trả lời là được nghe tiếng khóc của con và được ôm con vào lòng, lúc đó mọi đau đớn đều tan biến. Tuy nhiên, cũng có các trường hợp không được áp dụng da kề da giữa mẹ và bé, như: Sản phụ sinh mổ sử dụng phương pháp gây mê; sản phụ cần được chăm sóc đặc biệt, truyền máu; sản phụ đang mắc các bệnh dễ lây nhiễm như thủy đậu...; các trường hợp trẻ sơ sinh cần được can thiệp hồi sức ngay sau sinh. Đối với các trường hợp trẻ non tháng, nhẹ cân, các bác sĩ trong kíp mổ sẽ đánh giá sức khỏe của bé rồi quyết định có cho trẻ thực hiện da kề da hay không.

Chị Phạm Thị Lan (xã Đức Hợp, huyện Kim Động) vừa sinh con khi mới 36 tuần. Nếu trước kia, trẻ sinh non khi 36 tuần sẽ được chuyển về Khoa Sơ sinh để các y, bác sĩ theo dõi và chăm sóc. Nhưng hiện nay, khi bác sĩ trong kíp mổ đánh giá trẻ tự thở tốt, khỏe mạnh thì sẽ được áp dụng phương pháp da kề da ngay với mẹ và các thành viên trong gia đình tại phòng hậu phẫu, hậu sản. Trẻ không cần chuyển đến Khoa Sơ sinh chăm sóc. Chị Lan chia sẻ: “Được ôm con vào lòng, cầm lấy bàn tay bé bỏng của con thật là hạnh phúc. Bao nhiêu lo lắng, mệt mỏi của tôi đều tan biến hết”.

Theo báo cáo tổng hợp của Bệnh viện Sản - Nhi, đến thời điểm hiện tại, chăm sóc thiết yếu được thực hiện cho 100% số ca đẻ thường trừ trẻ non tháng và thực hiện 100% cho số ca mổ lấy thai trừ trẻ bị suy hô hấp, non tháng hoặc suy thai. Về cơ sở hạ tầng đã triển khai đủ các phòng chuyên môn cần thiết: Phòng đẻ có 07 bàn đẻ, 04 bàn mổ lấy thai, có trang bị đầy đủ các thiết bị dụng cụ đỡ đẻ và cấp cứu sơ sinh; 100% cán bộ chuyên môn được đào tạo EENC. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2023, chăm sóc thiết yếu trong đẻ thường là 2598 ca, chiếm 98% và chăm sóc thiết yếu trong mổ lấy thai là 2098 bệnh nhân, chiếm 97,9%.

Đoàn làm việc của Bệnh viện Từ Dũ tham quan, kiểm tra, giám sát tại bệnh viện Sản-Nhi đã đánh giá cao những kết quả mà bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên đạt được trong thời gian vừa qua về việc triển khai can thiệp chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ, làm giảm đáng kể tai biến sản khoa, tử vong mẹ và tử vong sơ sinh, cụ thể: Đã thành lập đội EENC tại bệnh viện; Có đủ các khoa/phòng chuyên môn, sạch sẽ, đảm bảo vô khuẩn; trang thiết bị, thuốc thiết yếu đủ theo cơ số và quy định của Bộ Y tế; khoa sơ sinh/đơn nguyên sơ sinh có đầy đủ dụng cụ để kịp thời cấp cứu hồi sức sơ sinh ( oxy; mặt nạ, bóng bóp, thuốc…); đã triển khai tiêm phòng viêm gan B cho trẻ ngay sau sinh; thực hiện da kề da giữa mẹ và bé; Tư vấn và hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ sớm và hoàn toàn trong 6 tháng đầu…

Bà Vũ Thị Thu Trang - Phó giám đốc bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên cho biết: Các bước trong chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong, ngay sau đẻ thường hay đẻ mổ rất đơn giản nhưng đem lại cơ hội sống khỏe mạnh cho bà mẹ và trẻ nhỏ. Bởi vậy, lãnh đạo Bệnh viện đã chỉ đạo chúng tôi nhanh chóng tiếp cận và áp dụng thành thạo các quy trình này để phục vụ người bệnh. Bệnh viện được chuyển giao quy trình Chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương và triển khai sớm hơn các bệnh viện khác trong tỉnh. Cùng với đó, chúng tôi cũng trực tiếp đi đào tạo, chuyển giao kỹ thuật này cho các bệnh viện tuyến tỉnh theo ngành dọc sản khoa, tuyến huyện và tuyến xã để các bà mẹ và trẻ em đều được thụ hưởng mô hình chăm sóc mới, an toàn, hiệu quả”.


Tác giả: Hồng Thắm
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?