• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gương sáng ngành y

Vừng vàng chuyên môn, nhiệt tình, trách nhiệm, thân thiện và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao là những lời nhận xét, đánh giá của đồng nghiệp và lãnh đạo khi nói về cử nhân xét nghiệm Đỗ Thị Nguyệt (sinh năm 1979) đang công tác tại Phòng chỉ đạo chuyên khoa, bệnh viện Phổi Hưng Yên.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cử nhân xét nghiệm, năm 2000 chị Đỗ Thị Nguyệt về công tác tại Phòng xét nghiệm của bệnh viện Lao và bệnh Phổi Hưng Yên, đến tháng 12 năm 2005 chị chuyển lên làm xét nghiệm tại Phòng chỉ đạo chuyên khoa, bệnh viện Phổi Hưng Yên. Ở môi trường mới, chị đã luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân để thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò của mình.

Hiện Phòng Chỉ đạo chuyên khoa có 06 cán bộ, trong khi công việc của phòng rất nhiều, như: triển khai chương trình phòng chống lao, lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn; điều phối và quản lý tập trung công tác chỉ đạo tuyến của bệnh viện; phối hợp xây dựng và triển khai các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông liên quan với các đơn vị trong và ngoài bệnh viện; tổ chức chẩn đoán và hội chẩn điều trị người bệnh quá khả năng tuyến dưới;… Bản thân chị được phân công làm nhiệm vụ: Giao ban hàng tháng với cán bộ xét nghiệm lao tuyến huyện; Báo cáo và đề xuất các phương án xử lý những tồn tại của xét nghiệm lao tuyến huyện/thị xã/thành phố; Kiểm định tiêu bản 10 huyện/thành phố/thị xã theo quy định của Chương trình chống lao Quốc gia; Thống kê báo cáo hoạt động xét nghiệm Chương trình lao tháng, quý, năm theo quy định; Tham gia đào tạo tập huấn về công tác xét nghiệm vi trùng lao, lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn; hàng ngày chị sẽ hướng dẫn bệnh nhân lao và nghi lao kháng thuốc lấy đờm làm xét nghiệm Gene – Xpert; lấy mẫu gửi Bệnh viện phổi Trung ương làm Kháng sinh đồ kháng thuốc Pha cấp hoá chất xét nghiệm theo Hướng dẫn;… Chị Nguyệt tâm sự: Xác định xét nghiệm là một trong những nơi đầu tiên tiếp xúc với người nghi ngờ lao, việc xét nghiệm làm tốt đóng vai trò then chốt trong việc quản lý bệnh nhân lao. Thông qua việc tra kết quả nhanh và đảm bảo chất lượng, hệ thống xét nghiệm giúp ích cho việc chẩn đoán sớm bệnh lao, vì thế làm giảm sự lây truyền bệnh, để các bác sĩ có hướng điều trị bệnh phù hợp, giảm thiểu nguy cơ biến chứng nên lúc nào chúng tôi cũng phải tập trung cao độ, trang bị đầy đủ các phương tiện cá nhân, cũng như tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn sinh học, để tránh xảy ra sai sót nào cho dù là nhỏ nhất.

Riêng năm 2021, chị Nguyệt đã cùng với nhân viên phòng Chỉ đạo chuyên khoa đã phối hợp với các khoa phòng tổ chức khám sàng lọc miễn phí tại Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh và Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy cho 500 người, khám sàng lọc tại cộng đồng cho 316 trẻ từ 0- 14 tuổi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh lao phổi và xét nghiệm đờm cho 11.125/1.258.000 người, đạt tỷ lệ 0,88% dân số/năm.

Ông Đặng Tiến Quân - phó giám đốc Bệnh viện Phổi cho biết: Chị Nguyệt là một đảng viên, nhân viên có tinh thần trách nhiệm, gương mẫu về mọi mặt. Trong công tác chuyên môn chị không ngừng học tập, trau dồi kiến thức mới để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, mặc dù chị không tiếp xúc trực tiếp nhiều với bệnh nhân, nhưng chị luôn coi bệnh nhân như người thân của mình, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời đối với những hoàn cảnh khó khăn. Chị xứng đáng là một tấm gương để các đồng nghiệp trong bệnh viện noi theo.

Với tinh thần trách nhiệm, xung kích, năng nổ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như tham gia các hoạt động phòng chống lao tại cộng đồng, chị Nguyệt đã được ghi nhận thông qua việc đón nhận nhiều giấy khen từ năm 2017 tới nay: Bằng khen của chương trình chống lao quốc gia năm 2017, giấy khen của Sở Y tế năm 2018, 2019, 2020,2021.

Năm 2022, chị tham gia đề tài nghiên cứu khoa học “Phát hiện bệnh nhân lao trẻ em trên địa bàn tỉnh bằng xét nghiệm Gene-Xpert với mẫu bệnh phẩm phân” được Hội đồng nghiên cứu khoa học đánh giá cao, chị Nguyệt tâm sự: “Phần thưởng lớn nhất của chúng tôi là được thấy sức khỏe người bệnh dần ổn định, tinh thần chuyển biến theo chiều hướng tốt lên, đó là cảm giác hồi hộp chờ đợi, rồi vỡ òa cảm xúc khi mẫu bệnh phẩm không có vấn đề. Chính những niềm vui nhỏ bé ấy là động lục giúp chúng tôi vững vàng hơn trên con đường phòng chống lao phía trước, để tiến tới đạt được cam kết chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”.


Tác giả: Hồng Thắm
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?