U nang phổi có phải là ung thư không?
U nang phổi là hiện tượng mô hoặc tế bào phổi phát triển bất thường, dẫn đến hình thành khối u tại phổi. Phần lớn các khối u này là lành tính, nhưng người bệnh vẫn cần phải kiểm soát và theo dõi định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Nguyên nhân xuất hiện u nang phổi
Hiện nay vẫn chưa có thông tin chính xác về sự hình thành của các loại u nang phổi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng đây có thể là hệ quả của một số yếu tố như sau:
- Bệnh nhân đang nhiễm HPV - virus gây ra u nhú ở người.
- Phổi bị dị tật bẩm sinh, dị dạng phổi hoặc có sẹo.
- Những ai đã và đang hút thuốc lá lâu năm.
- U hạt wegener và viêm khớp dạng thấp.
- Nhiễm phải vi sinh vật có hại: Vi nấm (bệnh cầu trùng và vi nấm histoplasmosis), vi khuẩn lao,...
Các loại u nang phổi thường gặp
U nang phổi có thể xuất hiện ở các vị trí khác nhau như lòng phế quản, nhu mô phổi,... và được chia thành các loại khác nhau, trong đó phổ biến là:
- U tuyến phế quản là hiện tượng loạn sản xảy ra trong lòng ống phế quản hoặc tuyến nhầy của phổi. U tuyến phế quản là một dạng lành tính nhưng vẫn có khuynh hướng ác tính với tỷ lệ mắc ở nam nữ như nhau.
- U nhú hay Papillomas là tình trạng các tế bào phát triển bất thường, nhô ra khỏi niêm mạc nơi chúng trú ngụ, vị trí xuất hiện chủ yếu là trong các ống phế quản và ít gặp hơn so với các loại u lành tính khác.
- U mô thừa Hamartomas chiếm khoảng 55% trong số những trường hợp u nang phổi lành tính và khoảng 8% các loại u phổi, là dạng phổ biến nhất. Có khoảng 80% trường hợp tìm thấy Hamartomas ở ngoài phổi và 20% trong các ống phế quản. Dạng u này có nguồn gốc từ chất béo, mô liên kết, sụn và cơ, đường kính đa số < 4cm, hình nốt tròn nhu đồng xu, bỏng ngô hay lông cừu.
- Các dạng u nang phổi khác: Những khối u nang có nguồn gốc từ mô mỡ, mô liên kết thường ít gặp như lipomas, chondromas,...
Biểu hiện khi mắc phải u nang phổi
U nang phổi giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ rệt, thường được phát hiện khi người bệnh tình cờ thăm khám sức khỏe, chụp X-quang phổi hoặc chụp cắt lớp vi tính. Sẽ có những trường hợp xuất hiện triệu chứng lâm sàng như: thở khò khè, khản tiếng, sụt cân, mệt mỏi, khó thở, ho ra máu, ho dai dẳng, có khi đã bị viêm phổi,...
Khi khối u bắt đầu lớn dần lên, xâm lấn vào các mô lân cận thì bệnh nhân sẽ xuất hiện các biểu hiện như: ngực đau dữ dội, cơn đau có thể lan ra sau lưng hoặc bả vai, đặc biệt có thể đau khi vận động mạnh hoặc ho.
U nang phổi thực chất là các khối u nang hình thành và phát triển trong phổi lành tính, không có sự xâm lấn hay di căn sang vùng lân cận, ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng các khối u lành tính có xu hướng chuyển hóa thành ung thư (ác tính). Mặc dù những trường hợp này thường rất hiểm nhưng không có nghĩa sẽ không xảy ra. Vì vậy mà khi phát hiện u nang phổi lành tính, người bệnh vẫn tuân thủ theo những hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa về chế độ chăm sóc sức khỏe cũng như tái khám định kỳ để kiểm soát tình hình.
Cách phòng tránh u nang phổi
Để phòng tránh u nang phổi người dân không nên hút thuốc và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc. Nếu do tính chất công việc hoặc cuộc sống phải thường xuyên hoạt động trong môi trường có khói thuốc hoặc chứa nhiều hóa chất độc hại thì cần có biện pháp bảo hộ cơ thể.
Chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh là cách tốt nhất để bạn chăm sóc sức khỏe toàn diện. Người bị u nang phổi nên xây dựng khẩu phần ăn hạn chế muối, giảm chất béo có hại, tăng cường chất xơ, khoáng và vitamin,...
Cần tăng cường vận động, tập thể dục đều đặn mỗi ngày để hỗ trợ các chức năng của phổi nói riêng và cơ thể nói chung, tăng cường sức đề kháng.
Khi đến những nơi công cộng đông người qua lại nên đeo khẩu trang để hạn chế lây nhiễm chéo các bệnh liên quan đường hô hấp.
Ngoài ra, nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất 2 lần/năm để đánh giá tổng quát tình trạng cơ thể cũng như kiểm soát u nang phổi.
Phân biệt khối u phổi lành tính và ác tính
Để phân biệt khối u lành tính và ác tính dựa trên các đặc điểm sau:
Tốc độ phát triển: Các khối u ác tính có tốc độ phát triển rất nhanh, với thời gian nhân đôi trung bình là 4 tháng. Trong khi đó, khối u lành ở phổi thường phát triển chậm, có trường hợp còn nhỏ lại.
Khả năng tái phát: Cả khối u lành tính và ác tính đều có khả năng tái phát sau khi được cắt bỏ. Thế nhưng, khối u lành luôn tái phát tại vị trí cũ, còn u ác có thể phát triển ở các vị trí xung quanh.
Sự xâm lấn: Khác với khối u ác tính, khối u lành tính không chèn ép lên các bộ phận xung quanh, nguy cơ đe dọa sức khỏe. Trong khi căn bệnh ung thư phổi là mối đe dọa lớn đến tính mạng người bệnh, thì hầu hết các khối u lành ở phổi có thể được kiểm soát, chúng chỉ gây nguy hiểm nếu hiện diện gần các mạch máu lớn trong ngực (chẳng hạn như động mạch chủ).
Tuổi khởi phát: Người lớn tuổi sẽ có tỷ lệ xuất hiện u ác tính cao hơn (mặc dù ung thư ở phổi có chiều hướng gia tăng ở phụ nữ trẻ chưa bao giờ hút thuốc). Ngược lại, u lành có thể gặp bất kỳ lứa tuổi nào.
ThS.BS Ngô Thị Hồng