• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lẹo và chắp mắt ở trẻ xử trí như thế nào?

Lẹo mắt hay chắp mắt là một trong những bệnh lý viêm nhiễm ở mi mắt, thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Lẹo mắt và chắp mắt có đặc điểm chung là gây phù nề, đau nhức ở mi mắt, điều này kiến người bệnh khó chịu khi nhìn, ảnh hưởng không nhỏ đến học tập và sinh hoạt hàng ngày.

Nước ta có khí hậu nóng ẩm, do đó trẻ rất dễ mắc các bệnh về mắt, lẹo mắt và chắp mắt là những bệnh hay gặp ở trẻ. Vì vậy, việc phát hiện sớm và xử trí đúng là vô cùng quan trọng.

Tổng quan lẹo và chắp mắt ở trẻ

Lẹo mắt và chắp mắt có thể gặp ở mi trên, mi dưới, bị ở một mắt hoặc cả hai mắt. Biểu hiện là những ổ sưng đột ngột khu trú ở vùng mi mắt, có thể kèm sưng tấy, gây đau nhức, cộm, vướng hoặc sụp mi nhẹ trong giai đoạn viêm cấp. Bệnh chắp mắt là do tắc nghẽn tuyến chế nhầy Meibomius không nhiễm trùng, còn đối với bệnh lẹo thường do nhiễm trùng các tuyến chế tiết nước mắt phụ. 

Ở một số trường hợp, bệnh chắp theo thời gian khu trú lại thành nốt sờ ấn thấy cứng, chỉ có thể nhìn thấy tình trạng này khi ngủ hoặc khi lật kết mạc mi, còn ở bệnh lẹo thì sẽ đau và tổ chức hóa mủ bên trong. Thông thường lẹo mắt thường do tụ cầu khuẩn hoặc vi khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi, gây viêm nhiễm cấp tính. 

Bệnh chắp xảy ra do có sự tắc nghẽn ống tuyến nhờn của mi mắt. Cũng có nhiều trường hợp mắc lẹo có thể chuyển thành bệnh chắp (trường hợp này xảy ra trong bệnh lẹo trong thoát lưu hoặc không điều trị khỏi hẳn, gây chèn ép các tuyến). 

Điều đáng lưu ý, bệnh có thể tự khỏi, điều trị chủ yếu là chườm ấm, tra thuốc chống viêm tích cực trong những ngày đầu. Có trường hợp viêm tấy lan tỏa bởi ổ lẹo to thì cần phối hợp uống thêm kháng sinh. Nếu tình trạng người bệnh mắc chắp lẹo không tự tiêu, sẽ tiến hành chích, nạo lấy hết chất nhân.

Lẹo và chắp mắt ở trẻ xử trí như thế nào? - Ảnh 2.

Lẹo mắt hay chắp mắt là một trong những bệnh lý viêm nhiễm ở mi mắt. Ảnh minh hoạ.

Cách phân biệt lẹo mắt và chắp mắt ở trẻ

Đối với chắp mắt

Bệnh chắp mắt là do tắc nghẽn tuyến chế nhày của mi mắt (tuyến Meibomius), biểu hiện như một khối tròn nhỏ, sưng đỏ. Chắp nằm ở trong của mi mắt, khi lật mi, bác sĩ có thể nhìn thấy được chắp, thậm chí nhìn thấy đầu mủ trắng của chắp. Nhiều trường hợp đa chắp, tức là có nhiều đầu chắp trên một mi hay cả hai mi, thậm chí ở cả hai mắt. Nếu mắc bệnh chắp mắt các biểu hiện thường thấy là: Đau, đỏ mắt, sưng mắt... khó chịu ở bề mặt kết mạc của mi mắt. Các biểu hiện này kéo dài vài ngày sau chắp xẹp xuống chỉ còn khối tròn không đau, lớn dần trên mi mắt, thành một khối màu đỏ trên mi mắt hoặc xám dưới kết mạc mi.

Đối với lẹo mắt

Lẹo là một ổ sưng tấy cấp tính, cục bộ của mí mắt, có thể ở bên ngoài hoặc bên trong, là nhiễm khuẩn sinh mủ (thường là Staphylococcal) hoặc áp xe. Hầu hết lẹo thường tổn thương ở bên ngoài, kết quả của tắc nghẽn hay nhiễm trùng nang lông, các tuyến liền kề của Zeis hoặc Moll. 

Giải thích về vấn đề này, các nghiên cứu cho rằng sự tắc nghẽn nang có thể liên quan đến tình trạng viêm bờ mi. Tuy nhiên, bệnh lẹo bên trong rất hiếm gặp và là hậu quả của nhiễm trùng tuyến Meibomius. Ở một số trường hợp có thể là khi viêm mô tế bào đi kèm với lẹo. Khi mắc bệnh lẹo, dấu hiệu nhận biết tình trạng mi mắt của người bệnh sẽ hơi sưng, đỏ, kèm theo ngứa và đau. 

Tiếp đó, chỗ đau nổi lên một khối rắn to như hạt gạo, bệnh nhân sẽ bị chảy nước mắt, sợ ánh sáng, cảm giác như có dị vật ở mắt. Lẹo thường mọc ở ngay bờ mi, dính chặt vào da mi. Sau khoảng 3 - 4 ngày, lẹo sẽ mưng mủ và vỡ. Lẹo có đặc điểm rất hay tái phát, có thể bị ở một hoặc hai mi mắt, có khi sưng to cả mi gây sụp mi. 

Có các dạng lẹo chủ yếu sau

 - Đối với lẹo trong là do nhiễm trùng tuyến nhày của mi mắt: Nằm ở mặt trong của mi mắt, bên trong đĩa sụn. Khi lật mi, bác sĩ có thể nhìn thấy được lẹo. Trong một số trường hợp còn có thể thấy đầu mủ trắng của lẹo. 

- Đối với lẹo ngoài do nhiễm trùng nang lông mi: Lẹo ngoài là một nốt đỏ, đau ở bờ mi, với kích thước và độ rắn giống như hạt đậu.

- Đối với đa lẹo: Có rất nhiều đầu lẹo trên một mi hay cả hai mi, thậm chí ở cả hai. 

Lẹo và chắp mắt ở trẻ xử trí như thế nào? - Ảnh 3.

Hướng dẫn trẻ vệ sinh tay chân sạch sẽ bằng xà phòng, tránh để trẻ rụi mắt.

Xử trí chắp và lẹo mắt ở trẻ như thế nào?

Thực tế cho thấy, việc điều trị chắp lẹo cần dùng kháng sinh kết hợp chống viêm tra mắt, kết hợp bôi mi vùng chắp lẹo, tích cực trong những ngày đầu kết hợp chườm ấm mi, có thể giúp giảm đau và tăng khả năng thấm thuốc tại chỗ, giúp tiêu chắp.

Khi thấy trẻ có các biểu hiện của chắp lẹo, cha mẹ hãy rửa tay sạch sẽ, lấy một chiếc khăn mỏng sạch nhúng vào nước ấm, sau đó vắt khô một chút và áp lên mi mắt trẻ. Hãy làm như vậy 3 lần một ngày, mỗi lần 10 phút.

Việc này có tác dụng làm cho lẹo khu trú lại và dễ thoát lưu mủ hơn. Trong hầu hết các trường hợp điều trị hỗ trợ như vậy, mắt trẻ sẽ nhanh lành, chỉ có một số ít trường hợp lẹo, chắp không thuyên giảm, có thể phải rạch dẫn lưu mủ.

Tóm lại: Chắp lẹo là vấn đề về mắt rất hay gặp ở trẻ. Để phòng ngừa cần hướng dẫn trẻ không đưa tay dụi, chà mắt, vì điều này có thể gây kích ứng mắt và nhiễm khuẩn lây lan.

Cần có các biện pháp bảo vệ mắt khỏi khói bụi và ô nhiễm môi trường bằng cách: Đeo kính bảo vệ mắt khi ra đường, khi dọn dẹp nhà cửa hay lao động. Tránh đến những nơi ô nhiễm không khí.

Cần dùng khăn mặt riêng để tránh lây lan. Khi trẻ mắc chắp lẹo, cha mẹ tuyệt đối không chữa cho trẻ bằng cách tự ý nặn mủ và tra thuốc không theo chỉ định. Việc này dễ làm cho tổn thương lan rộng hoặc tái phát, để lại sẹo xấu, gây quặp mi.

Cha mẹ nên rửa tay sạch sẽ cho trẻ, hướng dẫn trẻ vệ sinh tay chân bằng xà phòng diệt khuẩn, không để trẻ lấy tay dụi lên mắt, tra dung dịch nước muối sinh lý để vệ sinh khi mắt bị viêm nhiễm vùng mi, hạn chế ăn uống đồ nhiều ngọt.

Khi trẻ có biểu hiện viêm nhiễm tại vùng mắt, cần cho trẻ đi khám sớm bác sĩ chuyên khoa mắt để được chẩn đoán điều trị đúng cách.

BS Nguyễn Văn Tuấn


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?