Đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em
Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, trẻ em Việt Nam từ 6 tháng đến 12 tuổi thiếu vi chất nghiêm trọng. Có hơn 50% trẻ em thiếu hụt các vi chất như vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hàng ngày, điều đó cho thấy bữa ăn truyền thống chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ em trong giai đoạn phát triển rất nhanh hiện nay. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển thể chất của trẻ trong tương lai.
Tại Hưng Yên, những năm qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện. Ban chỉ đạo phòng chống suy dinh dưỡng từ tỉnh đến xã/ phường/thị trấn được thành lập và thường xuyên kiện toàn; đặc biệt thiết lập được một mạng lưới chuyên trách dinh dưỡng đến tận thôn/ xóm. Các hoạt động triển khai của từng giai đoạn đều có những đánh giá cụ thể, từ đó đưa ra kế hoạch thực hiện có hiệu quả, phù hợp với từng địa phương.
Trong năm vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các Trung tâm Y tế huyện/ thị xã/ thành phố đã tổ chức 15 lớp tập huấn về cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em cho cán bộ y tế phụ trách dinh dưỡng, trạm trưởng Trạm y tế, chuyên trách dinh dưỡng, cộng tác viên y tế thôn đội; Tổ chức chiến dịch uống vitamin A vào dịp “Ngày vi chất dinh dưỡng” cho trẻ, qua đó 100% trẻ trong độ tuổi được uống bổ sung vitamin A, được cân, đo để theo dõi tình trạng dinh dưỡng; 100% bà mẹ sau đẻ trong vòng 1 tháng được uống trong chiến dịch; 80% bà mẹ sinh trong vòng 6 tháng qua được uống vitaminA. Triển khai, thực hiện kế hoạch điều tra tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em <5 tuổi bằng cách: Cân, đo, chiều cao cho 1.500 trẻ em dưới 5 tuổi và 1.500 bà mẹ có con dưới 5 tuổi ở 30 xã; Phỏng vấn bà mẹ về kiến thức, thực hành dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm theo mẫu biểu; Thu thập các số liệu, thông tin về dinh dưỡng và độ bao phủ Vitamin A của trẻ em dưới 5 tuổi; Đánh giá tình hình chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em; Kiến thức, hành vi, thực hành dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm của bà mẹ có con dưới 5 tuổi;…
Cùng với đó hoạt động truyền thông về phòng chống SDD và phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cũng được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ yếu tập trung vào “Ngày vi chất dinh dưỡng”, “Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ”, “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển”… để những kiến thức về vi chất dinh dưỡng và suy dinh dưỡng trẻ em có thể đến được với đông đảo người dân. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông gián tiếp và trực tiếp cũng được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Treo băng zôn, khẩu hiệu, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, tổ chức hội thi, thăm hộ gia đình, tư vấn cung cấp kiến thức cần thiết về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ mang thai, hướng dẫn cách cân, đo, theo dõi tăng trưởng phục hồi trẻ suy dinh dưỡng, đa dạng hoá thực phẩm cho bữa ăn gia đình, phòng chống thiếu Vitamin A, thiếu sắt, I ốt và sự phát triển của trẻ nhỏ. Qua đó, giúp các bà mẹ nâng cao hiểu biết, có thêm kiến thức, kinh nghiệm để chăm sóc con cái ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Chị Lê Thị Huế - xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ tâm sự: “Con gái của tôi 35 tháng tuổi rồi mà mới được 12kg, thấy người ta mách thuốc bổ nào giúp con tăng được cân, gia đình tôi cũng mua về, nhưng vẫn không cải thiện được. Sau nhờ chị phụ trách dinh dưỡng ở xã thường xuyên kiểm tra cân nặng, chiều cao cho cháu, rồi tư vấn cách phối hợp thức ăn, đặc biệt bổ sung các vi chất dinh dưỡng, nhờ đó mà cân nặng của cháu đã có chuyển biến tốt”.
Với sự triển khai đồng bộ, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chương trình phòng, chống SDDTE ở tỉnh ta đã thu được những kết quả khả quan. Theo báo cáo năm 2022, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh ở thể cân nặng/tuổi còn 9,6% (giảm 0,8% so với năm 2021), thể thấp còi ước còn 19,5% (giảm 0,7% so với năm 2021)…
Trong thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế tuyến cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm mục tiêu giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, cải thiện giống nòi, nâng cao trí tuệ, chất lượng dân số, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước.