• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có phải phụ nữ mãn kinh đều bị loãng xương không?

Loãng xương là một tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm giảm sức mạnh của xương dẫn đến làm tăng nguy cơ gãy xương. Đây là một bệnh lý phổ biến, chỉ xếp sau các bệnh lý tim mạch. Hiện nay có khoảng 1/3 số phụ nữ và 1/8 số nam giới trên 50 tuổi có nguy cơ loãng xương.

Chính vì vậy, nhiều người cho rằng phụ nữ mãn kinh là đều bị loãng xương? Vậy thực hư thế nào?

Tại sao phụ nữ mãn kinh lại bị loãng xương?

‎‎Mãn kinh là một hiện tượng sinh lý tự nhiên do sự suy giảm chức năng buồng trứng theo tuổi tác. Giai đoạn đầu của thời kỳ mãn kinh estradiol bị giảm sản xuất, hormone kích thích nang trứng (FSH) được tăng sản xuất. Trong giai đoạn này phụ nữ sẽ gặp phải một số triệu chứng khó chịu, chẳng hạn như bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, teo và khô âm đạo, rối loạn giấc ngủ và thay đổi tâm trạng. Bên cạnh đó, loãng xương là bệnh lý phổ biến nhất ở phụ nữ mãn kinh và có liên quan chặt chẽ đến sự giảm chất lượng cuộc sống.

‎Ghi nhận cho thấy tỷ lệ loãng xương và gãy xương liên quan ở phụ nữ sau mãn kinh cao hơn ở nam giới lớn tuổi vì estrogen đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của xương.

Có phải phụ nữ mãn kinh đều bị loãng xương không?- Ảnh 1.

Hình ảnh xương bình thường và loãng xương

Có hai giai đoạn mất xương ở phụ nữ:

- Giai đoạn 1: Mất xương liên quan đến thời kỳ mãn kinh. Xảy ra trong những năm đầu mãn kinh, chu chuyển xương bị suy giảm do thiếu hụt estrogen, khiến cho hoạt động của hủy cốt bào tăng lên trong khi hoạt động của tạo cốt bào giảm. Tốc độ mất xương có thể lên đến 2-4% khối lượng xương mỗi năm. Đặc trưng của loãng xương này là sự mất xương chủ yếu ở xương xốp và thường gây ra gãy lún các đốt sống, gãy đầu dưới xương quay.

- Giai đoạn 2: Sau 4-8 năm, còn gọi là mất xương do tuổi tác. Sự mất xương chậm hơn, chủ yếu là do giảm sự hình thành xương mới. Biểu hiện chính là gãy cổ xương đùi, gãy lún các đốt sống do tổn thương xuất hiện đồng đều trên cả xương đặc (vỏ xương) cũng như xương xốp (bè xương).

Ngoài ra một số bệnh lý viêm khớp dạng thấp, cường cận giáp, cường giáp trạng, cắt dạ dày ruột… và một số thuốc corticoids, heparin, phenyltoin … có thể làm thúc đẩy quá trình loãng xương.

Nhiều người thường cho rằng tất cả phụ nữ mãn kinh đều bị loãng xương không? Trên thực tế loãng xương là một phần không thể tránh khỏi của quá trình lão hóa. Nhưng không phải người phụ nữ nào khi mãn kinh cũng đều bị loãng xương. Thống kê tỷ lệ loãng xương ở độ tuổi 50-60 khoảng 30%, trên 80 tuổi là khoảng hơn 50%. Loãng xương là bệnh lý có thể phòng ngừa.

‎Làm sao để phát hiện loãng xương?

Loãng xương là căn bệnh thầm lặng, ít triệu chứng, người bị loãng xương thường không biết mình bị bệnh.

Biểu hiện loãng xương thường thấy là :

- Thay đổi hình dáng cơ thể: Gù lưng, giảm chiều cao (giai đoạn muộn của bệnh).

- Đau mỏi mơ hồ ở cột sống, đau dọc các xương dài (đặc biệt là xương cẳng chân), đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, hay bị chuột rút các cơ; Đau thực sự cột sống, đau lan theo khoang liên sườn, đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế. Có thể đau mãn tính hoặc cấp tính sau chấn thương (gãy xương cổ tay, gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi...).

Khi khám đo mật độ xương (BMD) Tscore < -2.5 bằng phương pháp DXA được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương.

Phụ hụ nữ sau thời kỳ mãn kinh, loãng xương là một vấn đề rất đáng quan tâm, vì qui mô và hệ quả nghiêm trọng của bệnh.

Phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh, loãng xương là một vấn đề rất đáng quan tâm, vì qui mô và hệ quả nghiêm trọng của bệnh.

 

Lời khuyên thầy thuốc

Bệnh loãng xương tiến triển thầm lặng. Thường người bệnh chỉ cảm thấy đau mỏi người không rõ ràng, giảm dần chiều cao, gù vẹo cột sống. Đây là những biểu hiện chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi có những biểu hiện gãy xương. Vì vậy chúng ta nên tầm soát loãng xương để phát hiện nguy cơ, chẩn đoán mức độ loãng xương.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Chống loãng xương thế giới, những người trên 50 tuổi, có một trong những yếu tố sau nên đo mật độ xương:

- Người bị bệnh nội tiết, bệnh thận hoặc hội chứng cushing;

- Người bị các bệnh về xương khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp…;

- Người đang điều trị bệnh loãng xương.

- Phụ nữ mãn kinh sớm;

- Người trên 50 tuổi từng gãy xương ở độ tuổi trưởng thành;

- Người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia và caffein;

- Người bị suy dinh dưỡng, còi xương ở thời kỳ trước khi trưởng thành;

- Người thường bị té ngã, yếu cơ;

- Người có tiền sử gia đình bị loãng xương hoặc bị gãy xương, đặc biệt là gãy xương cột sống và hông;

- Người bị thiếu canxi và vitamin D;

Ngoài ra, những người có tiền sử hoặc hiện tại có dùng corticoid liều bất kỳ liên tục trong thời gian trên 3 tháng cũng cần khám và đo mật độ xương.

BS. Trần Thị Phương Thảo


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?