Các phương pháp điều trị viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là bệnh không quá nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho người mắc. Tuy nhiên, bệnh cần được điều trị sớm và đúng cách để tránh gặp các biến chứng...
1. Viêm da tiếp xúc có thể gây biến chứng nếu điều trị không thích hợp
Viêm da tiếp xúc là tình trạng viêm da phổ biến, không lây nhiễm, xảy ra do tiếp xúc với một chất gây kích ứng hoặc gây ra phản ứng dị ứng.
Người bệnh viêm da tiếp xúc sẽ bị mẩn ngứa, đau rát, nứt nẻ phần da tiếp xúc với chất gây kích ứng, dị ứng. Thống kê cho thấy, hiện nay trên thế giới, số người mắc viêm da tiếp xúc đang tăng dần. Nguyên nhân là do môi trường ngày càng ô nhiễm, khí hậu thay đổi thất thường…
Ngoài ra, viêm da tiếp xúc dễ mắc bởi các nguyên nhân:
- Tiếp xúc với các đồ trang sức có niken, nước hoa, mỹ phẩm, giày dép có ngồn gốc từ cáo su…
- Tiếp xúc với thuốc kháng sinh, benzocaine…
- Tiếp xúc với độc tố của cây thường xuân, cây sồi…
Có 2 loại viêm da tiếp xúc: Viêm da tiếp xúc dị ứng và viêm da tiếp xúc kích ứng. Nếu không được phát hiện, phòng tránh và điều trị kịp thời sẽ gây ra tình trạng mãn tính kéo dài trong nhiều năm, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.
Bệnh cũng có thể gây các biến chứng nếu điều trị không đúng cách như: Nhiễm trùng da, viêm da thần kinh, viêm mô tế bào…
2. Điều trị không dùng thuốc
Để giúp giảm ngứa và làm dịu da bị viêm, có thể áp dụng các phương pháp tự chăm sóc tại nhà như sau:
- Tránh các chất gây kích ứng hoặc dị ứng: Xác định nguyên nhân gây phát ban và tránh xa bằng cách ghi lại các hoạt động của bạn và các vật dụng đã tiếp xúc trong hai ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện.
- Nếu đã tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc chất kích thích nghi ngờ gây viêm da dị ứng, hãy rửa ngay vùng bị ảnh hưởng bằng xà phòng và nước.
- Tránh gãi vùng bị viêm để ngăn ngừa viêm lan rộng và nhiễm trùng.
- Chườm mát: Đặt một miếng vải ướt, mát lên vết phát ban trong 15 - 30 phút vài lần trong ngày.
- Bảo vệ làn da: Trong khi đợi da lành lại, cần tránh ánh nắng mặt trời để giúp da không tổn thương hơn.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm giúp phục hồi kết cấu bình thường của da, bao gồm tuýp mỡ hoặc kem không gây kích ứng có chứa ít chất gây dị ứng như: kem calamine, dung dịch rửa dịu nhẹ, bột yến mạch tắm để điều trị vết loét hở.
- Không nên cố gắng làm vỡ bất kỳ mụn nước viêm da tiếp xúc nào, do nguy cơ nhiễm trùng.
3. Lựa chọn thuốc điều trị viêm da tiếp xúc
3.1. Thuốc kháng histamine đường uống
Các thuốc kháng histamin có thể kiểm soát cơn ngứa. Các loại thuốc kháng histamin phổ biến bao gồm: Diphenhydramine, hydroxyzine, cetirizine, loratadine, fexofenadine.
Lưu ý, không sử dụng thuốc kháng histamine dạng kem vì có thể gây kích ứng da hoặc phản ứng dị ứng. Các thuốc này có thể gây buồn ngủ, nên thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc...
3.2. Thuốc corticosteroid chống viêm
Corticosteroid tại chỗ là phương pháp điều trị chính, có thể được dùng dưới dạng kem hoặc thuốc mỡ giúp giảm ngứa. Có thể dùng clobetasol, triamcinolone hoặc hydrocortisone.
Nếu các tình trạng viêm lan rộng và nghiêm trọng hơn, corticosteroid có thể được dùng bằng đường uống như hoặc đường tiêm.
Lưu ý, không sử dụng lâu dài corticosteroid toàn thân để điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng có thể gây ra gây teo da tại chỗ và các tác dụng phụ toàn thân (như tăng huyết áp, tim mạch, loãng xương, rối loạn chuyển hóa, suy tuyến thượng thận…).
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc
Người bệnh viêm da tiếp xúc nên:
- Không tự ý dùng thuốc khi chưa được bác sĩ thăm khám.
- Tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
- Không tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc.
- Khi dùng thuốc nếu có bất kỳ triệu chứng gì khác thường cần báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn xử trí kịp thời.
- Nếu được điều trị thích hợp, các triệu chứng viêm da tiếp xúc có thể sẽ hết trong vòng hai đến ba tuần, nhưng bệnh nhân sẽ thấy giảm ngứa ngay sau khi bắt đầu điều trị.
- Tuy nhiên, cách tốt nhất để điều trị dứt điểm viêm da tiếp xúc dị ứng là xác định và loại bỏ bất kỳ tác nhân gây bệnh tiềm ẩn nào. Nếu không, bệnh nhân có nguy cơ cao bị viêm da mạn tính hoặc tái phát.
DS. Hoàng Vân
Bệnh viện Trung ương Huế