• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bị viêm khớp vảy nến nên làm gì?

Viêm khớp vảy nến có chữa được không? Nếu không chữa viêm khớp vảy nến sớm có thể dẫn tới tàn phế suốt đời.

Bệnh viêm khớp vảy nến là bệnh gì?

Viêm khớp vảy nến là bệnh do tự miễn cơ thể tự sinh ra các chất gây ra những tổn thương ở trên da dạng vảy nến và gây tổn thương kết hợp với tổn thương khớp. Viêm khớp vảy nến nằm trong nhóm bệnh lý viêm khớp – cột sống.

Vì sao bị viêm khớp vảy nến?

Nguyên nhân gây viêm khớp vảy nến hiện vẫn chưa rõ, vì đây là bệnh tự miễn. Bệnh có thể do một số yếu tố gây ra như:

- Yếu tố gia đình: Tiền sử gia đình có người mắc viêm khớp vảy nến hoặc viêm khớp.

- Do yếu tố môi trường tiếp xúc với các loại vi khuẩn, virus , hóa chất

- Đối tượng mắc bệnh thường ở độ tuổi 30-50, nam giới và nữ giới đều có nguy cơ mắc bệnh như nhau.

Biểu hiện bệnh viêm khớp vảy nến

Dấu hiệu của bệnh viêm khớp vảy nến thường xuất hiện tổn thương của viêm khớp vảy nến ở trên da và sưng đau các khớp.

Tuy nhiên có một số trường hợp không điển hình như bệnh nhân sẽ đau khớp một thời gian sau đó mới xuất hiện tổn thương vảy nến. Hoặc bệnh nhân có tổn thương vẩy nến trước một thời gian sau mới có tổn thương viêm khớp. Không phải khi nào cũng biểu hiện song song cả 2 triệu chứng. Đây cũng là lý do khiến những bệnh nhân thời gian đầu chẩn đoán không đúng bệnh.

Bị viêm khớp vảy nến nên làm gì? - Ảnh 1.

Viêm khớp vảy nến không lây từ người sang người thông qua tiếp xúc nhau.

Thông thường tổn thương vẩy nến sẽ xuất hiện ở các khớp có tổn thương thường và có tính chất đối xứng ở 2 bên.

Viêm khớp vảy nến thường xuất hiện ở các khớp lớn như khớp gối, khớp cổ chân, khớp khuỷu tay, khớp cổ tay. Thậm chí có thể có tổn thương cột sống hoặc viêm khớp vùng chậu.

Ngoài tổn thương trên khớp và trên da, viêm khớp vảy nến có thể gây tổn thương ngoài khớp. Biểu hiện ở trên mắt như viêm màng bồ đào. Tổn thương ở ruột là viêm loét trong đường ruột khiến người bệnh có triệu chứng đi ngoài ra máu.

Viêm khớp vảy nến có nguy hiểm không?

Viêm khớp vảy nến tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân sẽ chịu đau đớn dai dẳng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, viêm khớp vảy nến có thể gây biến dạng khớp. Thậm chí viêm khớp vảy nến có thể gây tàn tật suốt đời.

Ngoài ra, đối với tổn thương viêm khớp vẩy nến thể mủ có thể gây nhiễm trùng trên da. Có những trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng lan vào trong khớp.

Viêm khớp vảy nến có lây không? Đây là bệnh gây tổn thương ngoài da không phải do virus hay vi khuẩn gây nên. Do đó, bệnh không lây nhiễm từ người này sang người khác thông qua việc tiếp xúc lẫn nhau.

Bị viêm khớp vảy nến nên làm gì? - Ảnh 2.

Để điều trị viêm khớp vẩy nến cần kết hợp 2 chuyên khoa xương khớp và da liễu.

Viêm khớp vảy nến có chữa dứt điểm được không?

Hiện tại chưa có thuốc điều trị dứt điểm viêm khớp vảy nến. Mục tiêu điều trị là điều trị ổn định bệnh. Nếu điều trị đúng cách, bệnh có thể ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, bệnh vẫn có nguy cơ tái phát vì vậy người bệnh vẫn cần dùng thuốc để duy trì.

Cách chữa viêm khớp vảy nến

Hiện tại, viêm khớp vảy nến có thể điều trị nội khoa, sử dụng các thuốc chống viêm và các thuốc điều trị kéo dài. Trong trường hợp một số bệnh nhân điều trị nội khoa không đáp ứng sẽ sử dụng thuốc sinh học dạng tiêm hoặc truyền.

Việc điều trị viêm khớp vẩy nến cần điều trị kết hợp 2 chuyên khoa xương khớp và da liễu. Ở phần da liễu, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc uống, bôi để điều trị vẩy nến. Ở phần xương khớp bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị viêm khớp.

Trong trường hợp bệnh nhân có tổn thương ngoài khớp thì bệnh nhân nên dùng thuốc sinh học.

Để điều trị viêm khớp vảy nến hiệu quả, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị khám định kỳ. Ngoài ra không được tự ý bỏ thuốc nếu cảm thấy bệnh có dấu hiệu tiến triển tốt. 

ThS.BS Nguyễn Thị Bảo Thoa

Trung tâm Cơ xương khớp - Bệnh viện Bạch Mai.


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?