Bong gân cổ tay cần xử trí đúng
Bong gân cổ tay là chấn thương thường gặp khi giãn hoặc rách một hoặc nhiều dây chằng ở cổ tay. Tình trạng này hay gặp trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt gặp nhiều trong hoạt động thể dục thể thao hoặc khi đi du lịch khám phá do bị ngã, va đập.
Bong gân cổ tay có biểu hiện như thế nào?
Thông thường nguyên nhân gây ra bong gân là do vặn, va chạm hoặc cử động đột ngột quá mức, đẩy cổ tay theo hướng mà cổ tay ngược với tư thế hoạt động bình thường. Một số nguyên nhân cụ thể khiến cổ tay bị bong gân, có thể bao gồm:
- Bong gân cổ tay do chấn thương nặng do ngã, va đập hoặc lực khác.
- Do vặn cổ tay đột ngột hoặc với biên độ quá lớn.
- Do duỗi cổ tay quá mạnh.
Các ghi nhận cho thấy, đa số các trường hợp bị bong gân cổ tay là do các hoạt động ngoài trời và hoạt động thể thao.
Khi bong gân cổ tay sẽ có biểu hiện đau. Một số triệu chứng khác của cổ tay bị bong gân có thể bao gồm:
- Xuất hiện bầm tím nơi bị tổn thương.
- Quanh cổ tay có biểu hiện nóng.
- Nơi tổn thương có biểu hiện sưng tấy.
- Người bệnh có cảm giác mềm khi chạm vào.
- Người bệnh có cảm giác lộp cộp hoặc rách bên trong cổ tay.
Bong gân có cần đi khám bác sĩ?
Tùy từng tổn thương mà mức độ nghiêm trọng của mỗi người sẽ khác nhau. Người ta phân chia từ tổn thương nhẹ đến nặng bao gồm:
Bong gân nhẹ: Nghĩa là bong gân cổ tay xảy ra khi dây chằng bị kéo căng quá mức, nhưng không bị rách.
Bong gân trung bình: Đây là trường hợp bị rách một phần dây chằng, có thể hạn chế chức năng ở cổ tay hoặc bàn tay.
Bong gân nghiêm trọng: Dây chằng đã bị rách hoàn toàn. Ví dụ như có thể bị tách hoàn toàn ra khỏi xương hoặc kéo theo một mảnh xương.
Đối với trường hợp bong gân nghiêm trọng, cần được chăm sóc và điều trị y tế. Tuy nhiên, trên thực tế đôi khi việc phân biệt giữa bong gân và gãy xương có thể gặp nhiều khó khăn. Cả hai loại chấn thương này đều có thể gây đau, sưng, bầm tím và nóng xung quanh vùng bị ảnh hưởng. Nếu ngã, trơn trượt chống tay, chuyển động đột ngột hoặc vặn người cũng có thể gây ra chấn thương này.
Vì vậy, tốt nhất nên đi khám bác sĩ ngay cả khi trong trường hợp bong gân độ nhẹ, để loại trừ các chấn thương khác cần được điều trị cụ thể.
Cần xử trí đúng khi bị bong gân
Cũng như các bong gân khác, bị bong gân cổ tay cần được xử trí đúng, cụ thể:
- Cần băng ép (nẹp cổ tay) bằng băng thun hay băng vải mềm sẽ giúp giảm sưng đau và tạo điều kiện cho vùng dây chằng bị tổn thương phục hồi tốt hơn.
- Có thể chườm lạnh (chườm đá) trong vài ngày đầu tiên bị chấn thương, điều này có thể sẽ giúp xoa dịu cơn đau, làm giảm sưng cổ tay. Hãy chườm 20 phút mỗi lần, 3 – 4 lần trong ngày.
- Cần nghỉ ngơi và kê cao cổ tay. Nếu có thể hãy hạn chế cử động cổ tay trong ít nhất 48 giờ sau chấn thương, kê tay cao hơn vị trí của tim để giảm sưng và bầm tím.
Tuy nhiên, nếu các triệu chứng bong gân không cải thiện trong một vài tuần, người bệnh cần đi khám để đánh giá lại tình trạng ở cổ tay, cũng như thực hiện các liệu pháp điều trị khác. Nếu trường hợp rách dây chằng hoàn toàn, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định phẫu thuật.
Tóm lại: Bong gân cổ tay là một chấn thương phổ biến. Ai cũng có thể bị bong gân cổ tay do cử động đột ngột, do ngã hoặc khi chơi thể thao có va chạm.
Dù không thể phòng ngừa hoàn toàn tình trạng bong gân cổ tay, tuy nhiên, có một số biện pháp có thể thực hiện để giảm nguy cơ bị chấn thương như: Tránh các hoạt động mạnh hoặc tập thể dục thể thao quá sức, vì có thể sẽ gây chấn thương cho cổ tay.
Khi lao động hoặc hoạt động nặng, cần dùng hai tay để nâng và giữ các vật nặng. Cố gắng giữ cổ tay thẳng trong hầu hết các hoạt động.
Một số bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp cũng có thể giúp ngăn ngừa chấn thương. Ví dụ, bóp một quả bóng mềm trong 15 - 20 giây và lặp lại động tác này ba lần mỗi ngày, để giúp cổ tay khỏe hơn.
Ngoài ra, cũng có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa bong gân cổ tay bằng cách tránh đi bộ trên bề mặt trơn trượt và đeo thiết bị bảo vệ cổ tay thích hợp khi tham gia các hoạt động vận động có thể làm tổn thương khớp.
Tốt nhất nếu bị bong gân cổ tay nên đi phục hồi chức năng – vật lý trị liệu, vì điều này sẽ giúp người bệnh trở lại với công việc, sinh hoạt sớm nhất và luyện tập thể dục thể thao một cách tốt nhất.
BS Nguyễn Văn Dũng