Bài tập phòng ngừa hội chứng HELLP ở phụ nữ mang thai
Hội chứng HELLP là một biến chứng sản khoa đe dọa tính mạng, thường được coi là một biến thể của tiền sản giật. Khoảng 10% - 20% phụ nữ bị tiền sản giật nặng sẽ phát triển hội chứng HELLP...
Thông thường, HELLP xảy ra trong tam cá nguyệt thứ ba, nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. HELLP bao gồm 3 hội chứng thiếu máu tan máu, men gan tăng cao và số lượng tiểu cầu thấp.
Các triệu chứng của HELLP rất đa dạng và một số có thể giống với triệu chứng của tiền sản giật, bao gồm đau đầu dữ dội, đau ở bụng, phù nề, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chảy máu, động kinh...
Việc duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm ăn uống, tập luyện phù hợp, trước và trong khi mang thai có vai trò rất quan trọng để phòng ngừa hội chứng HELLP, cũng như nhiều biến chứng về sức khỏe thai kỳ.
Khi thai phụ mắc hội chứng HELLP cần phải nhập viện do nguy cơ cao tình trạng bệnh sẽ xấu đi nhanh chóng. Lúc này, thai phụ không thể tập thể dục và cần được điều trị thích hợp...
1. Một số bài tập hỗ trợ phòng ngừa hội chứng HELLP
Loại hình tập luyện, cường độ, thời gian và tần suất vận động phải được cá thể hóa dựa trên tình trạng sức khỏe, thể lực ở mỗi giai đoạn thai kỳ và đặc điểm cá thể của mỗi người. Những người mới tập nên bắt đầu từ từ bằng các bài tập ngắn 2 - 3 lần mỗi tuần với thời gian mỗi buổi tập từ 30 - 45 phút.
Có nhiều hình thức tập luyện khác nhau mà mỗi thai phụ có thể lựa chọn sao cho phù hợp với bản thân như:
- Đi bộ: Đi bộ là hình thức tập đơn giản, dễ thực hiện giúp tăng cường hoạt động cho tim và phổi mà không làm đau đầu gối hay mắt cá chân. Khi mới bắt đầu, bạn có thể đi bộ từ 15 phút mỗi ngày, 3-4 lần trong tuần. Sau đó, tăng dần thời gian lên 30 phút, 4-5 lần mỗi tuần.
- Bơi lội: Bơi lội và các bài tập dưới nước rất thích hợp với những thai phụ có các vấn đề cột sống, đau lưng, đau chậu hông. Môn thể thao này giúp bạn thư giãn, giảm lo lắng và ngủ ngon hơn.
Nếu đã quen với thói quen bơi lội trước khi mang thai, bạn có thể dành 4 ngày/tuần, mỗi ngày 30 phút. Trong khi đó, đối với những người mới làm quen hoặc chưa từng bơi nhiều, hãy bắt đầu từ từ với 15 phút mỗi lần và dần dần hình thành thói quen này.
- Bài tập sức mạnh: Với các bài tập sức mạnh nên tập trung vào các nhóm cơ vùng thắt lưng, bụng và cơ đáy chậu, phối hợp với các bài tập sức mạnh các nhóm cơ ở tay, chân bằng các bài tập tạ, kéo với ròng rọc, dây chun giúp căng giãn cơ và tăng tính mềm dẻo, linh hoạt của khớp.
- Yoga: Yoga được xem là liệu pháp nhẹ nhàng, mang lại lợi ích về thể chất, tinh thần cho phụ nữ mang thai. Tập yoga đúng cách trong thai kỳ sẽ giúp khớp dẻo dai, tinh thần thư thái và tích cực hơn.
Tuy nhiên, chỉ nên tập những tư thế cơ bản, an toàn, phù hợp với thể trạng sức khoẻ cũng như thời gian mang thai. Nếu là người lần đầu tiếp xúc với yoga, tốt nhất nên tham gia các lớp học dành cho phụ nữ mang thai để đảm bảo tập đúng động tác, tránh chấn thương.
2. Lưu ý khi tập luyện đối với phụ nữ mang thai
Để đảm bảo an toàn cho thai kỳ, phụ nữ mang thai cần tránh:
- Tránh tham gia những môn thể thao đòi hỏi việc nhảy, chuyển hướng đột ngột. Điều này có thể khiến bạn mất thăng bằng và bị ngã hay có va chạm trực tiếp như bóng rổ, các môn võ, lặn…
- Tập luyện ở nhiệt độ cao như tập ngoài trời nắng nóng, trong phòng xông hơi như “Hot yoga”, “Hot pilates”...
- Thực hiện các bài tập khiến nhiệt độ cơ thể tăng nhanh...
Vận động được đánh giá là tốt và an toàn đối với thai kỳ. Tuy nhiên, với thai phụ có tình trạng sức khỏe đặc biệt, đã từng sinh non, hay có những biến chứng từ thai kỳ trước, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện.
Nên chọn bài tập an toàn, giảm thiểu nguy cơ té ngã, ảnh hưởng nguy hại tới mẹ và thai nhi. Để đánh giá mức độ phù hợp của bài tập có thể sử dụng nghiệm pháp nói chuyện. Cường độ của bài tập là quá mức khi không thể vừa tập vừa nói chuyện bình thường.
Cần cung cấp đủ nước, lựa chọn trang phục tập luyện phù hợp với mỗi hình thức tập luyện, thời điểm tập và thích hợp với thời tiết, khí hậu...
BS Nguyễn Bích Ngọc