• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao cha mẹ dễ bị mắc lừa ‘con đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền gấp’?

Chuyên gia an ninh mạng chỉ cảnh báo người dân cần tỉnh táo trước các chiêu trò lừa đảo của tội phạm, tránh bị thao túng tâm lý.

"Tôi nghe thấy tiếng còi cấp cứu nên chân tay bủn rủn, không còn nghĩ được gì nữa"

Chiêu lừa đảo giả danh giáo viên, gọi điện cho phụ huynh thông báo con gặp nạn đang đi cấp cứu, phải chuyển tiền gấp để làm thủ tục nhập viện xuất hiện tại các tỉnh phía Nam thời gian qua mới đây đã xuất hiện ở TP Hà Nội.

Anh Lê Xuân Hưng (43 tuổi, ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) kể, vào khoảng hơn 15h ngày 13/3/2023, trong khi đang làm việc, anh nhận được một cuộc điện thoại từ số thuê bao 0774105315, đầu dây bên kia nói: "Em là cô giáo của Lê T.M, con bị tai nạn ở trường, đang vào bệnh viện 354, gia đình vào luôn nhé".

Vì con gái của anh Hưng đúng là tên Lê T.M (hiện đang là sinh viên năm thứ 2 tại một trường Đại học ở Hà Nội) nên anh rất hoảng hốt. Lập tức anh gọi điện ngay cho vợ để báo tin, đồng thời xin nghỉ làm sớm để vào bệnh viện.

Chuyên gia an ninh mạng cảnh báo chiêu trò lừa đảo ‘con đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền gấp’ - Ảnh 1.

Những cuộc điện thoại được gọi đến liên tục khiến người bố không giữ được bình tĩnh.

"Mấy phút sau thì tôi tiếp tục nhận được cuộc điện thoại thứ 2. Khi tôi hỏi về tình hình của con thì người tự xưng là cô giáo chỉ lấp lửng: "M ngã cũng nặng anh ạ. Anh cứ vào viện đi", sau đó còn đưa máy cho tôi nói chuyện với bác sĩ.

Người xưng là bác sĩ nói: "Cháu ngã từ tầng 3 xuống, chảy máu tai nhiều, có thể chảy máu não, khả năng cao bị chấn thương sọ não". Lúc đó, tôi còn nghe thấy cả tiếng còi cấp cứu nên chân tay bủn rủn, không còn nghĩ được gì nữa, tức tốc đi vào bệnh viện luôn.

Đang đi trên đường thì tôi nhận được cuộc gọi thứ 3. "Cô giáo" nói là vì đi gấp nên không mang theo tiền mà bây giờ phía bệnh viện yêu cầu nộp tiền trước thì mới làm thủ tục nhập viện và phẫu thuật cho bệnh nhân được nên nói tôi chuyển 40 triệu đồng vào tài khoản của nhân viên bệnh viện.

Tôi dừng xe lại ở đường rồi chuyển khoản 40 triệu đồng vào số tài khoản mà bên kia gửi. Chuyển tiền xong thì tôi gọi về cho bố, bảo ông cầm thêm tiền vào bệnh viện, nếu có vấn đề gì thì xử lý luôn, bố tôi ngỡ ngàng nói: "M nó đang ở nhà mà". Lúc này thì tôi mới biết là mình đã bị lừa.

Chưa dừng lại, bên kia tiếp tục gọi điện bảo tôi giờ phải chuyển viện cho cháu. Thấy tôi đã biết chuyện thì chúng tắt máy luôn và sau đó không liên lạc được nữa", anh Hưng kể.

Chuyên gia an ninh mạng cảnh báo chiêu trò lừa đảo ‘con đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền gấp’ - Ảnh 2.

Giao dịch hoàn thành cũng là lúc anh Hưng biết mình bị lừa.

Nạn nhân nói thêm, anh ít xem thông tin nên chưa từng nghe đến chiêu lừa đảo này. Do đó khi bị các đối tượng lừa đảo gọi điện, anh không hề có chút cảnh giác. Hơn nữa, chúng sắp xếp tình huống rất tinh vi, bài bản khiến anh bị tâm lý và không giữ được bĩnh tĩnh, không gọi điện cho con gái để xác minh mà cứ thế bị đối tượng lừa đảo điều khiển.

Hiện gia đình anh đã trình báo sự việc lên công an phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trước tình trạng trên, các chuyên gia an ninh mạng nhấn mạnh mọi người nên cẩn trọng trước những cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Ông Ngô Tuấn Anh - Giám đốc Công ty An ninh mạng thông minh (Smart Cyber Security), cho biết việc các cuộc gọi lừa đảo phụ huynh thông báo con em mình bị tai nạn và hướng dẫn chuyển tiền để xử lý xuất hiện trong những ngày gần đây là một trong hai cách thức lừa đảo dựa vào nỗi sợ của mọi người.

Chuyên gia an ninh mạng cảnh báo chiêu trò lừa đảo ‘con đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền gấp’ - Ảnh 4.

Một trong những số điện thoại gọi lừa đảo “con bị tai nạn, cần chuyển tiền gấp".

"Thường thì lừa đảo sẽ dựa trên hai yếu tố, đó là lòng tham và sự sợ hãi. Khi nghe thấy thông báo con em bị sự cố trong bệnh viện và phải chuyển tiền để xử lý gấp, phụ huynh bao giờ cũng mong muốn việc đó được xử lý một cách nhanh chóng nhất. Trong tình huống như vậy thì cũng có thể có những người không kiểm tra kỹ càng việc chuyển tiền cho những kẻ lừa đảo. Khi đó, những kẻ lừa đảo thường dùng các tài khoản không chính chủ, chẳng hạn như tài khoản đi mua của người khác và tiến hành rút tiền trực tiếp hoặc chuyển sang hình thức tiền mã hóa. Và việc truy vết sau đó là vô cùng khó khăn", ông Tuấn Anh cho biết.

Vì vậy, chuyên gia an ninh mạng này đưa ra lời khuyên khi mọi người nhận được thông tin thì cần phải xác minh kỹ càng hơn, thay vì nghe cuộc điện thoại đó và chuyển tiền thì cần xác minh lại với giáo viên chủ nhiệm, với ban phụ huynh trước khi thực hiện các giao dịch tài chính.

Cũng theo ông Tuấn Anh, cùng với việc xử lý các đối tượng, các cơ quan liên quan cũng phải cần công khai và tuyên truyền mạnh mẽ các chế tài với cho các hành vi lừa đảo để những kẻ có ý định thực hiện hành vi lừa đảo sẽ… chùn bước.

"Quan trọng nhất là người sử dụng cần phải tự nâng cao cũng như trang bị các kiến thức, kỹ năng khi thực hiện các giao dịch trực tuyến," ông Ngô Tuấn Anh khẳng định.

Chuyên gia an ninh mạng cảnh báo chiêu trò lừa đảo ‘con đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền gấp’ - Ảnh 5.

Kẻ lừa đảo thường "đánh đòn tâm lý" phụ huynh rằng nếu không mổ gấp thì không cứu được cháu để yêu cầu chuyển tiền gấp.

Còn theo ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia an ninh mạng, Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam, tình trạng lừa đảo thông qua hình thức gửi tin nhắn hay gọi điện thoại không còn mới. Thay vào đó, kẻ gian sử dụng các hình thức mới, đánh trực diện vào lòng tin của nạn nhân để xây dựng kịch bản lừa đảo.

Do vậy, người dân phải chủ động nâng cao ý thức cảnh giác của mình. Đặc biệt là khi nhận các tin nhắn, cuộc gọi, đường link lạ.

"Không thực hiện theo yêu cầu ngay lập tức là điều kiện tiên quyết để tránh sập bẫy lừa đảo. Cách tốt nhất là bình tĩnh và sau đó nên xác nhận lại thông tin với bệnh viện và trường mà con đang học. Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời," ông Hiếu cho biết.

Ông Ngô Minh Hiếu nhấn mạnh: Hành vi gọi điện lừa đảo chuyển tiền vì người thân, học sinh bị tai nạn là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội cần phải lên án, phòng ngừa, ngăn chặn.

Do vậy, người dân nên cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, khi tiếp nhận thông tin cần bình tĩnh kiểm chứng, không nên hốt hoảng rất dễ sập bẫy của bọn lừa đảo. Đặc biệt tuyệt đối không chuyển tiền cho đối tượng theo bất cứ hình thức nào. Nếu có nghi ngờ, người dân có thể liên hệ cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ.


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?