Từ vụ phát hiện nho sữa nhiễm chất độc hại, cách nào bảo quản nông sản an toàn?
Thái Lan vừa công bố kết quả 23/24 mẫu nho Shine Muscat (nho sữa) được thử nghiệm đều phát hiện nhiễm chất độc hại. Trong đó có 9 mẫu nho sữa được xác định là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nho sữa nhập khẩu có an toàn cho sức khỏe?
Mạng lưới cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan (Thai-PAN) vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng ô nhiễm nho sữa, sau khi phát hiện hầu hết mẫu trái cây thu thập được đều chứa dư lượng hóa chất độc hại vượt quá mức tối đa cho phép.
Cơ quan này trước đó đã mua 24 mẫu nho phổ biến từ nhiều địa điểm khác nhau vào đầu tháng 10. Kết quả, 23/24 mẫu nho Shine Muscat (nho sữa) được thử nghiệm đều phát hiện nhiễm chất độc hại. Trong đó có 9 mẫu nho sữa được xác định là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, 15 mẫu còn lại không xác định được xuất xứ.
Thị trường Việt Nam, gần đây sản phẩm nho sữa tràn ngập khắp các chợ dân sinh, siêu thị với mức giá rất rẻ. Thông tin trên khiến người tiêu cùng không khỏi lo lắng. Liên quan vụ Thái Lan phát hiện nho sữa Trung Quốc có dư lượng thuốc sâu quá mức cho phép, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã liên hệ với đại diện Bộ Nông nghiệp Thái Lan để tìm hiểu, nhận thông tin chính thống.
Trước thông tin nêu trên, Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra thì được biết Thai-PAN là một tổ chức phi chính phủ ở Thái Lan. Đây là đơn vị đánh giá độc lập, họ đưa ra những phát hiện của mình với cơ quan chức năng phía Thái Lan để có cảnh báo chính thống.
"Sau khi có thông tin chính thức, trên cơ sở kết quả phân tích và cảnh báo chính thức từ Thái Lan, Cục Bảo vệ thực vật sẽ xem xét và áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với các lô hàng nho nhập khẩu từ Trung Quốc. Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục trao đổi thông tin ở các kênh cảnh báo về an toàn thực phẩm quốc tế, để đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm đối với nho của Trung Quốc", ông Nguyễn Quang Hiếu cho biết.
Đối với nho tươi Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, hiện tại các lô trái cây, trong đó có nho, nhập khẩu vào Việt Nam, đều đang được áp dụng phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm thông thường (chỉ kiểm tra hồ sơ). Trình tự, thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định tại nghị định 15-2018 của Chính phủ.
Đối với nho nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã đưa vào chương trình giám sát về an toàn thực phẩm năm 2024. Kết quả kiểm tra 10 mẫu nho nhập khẩu Trung Quốc cho thấy không phát hiện mẫu vi phạm an toàn thực phẩm (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của Việt Nam.
Ông Hiếu cũng cho biết bên cạnh công tác kiểm tra đối với trái cây nhập khẩu trước thông quan, hằng năm Cục Bảo vệ thực vật thực hiện chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nguồn gốc thực vật nhập khẩu. Hoạt động chính của chương trình này là lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, đặc biệt tập trung các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái cây nhập khẩu.
Mục tiêu chương trình là đánh giá mức độ an toàn các thực phẩm nhập khẩu, thể hiện qua sự tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm của Việt Nam; phục vụ hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, ngăn chặn các lô hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước.
Song song đó, kịp thời đề xuất với cơ quan quản lý bổ sung hoặc thay đổi các chỉ tiêu kiểm tra, mặt hàng kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu để phù hợp với tình hình thực tế.
Việt Nam chưa có thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch dùng cho cây ăn quả
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện nay, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam được ban hành kèm theo thông tư số 09/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chưa có thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch dùng cho trái cây.
Để hướng dẫn việc sử dụng các loại thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch dùng cho cây ăn quả đúng quy định, Bộ đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật có văn bản hướng dẫn cũng như tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đăng ký các thuốc này vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đăng ký các loại thuốc bảo vệ thực vật bảo quản nông sản sau thu hoạch dùng cho cây ăn quả, để đưa vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Thực tế hiện nay, người dân vẫn sử dụng một số loại hóa chất trong việc thúc chín hoặc bảo quản trái cây tươi lâu. Tuy nhiên, vẫn chưa có hoạt chất nào được đưa vào danh mục cho phép sử dụng ở Việt Nam với mục đích trên.
ThS Nguyễn Mạnh Khải, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, có nhiều hóa chất đang được dùng để bảo quản trái cây. Phổ biến nhất hiện nay là đất đèn và chất chống nấm dùng trong xây dựng. Có nơi còn dùng cả chất 2,4D là một loại thuốc diệt cỏ để tẩm ướp bảo quản trái cây. Đây là một hóa chất độc, dùng liều lượng cao có tác dụng diệt cỏ, dùng nồng độ thấp có tác dụng kích thích làm cho trái cây tăng kích thước. Ngoài ra, còn có tác dụng làm chậm quá trình lão hoá, giúp cho trái cây tươi lâu. Với loại trái cây này thì biện pháp để đề phòng như rửa kỹ bằng nước sạch hoặc ngâm nước muối cũng không có tác dụng, vì có thể hóa chất độc hại đã ngấm sâu vào ruột trái cây.
Theo chuyên gia, trong khi chưa có thuốc bảo quản an toàn được đưa vào danh mục cho phép thì cách hữu hiệu để bảo quản trái cây không chín nhanh là dùng nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, đối với một số loại trái cây nhiệt đới, khi nhiệt độ quá thấp sẽ bị tổn thương lạnh (trái nhũn, bị chấm đen...). Vì vậy, nhiệt độ bảo quản không nên thấp hơn so với giá trị qui định. Với xoài cần bảo quản ở nhiệt độ không thấp hơn 13 độ C, chôm chôm 12 độ C, mãng cầu 13 độ C, dưa hấu 10 độ C..
Chuyên gia khuyên, nếu không có điều kiện bảo quản lạnh, có thể ngâm trái cây với dung dịch muối canxi (CaCl2, nồng độ 1 - 3% trong thời gian 1 - 3 phút) để ức chế quá trình hô hấp của trái cây. Đó là những cách bảo quản an toàn, dễ áp dụng.
Tô Hội