Trên 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị
Số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính (>100.000 bệnh nhân). Như vậy sẽ có trên 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị...
Đây là thông tin về tình hình bệnh lao tại Việt Nam do lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương vừa thông tin đến báo chí nhân sự kiện Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3.
Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu
Theo báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Năm 2023, ước tính số liệu Việt Nam năm 2022 có thêm 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. Lao đa kháng thuốc ước tính chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị; Lao đồng nhiễm HIV ước tính chiếm 2,5% trong số bệnh nhân lao được phát hiện.
Tuy nhiên, theo đại diện Bệnh viện Phổi Trung ương số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính (>100.000 bệnh nhân). Như vậy sẽ có trên 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.
Trong 2 năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.
"Có thể nói dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề, tốc độ giảm quá chậm và kinh phí đầu tư cho công tác chống lao rất thấp"- Đại diện Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết và thông tin: Muốn đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035, chương trình chống lao cần triển khai tối ưu các chiến lược/ chính sách hiện có, đó là: bao phủ y tế toàn dân, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở gắn với công tác phòng chống lao, bảo hiểm y tế và bảo trợ xã hội.
Đồng thời, nhanh chóng mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc mới, vaccine mới, các tiếp cận/ can thiệp mới nhằm phát hiện và điều trị lao sớm để cắt đứt nguồn lây, điều trị lao tiềm ẩn để cắt nguy cơ nhiễm tiến triển thành bệnh lao.
Nhiều khó khăn trong công tác phòng chống lao
Về khó khăn trong công tác phòng chống lao tại Việt Nam, đại diện Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trong hoạt động lao kháng thuốc, theo báo cáo năm 2023, tổng số bệnh nhân được phát hiện là 3.775, và thu nhận 3.587 vào điều trị.
Tuy nhiên kết quả này mới chỉ đạt mức 72,3% so với chỉ tiêu kế hoạch (4.963). Tỷ lệ điều trị thành công của bệnh nhân năm 2021 là 74%, còn thấp hơn chỉ tiêu đề ra (78%) và ghi nhận tỷ lệ bỏ điều trị còn cao (11,6%) trong khi phác đồ chuẩn ngắn hạn đã được mở rộng trên cả nước, nguyên nhân có thể một phần do việc quản lý điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch COVID- 19.
Cùng đó là sự thay đổi về cơ chế chính sách đối với việc cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước gây ra nhiều khó khăn cho hệ thống cung ứng thuốc của Chương trình phòng chống lao Quốc gia, thuốc còn tồn tại địa phương có hạn sử dụng ngắn, nguy cơ hết hạn trong khi chưa được phê duyệt cơ chế chính sách, nguồn kinh phí mua sắm thuốc cho đối tượng bệnh nhân lao không có thẻ BHYT, bệnh nhân lao tại các cơ sở chưa đủ điều kiện thanh toán nguồn BHYT.
Bên cạnh đó nhiều tỉnh vẫn còn lúng túng trong việc triển khai mô hình phối hợp y tế công - tư (PPM) do thiếu nhân lực, thiếu kinh phí và sự chỉ đạo của Sở Y tế. Nhiều cơ sở y tế mức độ phối hợp còn hạn chế, sự đóng góp vào hoạt động phát hiện bệnh nhân lao còn chưa được như mong muốn. Sự phản hồi 2 chiều giữa chương trình chống lao ở các tỉnh với các cơ sở y tế công-tư đã tham gia phối hợp còn chưa chặt chẽ nên ảnh hưởng đến sự tích cực chuyển gửi người nghi lao từ hệ thống các cơ sở y tế ngoài chương trình chống lao
Ngoài ra, hoạt động phát hiện lao trẻ em còn hạn chế, số ca lao trẻ em phát hiện còn thấp so với kỳ vọng và so với ước tính của Tổ chức Y tế thế giới.
Việc thực hiện tự chủ về tài chính tại các tuyến có ảnh hưởng nhất định tới hoạt động chương trình chống lao, nhiều Bệnh viện lao có lượng người bệnh khám và điều trị thấp gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải nợ lương cán bộ, nhiều đơn vị thắt chặt hơn về nhân lực và tần suất đi giám sát chương trình chống lao.
Thay đổi mô hình tổ chức y tế tại tuyến tỉnh, huyện có ảnh hưởng không nhỏ tới chương trình chống lao như thay đổi cán bộ làm công tác chống lao, đơn vị mới chưa ổn định nên việc triển khai hoạt động chống lao gặp khó khăn... Thêm vào đó, công tác chống lao tại 12 tỉnh chưa thành lập bệnh viện lao và bệnh phổi, sát nhập...
Thái Bình