Toàn cảnh TP.HCM sau 7 ngày áp dụng Chỉ thị 16
Sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Thành phố đang tiếp tục tranh thủ “thời gian vàng” còn lại để khống chế dịch bệnh.
Đa số ca bệnh phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa
Tại cuộc họp sơ kết 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong 7 ngày vừa qua, thành phố ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng nhanh. Tuy nhiên, đa số ca nhiễm được ghi nhận tại các khu cách ly, phong tỏa. Hiện tại các cơ sở điều trị COVID-19 đang điều trị cho 15.990 bệnh nhân, trong đó 246 ca đang thở máy, 7 trường hợp cần can thiệp ECMO. Thành phố đang cách ly tập trung 14.968 người và cách ly tại nhà là 37.400 người.
Bệnh nhân COVID-19 nặng đang được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM
Thành phố đã thành lập Sở Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 đặt tại trụ sở UBND TP để theo dõi, xử lý nhanh chóng tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Nhằm thực hiện nhiệm vụ điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, thành phố đã thành lập Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 đặt tại trụ sở UBND TP.
Bên cạnh đó, thành phố cũng thành lập các trung tâm, gồm: Trung tâm thông tin, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; Trung tâm mua sắm trang thiết bị y tế tạm thời, để kịp thời mua sắm các trang thiết bị y tế; Trung tâm điều phối tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Trong thời gian qua, thành phố đã có nhiều biện pháp về tăng năng lực cách ly, tăng cường giám sát trong khu cách ly tập trung và khu phong tỏa; Phát huy tổ giám sát tuyên truyền phòng chống dịch tại cộng đồng trong khu vực phong tỏa; Yêu cầu người dân phải ở nhà, hộ gia đình cách ly hộ gia đình…
Riêng về năng lực điều trị, dưới áp lực gia tăng các ca bệnh, trong 3 ngày qua, thành phố đã sửa chữa đưa vào sử dụng 5 nhà chung cư làm bệnh viện dã chiến và đưa vào sử dụng 1 bệnh viện 1.000 giường hồi sức. Đồng thời đã chuẩn bị 39.240 giường điều trị tại 23 BV điều trị COVID-19.
TP.HCM vừa chính thức đưa vào hoạt động BV Hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường
Về công tác tiêm vắc xin: Qua 4 đợt tiêm, tổng số lượt người đã được tiêm là 991.872 người, trong đó có 943.215 người tiêm mũi 1 và 48.657 mũi 2. Hiện đang lên kế hoạch chuẩn bị để trong tuần tới triển khai đợt 5 với khoảng 930 ngàn liều theo phân bổ vắc xin của Bộ Y tế.
Phát huy 5 trụ cột chống dịch
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định, thành phố đã thực hiện Chỉ thị 16 được 1 tuần. Nhìn chung, thành phố đã làm được nhiều việc. Công tác phòng chống dịch của đã chuyển sang trạng thái mới. Từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cách thức tổ chức phòng chống dịch trên khắp địa bàn, đã có sự phân công rõ ràng, rành mạch. Việc hình thành các trung tâm điều phối trực thuộc ban chỉ đạo, đã bao quát các công việc. Cụ thể là từ xét nghiệm, thu thập dữ liệu, các điểm thu dung cách ly điều trị cho đến các tổ COVID-19 cộng đồng… đều đã có những cải tiến trong phương án chiến lược, đạt được nhiều hiệu quả.
Điển hình như: Công tác lấy mẫu đã có sự phối hợp test nhanh, PCR (mẫu đơn, mẫu gộp) đi vào trọng tâm, trọng điểm, nhận diện F0 sớm để các ly điều trị; công tác xét nghiệm đã đảm bảo nhanh không tồn mẫu; áp dụng đưa các vị trí vùng dịch lên bản đồ để truy vết hiệu quả…. Các biện pháp đang đi đúng hướng. Tuy nhiên trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp do chủng virus lây lan nhanh, nhiều nơi còn gặp khó khăn, lúng túng, vượt quá tầm kiểm soát. Để khắc phục những khó khăn, sắp tới, các biện pháp cần được tập trung toàn lực hơn với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, toàn dân, nỗ lực quyết tâm cao độ.
Nhân viên y tế lấy mẫu theo sự điều phối. Công tác lấy mẫu đúng trọng tâm, trọng điểm, nhanh và chính xác
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Công tác chống dịch tập trung vào 5 trụ cột, gồm Truy vết - Khoanh vùng - Cách ly - Điều trị và chuẩn bị tiêm vắc xin. Đây là những công việc làm thường xuyên. Tới đây thành phố cần thực hiện đồng bộ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn và có trách nhiệm cụ thể rõ ràng hơn. Cập nhật các biện pháp mới Bộ Y tế công bố và hướng dẫn. Trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung cao vào công tác điều trị những bệnh nhân nặng, người bệnh có bệnh nền, giảm thiểu tối đa tỷ lệ tử vong.
Đặc biệt, thành phố cần tính toán chuẩn bị những phương án, nếu tới đây các tỉnh đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16. Mọi phương án cần tiếp tục bám sát, chăm lo đời sống cho nhân dân, không để trường hợp nào khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Tăng tốc để đạt các mục tiêu phòng chống dịch COVID-19
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cấp, ban, ngành, quận, huyện và TP. Thủ Đức cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế thiếu sót trong những ngày vừa qua. Trong thời gian sắp tới cần phải đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp cụ thể, đồng bộ và hiệu quả. Tăng tốc các chiến lược để tận dụng thời gian vàng khống chế dịch bệnh.
Cụ thể, vận hành và đưa vào hoạt động có hiệu quả các trung tâm: Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2; Trung tâm thông tin, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; Trung tâm mua sắm trang thiết bị y tế tạm thời để kịp thời mua sắm các trang thiết bị y tế; Trung tâm điều phối tiêm vắc xin phòng COVID-19. Các trung tâm trên hoạt động có hiệu quả các chức năng nhiệm vụ được giao.
Công tác xét nghiệm đảm bảo trả kết quả xét nghiệm nhanh, chính xác, là một trong những yếu tố tiên quyết, để kịp thời nhận diện F0 chuyển đến cơ sở điều trị.
Công tác điều trị cần tập trung nguồn lực điều trị những trường hợp F0 nặng, người bệnh nền, giảm thiểu các ca tử vong, rút ngắn thời gian chờ đợi chuyển các bệnh nhân nặng đến các bệnh viện tuyến trên. Nhanh chóng thiết lập trung tâm điều phối, có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin các bệnh nhân nặng, từ các bệnh viện; tăng khả năng tiếp nhận bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến trên, kịp thời điều phối chuyển viện với bệnh nhân F0 nặng.
Thực hiện nghiêm quản lý, giám sát trong các khu cách ly tập trung. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Về kiểm tra an toàn trong sản xuất, khu công nghệ cao, khu chế xuất, TP đã thành lập các tổ kiểm tra cần tăng cường giám sát, nhắc nhở các doanh nghiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Trong tình hình hiện nay, bên cạnh đảm bảo nhu yếu phẩm đầy đủ cho người dân, các quận, huyện TP. Thủ Đức nhanh chóng hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng. Mục tiêu xuyên suốt là không để ai bị bỏ lại phía sau. Khẩn trương thành lập tổ phản ứng nhanh tiếp nhận hỗ trỡ tại các quận huyện, để tiếp nhận và giải quyết kịp thời các phản ánh của nhân dân.
Hoài Thương