Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Bộ Y tế tái khởi động các đề án nối gần vùng khó khăn với tuyến trên
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: Bộ Y tế tái khởi động đề án 1816, bệnh viện vệ tinh, chỉ đạo tuyến để người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng một cách thuận tiện, ngay tại nơi sinh sống, không vất vả đi lại...
Nỗ lực chuyển giao chuyên môn, kỹ thuật cho y tế vùng khó khăn, miền núi
Sản phụ thai to trên nền bệnh tiểu đường đang điều trị insulin hàng ngày đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Yên Bình, một trường hợp khác bị dính tử cung đã được PGS.TS Vũ Văn Tâm - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng xử trí xuyên trưa 22/3.
Ca phẫu thuật trường hợp bệnh nhân dính tử cung tại phòng mổ của Trung tâm Y tế Yên Bình diễn ra buổi trưa nhưng có rất đông các y bác sĩ liên quan của Trung tâm ở phòng mổ hơn ngày thường bởi họ tập trung đến đây để học hỏi về chuyên môn theo cách 'cầm tay chỉ việc' mà PGS.TS Vũ Văn Tâm và ê-kíp của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng chuyển giao.
Hơn 1 tiếng sau, ca mổ kết thúc, BS Nguyễn Huy Hùng, Trưởng khoa hồi sức cấp cứu - Trung tâm Y tế huyện Yên Bình, Yên Bái, cho hay: "Tất cả những gì vừa được học hỏi đều rất quý với chúng tôi khi có ca cấp cứu sản khoa".
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Vũ Văn Tâm cho biết, từ tháng 12/2023, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyển giao chuyên môn sản phụ khoa cho 5 tỉnh, thành trong đó có 2 tỉnh khu vực miền núi là Lào Cai và Yên Bái.
Qua khảo sát thực tiễn, ông Tâm nhận xét, so với các tỉnh, thành vùng đồng bằng và thành thị, cái khó nhất của y tế miền núi là chính là nguồn nhân lực. "Trong sản khoa có những tai biến chỉ chậm 10-15 phút bệnh nhân đã tử vong, không kịp chuyển bệnh nhân từ huyện về tỉnh hoặc bác sĩ từ tỉnh về huyện được, nếu có bác sĩ giỏi tại chỗ là cứu được người bệnh. Từ tháng 12/2023, khi chúng tôi được phân công chỉ đạo tuyến cho Yên Bái, đã có 3 ca bệnh khó đã được bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng hội chẩn cùng Yên Bái qua Telehealth và cứu được bệnh nhân" - PGS Vũ Văn Tâm thông tin.
Theo ông Tâm, những cấp cứu sản khoa hay gặp và cũng dễ có biến chứng, dễ nguy hiểm tính mạng người bệnh là chẩn đoán và cấp cứu các trường hợp sản phụ tắc mạch, trong đó có thuyên tắc ối, cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bà mẹ, cấp cứu băng huyết sau sinh...
"Làm sao để cấp cứu cho người bệnh được nhanh nhất, nếu 1-2 phút mà triển khai bắt đầu được ca phẫu thuật, 2-3 phút tìm được vị trí chảy máu thì chúng ta thắng, còn nếu 20-30 phút bệnh nhân vẫn phải chờ thì chúng ta thua" - PGS.TS Vũ Văn Tâm nói với y bác sĩ của Trung tâm Y tế Yên Bình.
Vì lẽ đó trong 2 ngày từ 21- 22/3, PGS.TS Vũ Văn Tâm cùng đoàn bác sĩ của Bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng đã tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản khoa cho hơn 100 cán bộ, nhân viên y tế hiện đang công tác trong lĩnh vực sản phụ khoa của tỉnh Yên Bái gồm: Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Yên Bái, BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Nghĩa Lộ, Trung tâm Y tế tuyến huyện... về phòng ngừa băng huyết sau đẻ, phòng ngừa thuyên tắc mạch trong sản khoa, sàng lọc ung thư cổ tử cung và cấp cứu ban đầu ngừng tuần hoàn từ cơ bản đến nâng cao.
Ông Tâm cũng cho biết thêm, bệnh viện sẽ khảo sát và trao đổi, thống nhất nhu cầu để tập huấn, chuyển giao về sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, thụ tinh ống nghiệm... để người dân được thụ hưởng y tế chất lượng ngay tại địa phương đỡ phải đi xa khám chữa bệnh.
"Dự kiến tháng 4 hoặc chậm nhất là tháng 5 tới, tôi và các đồng nghiệp sẽ đi Quảng Ninh. Tiếp đó là Hải Dương... với mong mỏi 'team Phụ sản Hải Phòng' cùng các đồng nghiệp sẽ góp thêm sự tự tin và tay nghề cho các bác sĩ ở những nơi sắp đến" - PGS. TS Vũ Văn Tâm chia sẻ.
Trao đổi với báo chí ở Trung tâm Y tế Yên Bình, ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ- Trẻ em (Bộ Y tế) cho hay, nhờ hoạt động chuyển giao kỹ thuật như thế này, hơn 30 năm qua, tỷ lệ tử vong mẹ giảm hơn 5 lần, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm gần 4 lần.
Bệnh viện tuyến trên hỗ trợ kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới đã được thực hiện từ lâu. Trong chuyên ngành sản phụ khoa từ năm 2010, Bộ Y tế phân công Bệnh viện Phụ sản Trung ương chỉ đạo tuyến khu vực phía Bắc, Bệnh viện Từ Dũ chỉ đạo tuyến khu vực phía Nam.
Tuy nhiên, cả nước có 63 tỉnh thành và nhu cầu được tiếp nhận kỹ thuật ngày càng lớn nên năm 2018 Bộ Y tế đã bổ sung thêm Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Phụ sản Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tham gia chỉ đạo tuyến.
Đến năm 2023 thêm Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ và Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cũng tham gia chỉ đạo tuyến. Hiện nay có 8 bệnh viện chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực sản phụ khoa.
Sau nhi, sản sẽ là ung bướu, tim mạch, chấn thương... được chuyển giao
Có mặt tại chương trình chuyển giao kỹ thuật chuyên ngành sản khoa cho bác sĩ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái ngày, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ trẻ em ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm trên 5 lần, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 44/100.000 trẻ đẻ sống năm 2023. Trong giai đoạn nói trên, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm gần 4 lần, từ mức 58‰ xuống còn 18,2‰; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 44‰ xuống còn 11,6‰; đồng thời tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cũng giảm mạnh từ mức 53% xuống còn 11%.
Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành sản – nhi đã phát triển mạnh mẽ từ Trung ương đến cơ sở, nhiều thành tựu khoa học – kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đã được nghiên cứu ứng dụng góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản của nhân dân.
"Nhờ những thành tựu đó, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin, nhưng cũng rất thẳng thắn cho biết thêm: Bên cạnh những thành tựu như đã nêu trên, công tác công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, thử thách.
Cụ thể, tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em tuy đã giảm nhưng còn có sự chênh lệch, cách biệt rất lớn giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa các nhóm dân tộc. Số liệu điều tra, thống kê cho thấy tình trạng tử vong mẹ ở người dân tộc thiểu số cao gấp 7 lần so với vùng đồng bằng, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi ở khu vực miền núi vẫn cao gấp 2-3 lần so với mặt bằng chung toàn quốc.
Do đó, Bộ Y tế đang tái khởi động đề án bệnh viện vệ tinh, chương trình đào tạo, chỉ đạo tuyến và đề án 1816 gián đoạn trong giai đoạn tập trung phòng chống dịch để các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới, làm sao để bệnh viện tuyến huyện làm được mọi kỹ thuật của bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến tỉnh làm cơ bản, đầy đủ mọi kỹ thuật của tuyến trung ương.
"Có như thế người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... mới được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng một cách thuận tiện, ngay tại nơi sinh sống, không vất vả đi lại" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Sau sản khoa và nhi khoa là hai lĩnh vực thiết thực, người dân cần nhất, tới đây các bệnh viện sẽ tiếp tục chuyển giao kỹ thuật theo đề nghị của y tế cơ sở, cơ sở cần kỹ thuật gì thì tuyến trên chuyển giao kỹ thuật đó. Có thể sẽ là các chuyên ngành tim mạch, chấn thương chỉnh hình, ung bướu.
Theo đó, không riêng gì bệnh viện tuyến trung ương hay bệnh viện ở TP HCM, Hà Nội, lần tái khởi động này có thêm các bệnh viện ở Huế, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ tham gia chỉ đạo tuyến.
"Bộ Y tế cũng mong muốn các tỉnh, thành vùng thuận lợi, y tế phát triển cùng chung sức với các bệnh viện tuyến trung ương của Bộ để sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao, cầm tay chỉ việc cho y tế các địa phương vùng còn khó khăn" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói, đồng thời mong trong 1 năm tới các bệnh viện ở tuyến cơ sở sẽ thực hiện thành thạo các kỹ thuật mới nhận chuyển giao, thay vì khoảng cách 2-3 năm như kế hoạch trước đây...
Bài, ảnh: Thái Bình