Thầy thuốc dốc sức cứu bệnh nhân vỡ gan
Tin từ BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ nhiều chuyên khoa của bệnh viện đã nỗ lực cứu sống bệnh nhân bị chấn thương vỡ gan nguy kịch do tai nạn giao thông, bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch.
Thông tin cho biết, vào chiều 29 Tết, bệnh nhân nữ H. T. H., 45 tuổi, ở Bạc Liêu đi xe máy từ Bình Dương về quê nghỉ Tết bất ngờ bị tai nạn (tự ngã) khi qua địa phận tỉnh Sóc Trăng. Bệnh nhân được người dân chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu, phẫu thuật khâu gan, chèn gạc cầm máu sau đó chuyển đến BVĐK Trung ương Cần Thơ vào cùng ngày 29 Tết với tình trạng nguy kịch, bóp bóng qua nội khí quản, mạch nhanh, huyết áp thấp, niêm nhạt da xanh, đang sử dụng thuốc vận mạch liều cao, sonde dẫn lưu ra khoảng 1000 ml máu đỏ, đa chấn thương.
Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Cấp cứu xử trí sốc chấn thương truyền máu, truyền dịch chảy nhanh, thở máy,…
Kết quả chụp cắt lớp vi tính ghi nhận: Chị H. bị chấn thương gan độ III-IV, có ổ thoát mạch, tụ máu quanh gan và vùng hạ vị; gãy xương sườn 4,5 bên phải, tràn dịch màng phổi phải.
Bệnh nhân trong tình trạng sốc, rối loạn đông máu nên lựa chọn tối ưu là chụp và nút mạch số hóa xóa nền, kết quả ghi nhận ổ thoát mạch từ nhánh động mạch gan phải. BSCKII. Trần Công Khánh – Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh đã thực hiện bơm tắc bằng hỗn hợp keo. Chụp kiểm tra sau bơm tắc không thấy thoát mạch.
Thủ thuật kéo dài khoảng 40 phút, bệnh nhân tiếp tục được hồi sức ngoại khoa: thở máy, bù dịch, bù máu và các chế phẩm của máu, kháng sinh, giảm đau, cân bằng điện giải.
Sau khi sức khỏe bệnh nhân ổn định, các bác sĩ Khoa Ngoại Lồng ngực mạch máu tiếp tục tiến hành phẫu thuật dẫn lưu màng phổi khoảng 500 ml máu loãng. Khoa Ngoại Tổng hợp phẫu thuật lấy gạc ổ bụng và xử trí tổn thương phối hợp. Trong quá trình cấp cứu và phẫu thuật tại BVĐK Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân đã được truyền 15 đơn vị máu và chế phẩm của máu.
Hiện nay bệnh nhân tỉnh, da niêm hồng, vết mổ khô, bụng mềm, Dự kiến chị H. được ra viện ngày 20/02/2024.
BSCKII. Trương Thanh Sơn, Khoa Ngoại tổng hợp BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết: Gan là tạng đặc có thể tích lớn trong cơ thể, đặc biệt gan chứa rất nhiều mạch máu. Nếu gan bị vỡ rất dễ bị mất máu nhanh, vì vậy cần phải được điều trị kịp thời tránh để lâu nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Vỡ gan trong chấn thương bụng kín rất phức tạp, đòi hỏi phải chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời, đặc biệt là trong bệnh cảnh đa chấn thương.
Tuy nhiên, trong những trường hợp vỡ gan mức độ nặng thì việc cầm máu là tối cấp cứu vì nguyên nhân trực tiếp gây tử vong ở bệnh nhân chấn thương gan nặng là không kiểm soát được chảy máu.
Khâu cầm máu hay cắt gan tổn thương để cầm máu là biện pháp cầm máu triệt để. Với những trường hợp vỡ gan độ IV, V, đường vỡ phức tạp, phần gan tổn thương lớn thì rất khó khăn cho việc khâu hay cắt gan, đi kèm theo là tình trạng chảy máu ồ ạt, sốc nặng, đa chấn thương, rối loạn đông máu,... Chính vì vậy, việc lựa chọn cho phương pháp can thiệp nội mạch, phẫu thuật có thể áp dụng riêng rẽ hoặc phối hợp nhằm đem lại hiệu quả tối ưu trong điều trị.
Với phương pháp nút mạch cầm máu (không phải gây mê), bảo tồn tối đa cơ quan nội tạng bị tổn thương, bệnh nhân không phải trải qua những cuộc đại phẫu nặng nề kéo dài hàng giờ, tiềm ẩn biến chứng trong và sau phẫu thuật nguy hiểm như sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ,...
Được biết, BVĐK Trung ương Cần Thơ hiện có 2 hệ thống DSA ( chụp mạch số hóa xóa nền ) và nhiều ê kíp có thể tiến hành can thiệp nội mạch cấp cứu với nhiều chuyên khoa khác nhau: chảy máu mũi, trong cấp cứu đột qụy, các dị dạng mạch máu não vỡ, lấy huyết khối do tắc mạch máu lớn, nong và đặt stent trong bệnh lý mạch vành cấp cứu, tạo nhịp tim cấp cứu, chấn thương gan, lách, thận, nút mạch trong ho ra máu, xuất huyết tiêu hóa do dị dạng mạch máu …Đã có nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch được cứu sống bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch.
Phạm Phong