Sáng 8/9: Bệnh nhân COVID-19 nặng tăng nhanh, nhiều nơi vẫn tiêm vaccine mũi 3 và 4 rất thấp, chậm
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy ca mắc mới COVID-19 cũng như bệnh nhân nặng gia tăng; đã 6 ngày liên tiếp nước ta ghi nhận ca COVID-19 tử vong, trong khi nhiều địa phương vẫn tiêm vaccine mũi 3 và 4 rất thấp, chậm...
Bệnh nhân COVID-19 nặng tăng
Bộ Y tế cho biết ngày 7/9 có 3.878 ca COVID-19, tăng gần 300 ca so với hôm qua; trong ngày có gần 15.000 bệnh nhân khỏi và 2 trường hợp tử vong tại Cao Bằng, Tây Ninh. Như vậy đây là ngày có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong hơn 4 tháng qua và cũng là ngày thứ 6 liên tiếp đã ghi nhận các trường hợp tử vong tại một số địa phương, trong khi trước đó một thời gian dài nước ta không ghi nhận bệnh nhân nào tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.428.632 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.156 ca nhiễm).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.252.898 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát hơn 1,132 triệu trường hợp, trong đó có 150 trường hợp nặng đang điều trị gồm: thở ô xy qua mặt nạ: 135; Thở ô xy dòng cao HFNC: 6; Thở không xâm lấn: 1; Thở xâm lấn: 8. Qua thống kê cho thấy số bệnh nhân nặng đang tăng nhanh tại các cơ sở điều trị.
Nhiều địa phương tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4 thấp hơn mức bình quân của cả nước
Tại lễ phát động hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" do Bộ Y tế phối hợp với UNICEF và UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, thời gian gần đây, số ca mắc mới bệnh COVID-19, số ca phải nhập viện, số ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của virus với khả năng lây nhanh hơn; xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng, nguy cơ cao xâm nhập các bệnh dịch mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ...
Trong khi tại một số nơi, một số địa phương, việc tiêm vaccine chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 - đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi.
Hiện nay chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và trẻ em. Tuy nhiên hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh sau 3-5 tháng, vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế đến ngày 7/9, kết quả tiêm mũi 3 ở nước ta là: Tổng số có 50.236.458 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 77%). Vẫn có 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp hơn mức trung bình của cả nước là: Bình Định (57,5%); Khánh Hòa (55,5%); Đồng Nai (52,8%); Đồng Tháp (58,7%); Bình Phước (58,6%).
Về kết quả tiêm mũi 4: Tổng số có 14.676.171 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 77,4%). Thống kê của Bộ Y tế cho thấy vẫn có 5 tỉnh, thành phố tiêm thấp hơn mức bình quân cả nước là: Đà Nẵng (48,7%); Phú Yên (59,9%); TP Hồ Chí Minh (51%); Đồng Nai (55,2%); Tây Ninh (55,1%).
Tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.
ECDC khuyến nghị ưu tiên tiêm các vaccine cải tiến ngừa COVID-19 cho những nhóm nguy cơ lây nhiễm cao và nhân viên y tế
Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 611,6 triệu ca, trên 6,5 triệu ca tử vong.
Trong nỗ lực vực dậy ngành du lịch vốn bị ảnh hưởng vì các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt để ngăn dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua, ngày 7/9, Nhật Bản đã nâng giới hạn về số lượng người được cấp phép nhập cảnh mỗi ngày từ mức 20.000 người hiện nay lên 50.000 người.
Nhật Bản cũng đã quyết định nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát biên giới theo hướng từ ngày 7/9, người nhập cảnh đã tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng COVID-19 sẽ không phải làm xét nghiệm COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành và phải nộp giấy chứng nhận có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 6/9 khuyến nghị ưu tiên tiêm các vaccine cải tiến ngừa COVID-19 cho những nhóm nguy cơ lây nhiễm cao và nhân viên y tế, trong bối cảnh các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) triển khai chương trình tiêm các vaccine này trước mùa Thu. Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã cấp chứng nhận cho 2 loại vaccine đầu tiên được cải tiến để phòng ngừa những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Các vaccine này đã được hãng Pfizer/BioNTech và Moderna điều chỉnh phù hợp để chống dòng phụ BA.1 của biến thể Omicron. Các vaccine mới này đã được xác nhận có tác dụng phòng ngừa hiệu quả virus SARS-CoV-2 chủng gốc cũng như biến thể phụ BA.1. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vaccine cải tiến cũng sẽ có tác dụng tốt hơn trong việc phòng ngừa các biến thể phụ đang chiếm ưu thế của Omicron.
Thái Bình