Sáng 5/2: Chỉ còn 3 ca COVID-19 thở oxy; Biến thể phụ mới của Omicron đã xuất hiện ở gần 70 quốc gia
Theo thống kê của Bộ Y tế, 4 ngày đầu tiên của tháng 2/2023, cả nước chỉ ghi nhận 61 ca mắc COVID-19 mới; Orthrus - biến thể phụ mới của Omicron, đã xuất hiện tại gần 70 quốc gia; Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và nâng cao năng lực y tế tại Việt Nam...
4 ngày đầu tháng 2/2023, cả nước chỉ ghi nhận 61 ca mắc COVID-19
Bộ Y tế cho biết ngày 4/2 có 16 ca mắc COVID-19, giảm nhẹ so với ngày trước đó. Tuy nhiên trong ngày có thông tin đặc biệt là số bệnh nhân khỏi tăng vọt lên 1.382 ca, cao gấp hơn 80 lần ca mắc mới.
4 ngày đầu tiên của tháng 2/2023, cả nước chỉ ghi nhận 61 ca mắc COVID-19, trong đó ngày thấp nhất là 1/2 ghi nhận 11 ca mắc mới; ngày 3/2 ghi nhận số mắc cao nhất là 20 ca. Số ca mắc mới của những ngày đầu tháng 2/2023 tiếp tục đà giảm của những ngày trước đó và chỉ bằng khoảng 1/4 tổng số mắc mới của 4 ngày đầu tháng 1/2022 với 264 ca;
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.559 ca COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.485 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã điều trị khỏi ở nước ta là 10.614.581 ca. Trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân nặng là 3 ca đang thở oxy qua mặt nạ.
Hôm 4/2 cũng tròn 35 ngày Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19 ở nước ta. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Đến ngày 4/2, tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 266.175.551 liều, tuy nhiên vẫn có nhiều địa phương đang tiêm chậm, thấp hơn mức bình quân của cả nước.
Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và nâng cao năng lực y tế tại Việt Nam
Bệnh viện Chợ Rẫy vừa ký kết Bản ghi nhớ hợp tác cho giai đoạn 2023 - 2025 nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bệnh nhân tại TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam.
Thỏa thuận kéo dài ba năm sẽ giúp đẩy mạnh việc triển khai các thử nghiệm lâm sàng, đào tạo nhân lực trẻ của bệnh viện, các chương trình hỗ trợ bệnh nhân và các hoạt động hợp tác khoa học quốc tế của Bệnh viện Chợ Rẫy. Hợp tác toàn diện này sẽ bao gồm nhiều lĩnh vực điều trị chuyên khoa như các bệnh ung thư, hô hấp, tim mạch-thận-chuyển hóa, miễn dịch học và vaccine
Với việc thăm khám cho hàng nghìn lượt bệnh nhân ngoại trú và điều trị nội trú mỗi ngày, ban lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy luôn đặt ưu tiên cao nhất là không ngừng nâng cao chuyên môn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bệnh nhân, trong đó nhiều người phải di chuyển quãng đường rất xa.
Theo TS.BSCK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cùng chia sẻ sứ mệnh là đặt bệnh nhân lên hàng đầu, Bệnh viện Chợ Rẫy ký kết hợp tác này để đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế của bệnh viện, trau dồi năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế trẻ và hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận tốt hơn với các phương pháp điều trị tiên tiến.
"Với vai trò là trung tâm đào tạo – chỉ đạo tuyến cho nhiều bệnh viện phía Nam, hợp tác này cũng giúp chúng tôi làm cầu nối cho các bệnh viện tuyến tỉnh cập nhật kiến thức và chuyên môn với mục tiêu sẽ có nhiều bệnh nhân hơn được điều trị tốt ngay tại địa phương"- TS.BSCK 2 Nguyễn Tri Thức nói.
Đến nay, đã có hơn 30 thử nghiệm lâm sàng trong các lĩnh vực điều trị khác nhau, nhiều sự kiện hội thảo khoa học, đào tạo y khoa và chương trình hỗ trợ bệnh nhân đã được triển khai thành công trong những năm qua nhờ sự hợp tác tích cực và chặt chẽ giữa hai bên.
Biến thể phụ mới của Omicron đã xuất hiện tại gần 70 quốc gia
Orthrus, biến thể phụ mới của Omicron, đã xuất hiện tại gần 70 quốc gia. Giới chức Mỹ, Trung Quốc và Anh cảnh báo Orthrus có thể trở thành biến thể lây nhiễm chiếm ưu thế sau 3 năm khi nó có khả năng tránh kháng thể rất cao.
Theo Sputnik, dù Orthrus (tên khoa học là CH.1.1) có nguồn gốc từ biến thể Omicron nhưng các nhà khoa học cho biết biến thể phụ này mang theo đột biến hiếm gặp có trong protein gai nhọn mà họ chưa từng thấy kể từ biến thể Delta trước đó. Delta và Omicron tiến hóa riêng biệt, thế nên sự xuất hiện của đột biến này là một ví dụ về tiến hóa hội tụ.
Thái Bình