Sáng 25/11: Có 82 ca COVID-19 nặng đang thở máy, oxy; Gần 600 bệnh nhân ung thư máu ghép tế bào gốc máu đồng loài
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy hơn 10,6 triệu người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi; hiện có 82 ca nặng đang thở máy, oxy; Bệnh nhân ung thư máu nếu điều trị ghép tế bào gốc máu đồng loài, tỉ lệ sống trên 5 năm lên tới 50%; Cần sớm đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý...
Bệnh nhân COVID-19 nặng tăng nhẹ
Bộ Y tế cho biết ngày 24/11 có 489 ca mắc mới COVID-19, giảm nhẹ so với ngày trước đó; Sau vài ngày không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong, hôm nay đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại Bình Thuận; trong ngày tiêm hơn 100.000 liều vaccine COVID-19.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.513.173 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.349 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi là: 10.607.682 ca, trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở ô xy là 82 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 69 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 7 ca. Như vậy số bệnh nhân nặng có tăng nhẹ so với ngày 23/11. Đây cũng là ngày thứ 2 trong tháng 11 tính đến thời điểm này số ca nặng tăng lên, trước đó thường dao động từ hơn 40 ca - hơn 60 ca.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai Chương trình tiếp tục phối hợp tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh.
Chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị...
Bệnh nhân ung thư máu nếu điều trị ghép tế bào gốc máu đồng loài, tỉ lệ sống trên 5 năm lên tới 50%
Bên lề Hội nghị khoa học huyết học - truyền máu năm 2022, tổ chức ngày 24-25/11 tại Hà Nội, TS Bạch Quốc Khánh - Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam chia sẻ mỗi năm Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp nhận 1.000 - 1.500 bệnh nhân các bệnh ung thư máu mới. Tại khoa điều trị hóa chất bệnh viện thường là khoa đông bệnh nhân nhất, trung bình điều trị cho khoảng 250 bệnh nhân.
Hiện nay, viện đã có những bước tiến quan trọng, áp dụng kỹ thuật mới để điều trị cho bệnh nhân. Tính đến nay viện đã ghép tế bào gốc cho gần 600 ca bệnh, trong đó 2/3 là ghép tế bào gốc máu đồng loài (từ anh chị em ruột, cha mẹ, máu dây rốn). Đối với những bệnh nhân ung thư máu, nếu điều trị hóa trị liệu đơn thuần thì thời gian sống đến 5 năm khoảng 20-30%. Nhưng với phương pháp điều trị ghép tế bào gốc máu đồng loài, tỉ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm lên tới 50%.
Hiện nay, các nhà khoa học đang tìm những phương pháp điều trị hiệu quả hơn như thuốc điều trị nhắm đích. Loại thuốc này khi vào cơ thể sẽ tìm những tế bào ung thư để tiêu diệt, không gây độc cho cơ thể như hóa trị liệu.
Bên cạnh đó là liệu pháp tế bào trị liệu, mở ra nhiều hứa hẹn điều trị khỏi bệnh ung thư máu trong một số trường hợp.
Hiện nay Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã triển khai điều trị nhắm đích cho bệnh nhân ung thư máu. Bảo hiểm y tế cũng có chi trả một phần cho phương pháp này nên đã tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận với phương pháp hiện đại. Với liệu pháp tế bào trị liệu, viện đang hợp tác với các chuyên gia của Bỉ để giúp bệnh viện triển khai những công nghệ này trong tương lai.
Cần sớm đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý
Tại hội thảo "Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới" do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức ngày 24/11 nhằm cập nhật thông tin mới từ đại diện các bộ, ngành liên quan về tiến độ quản lý thuốc lá thế hệ mới, ông Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho biết từ năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 67 năm 2013 về một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Theo ông Sỹ, cho đến nay, tiến độ xây dựng, thống nhất ý kiến giữa các bộ để trình Chính phủ xem xét, thông qua đã là muộn đồng thời dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá vẫn chưa được hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành.
Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử, hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên và giới trẻ đang rất phức tạp, một số vụ việc đã được điều tra, phát hiện.
Theo quy định Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá thì thuốc lá làm nóng/nung nóng được hiểu là thuốc lá và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Đối với thuốc lá điện tử thì chưa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, pháp luật hiện nay chưa có quy định. Đến nay thuốc lá thế hệ mới vẫn chưa có biện pháp quản lý phù hợp, Bộ Công Thương cần phối hợp với các bộ có liên quan sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 644,5 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong.
Nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản về ứng phó với đại dịch COVID-19 nhận định có một số dấu hiệu cho thấy làn sóng lây nhiễm thứ 8 ở nước này sẽ sớm chạm đỉnh trong bối cảnh tốc độ tăng số ca nhiễm mới đang có dấu hiệu chậm dần. Nhằm khống chế dịch COVID-19, ngày 22/11, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã cấp phép khẩn cấp cho thuốc điều trị COVID-19 dạng uống Xocova của hãng Shionogi.
Đây là thuốc chữa COVID-19 dạng uống thứ 3 được lưu hành ở Nhật Bản nhưng là sản phẩm nội địa đầu tiên được cấp phép. Dự kiến, Xocova, sẽ bắt đầu có mặt trên thị trường vào nửa cuối của tháng 12.
Tại Hàn Quốc, giới chức nước này đã hối thúc người dân tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh vào mùa Đông. Hàn Quốc cũng đã giảm khoảng cách tối thiểu giữa các mũi tiêm tăng cường vaccine ngừa COVID-19 đối với người trưởng thành từ 120 ngày xuống còn 90 ngày.
Thái Bình