Sáng 20/12: Theo dõi chặt sự xuất hiện biến thể mới của COVID-19; Đề xuất gỡ khó cho giám định pháp y, pháp y tâm thần
Theo thống kê của Bộ Y tế ca mắc COVID-19 và bệnh nhân nặng tăng nhẹ; Cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19; Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19
Bộ Y tế cho biết, ngày 19/12 có 234 ca COVID-19 mới, tăng nhẹ so với ngày trước đó. Trong ngày, số mắc mới cao gấp 10 lần số khỏi. Sau 6 ngày liên tiếp không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong, ngày 19/12 đã ghi nhận 1 trường hợp tại Bến Tre tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.523.161 ca nhiễm, đứng thứ 13/230quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.450 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là 10.610.290 trường hợp. Trong số hơn 850 trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 47 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 36 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 8 ca.
Bộ Y tế yêu cầu cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Tiếp tục theo dõi, cập nhật khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 để mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. Đến nay tổng số liều vaccine đã được tiêm là 265.168.684 liều, vẫn còn nhiều địa phương tiệm thấp, chậm hơn mức bình quân của cả nước mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.
Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần
Đây là 2 chuyên ngành chuyên khoa chuyên sâu của ngành Y tế, không thu hút người theo học và làm việc...
Do đó tại hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 31/2015/TT-BYT quy định việc áp dụng chế độ bồi dưỡng, thời gian và số người thực hiện giám định đối với từng loại việc giám định pháp y, pháp y tâm thần và Thông tư số 23/2019/TT-BYT quy trình giám định pháp y tâm thần và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần do Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa tổ chức, TS. Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, sau 7 năm thực hiện Thông tư số 31/2015, việc sửa đổi là cần thiết để phù hợp với tình hình, đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác giám định pháp y, pháp y tâm thần.
Đó là mức bồi dưỡng chưa tương xứng với hao tổn của giám định viên làm việc trong môi trường độc hại và chịu nhiều áp lực tâm lý, phải thường xuyên ra tòa giải thích kết luận giám định; Không có sự khác biệt giữa về chế độ bồi dưỡng giám định đối với trường hợp giám định khó, phức tạp cần có chuyên gia có trình độ cao với các vụ việc đơn giản…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ sửa đổi Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cần tăng chế độ bồi dưỡng cho giám định viên và người giúp việc làm trong lĩnh vực giám định pháp y mới tương xứng với công việc và động viên khuyến khích những người làm công tác pháp y. Các trường hợp giám định lại và giám định hội đồng thường là các vụ việc phức tạp mất nhiều thời gian và thường xuyên ra tòa, tiếp công dân nên mức tiền bồi dưỡng phải cao hơn giám định lần đầu.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 657,9 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong.
Trung Quốc hiện trải qua làn sóng đầu tiên trong ba đợt lây nhiễm dự báo xảy ra vào mùa đông năm nay. Số ca mắc có thể gia tăng trên khắp cả nước nếu người dân giống như mọi năm trở về quê hương đúng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng tới.
Tại Thượng Hải, chính quyền địa phương cho biết các trường học sẽ chuyển sáng hình thức học trực tuyến từ 19/12. Trong khi đó, tại Hàng Châu, hầu hết các trường học được khuyến khích kết thúc học kỳ mùa đông sớm. Sở Giáo dục Quảng Châu cho rằng các lớp mầm non vẫn chưa thể mở lại mô hình học trực tiếp trong mùa đông.
Theo dự báo, đợt bùng phát hiện tại sẽ đạt đỉnh vào mùa đông năm nay và kéo dài thành 3 ba làn sóng nhỏ trong 3 tháng. Làn sóng đầu tiên sẽ kéo dài từ giữa tháng 12 đến giữa tháng 1, chủ yếu ở các thành phố, Làn sóng dịch bên thứ hai bắt đầu từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 năm sau, do người dân di chuyển trước kỳ nghỉ Tết kéo dài một tuần. Làn sóng dịch bệnh thứ ba sẽ kéo dài từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 khi người dân quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ.
Thái Bình