Sáng 18/11: Theo dõi chặt chẽ sự xuất hiện các biến chủng mới của COVID-19, đẩy nhanh tiêm vaccine
Theo Bộ Y tế đến nay hơn 10,6 triệu người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi; hiện đang có hơn 60 bệnh nhân nặng thở oxy, thở máy; Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới.
Hơn 10,6 triệu người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi
Bộ Y tế cho biết có 509 ca mắc COVID-19 trong ngày 17/11, đây là ngày thứ 3 liên tiếp ca mắc mới vượt mốc 500; trong ngày không có bệnh nhân tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.510.484 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.322 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.606.460 ca, trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 62 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 52 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 9 ca.
Biến thể phụ BQ.1 của COVID-19 tăng từ 13,3% lên 16,2%
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Đồng thời chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Trong báo cáo mới nhất của WHO cho thấy kết quả phân tích dữ liệu dựa trên các trình tự gen SARS-CoV-2 được khắp thế giới tổng hợp về cơ sở dữ liệu chung GISAID đã khiến WHO lưu ý đặc biệt một số dòng Omicron mới nổi. Trong đó BQ.1 tăng từ 13,3% lên 16,2%; trong khi BA.5 với các đột biến thoát miễn dịch bổ sung tăng từ 22,4% lên 23,2%. Toàn cầu cũng có khoảng 14,4% trình tự gien chưa được xác định cụ thể.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rạng sáng 17/11 (giờ Việt Nam), cho thấy tuần qua cả thế giới ghi nhận 2,345 triệu ca COVID-19 mới, tăng nhẹ 2% so với tuần trước đó. Số ca tử vong giảm tận 30%, chỉ còn 7.457 ca.
Điểm nóng của dịch COVID-19 tiếp tục là Tây Thái Bình Dương. Tuần qua khu vực này có 1,163 triệu ca COVID-19 mới, tăng 18% và cũng là mức tăng lớn nhất trong 6 khu vực của WHO. Số ca tử vong tăng 14%, tương đương 643 ca.
Khu vực có số ca cao thứ 2 thế giới là châu Âu với gần 697.000 ca mới, tuy nhiên đã là mức giảm sâu 21% so với tuần trước dù một số nước còn bị tô đậm với các sắc độ từ cam đến đỏ sậm trên bản đồ tỉ lệ mắc.
Khu vực có số ca cao thứ 3 là châu Mỹ với hơn 418.000 ca mới, trong đó riêng Mỹ đã chiếm 282.000 ca. Ba khu vực còn lại của WHO (Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải và châu Phi) ghi nhận số ca không đáng kể, chỉ vài ngàn đến vài chục ngàn cho cả khu vực.
Ngày 17/11, Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết các ca lây nhiễm từ một số mầm bệnh kháng kháng sinh được gọi là siêu vi khuẩn đã tăng hơn 2 lần tại các cơ sở y tế ở châu lục này. Đây là bằng chứng mới cho thấy các tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19.
Thái Bình