• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sáng 13/2: Đã 43 ngày liên tiếp không có ca COVID-19 tử vong; Suýt mất mạng vì chủ quan với vết thương nhỏ

Theo thống kê của Bộ Y tế đến nay đã 43 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Cả nước chỉ còn 3 bệnh nhân nặng đang thở oxy qua mặt nạ; Người đàn ông 47 tuổi suýt mất mạng vì chủ quan với vết thương nhỏ...

Đã 43 ngày liên tiếp không ghi nhận ca COVID-19 tử vong

Bộ Y tế cho biết ngày 12/2 có 41 ca mắc mới COVID-19, nhiều nhất trong gần nửa tháng qua. Các ngày trước đó số ca mắc chỉ dao động trong khoảng 10- 20 ca, có ngày tăng vọt lên 36 ca là 31/1, tuy nhiên cũng có ngày chỉ còn 7 ca mắc là 5/2.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.640 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.485 ca nhiễm).

Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.614.654 ca. Trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát, hiện có 3 bệnh nhân nặng đang thở oxy qua mặt nạ.

Sáng 13/2: Đã 43 ngày liên tiếp không có ca COVID-19 tử vong; Suýt mất mạng vì chủ quan với vết thương nhỏ  - Ảnh 1.

Đến nay Việt Nam đã tiêm trên 266,2 triệu liều vaccine COVID-19. Tuy nhiên hiện vẫn có nhiều địa phương đang tiêm thấp hơn các mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.

Đến nay đã 43 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Đến nay Việt Nam đã tiêm trên 266,2 triệu liều vaccine COVID-19. Tuy nhiên hiện vẫn có nhiều địa phương đang tiêm thấp hơn các mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đảm bảo an toàn, khoa học và hiệu quả.

Suýt mất mạng vì chủ quan với vết thương nhỏ trên cơ thể

Khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức của Bệnh viện TW Quân đội 108 thời gian qua đã tiếp nhận và điều trị thành công nhiều bệnh nhân uốn ván nặng, trong đó có trường hợp đặc biệt mới đây là bệnh nhân nam 47 tuổi (ở Bắc Ninh).

Trước khi nhập viện 3 ngày, do bất cẩn trong lúc lao động, nam bệnh nhân này bị lưỡi cưa cắt vào ngón 1, bàn tay trái. Vì chủ quan cho rằng vết thương nhỏ nên người bệnh chỉ xử trí vết thương tại chỗ, không tiêm huyết thanh kháng uốn ván. Hậu quả là bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, mệt nhiều, khít hàm, nói khó, khó nuốt, đau và tăng trương lực cơ vùng gáy, lưng, bụng, bí tiểu, vết thương ngón 1 bàn tay trái có ít mủ và giả mạc.

Tại bệnh viện, nam bệnh nhân được chẩn đoán uốn ván ngoại khoa, tiên lượng rất nặng, phức tạp do có thời gian ủ bệnh ngắn. Qua 1 ngày điều trị, người bệnh có biểu hiện khó thở, tăng tiết đờm dãi nhiều, trương lực cơ toàn thân tăng, các cơn co giật gồng cứng toàn thân. Người bệnh nhanh chóng được đặt ống nội khí quản, thở máy và sau đó được mở khí quản để kiểm soát chức năng hô hấp; đồng thời điều chỉnh liều lượng các loại thuốc kết hợp với các biện pháp điều trị hồi sức tích cực, chăm sóc toàn diện khác.

Sau thời gian điều trị điều trị, người bệnh được xuất viện trong tình trạng tỉnh táo, tự thở, hết cơn co giật và tự ăn uống, sinh hoạt như bình thường, không để lại di chứng.

TS Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức - Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm (Bệnh viện TW Quân đội 108) cho hay, khi bị vết thương, người dân cần được xử trí tại chỗ đúng cách. Có thể rửa vết thương dưới vòi nước sạch ngay tại thời điểm xuất hiện vết thương để loại bỏ chất bẩn ra ngoài. Nếu vết thương chảy máu và dính nhiều đất cát, thì nên dùng ô xy già để rửa và sát khuẩn vết thương và cầm máu. Sau đó, rửa lại vết thương bằng nước xà phòng rồi lau khô, sát khuẩn bằng cồn iode.

Các bác sĩ cũng cho rằng, tất cả mọi người (người lớn và trẻ em) đều cần được tiêm phòng uốn ván, đặc biệt là những người có nguy cơ mắc bệnh cao như: Phụ nữ có thai; người làm ruộng, vườn; người làm việc ở trang trại, các nông trường chăn nuôi gia súc, gia cầm; người dọn vệ sinh cống rãnh, chuồng trại; công nhân xây dựng công trình; người làm kỹ thuật tiếp xúc với vật sắc nhọn...

Thái Bình


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?