Sáng 13/1: Việt Nam chỉ còn 7 ca COVID-19 nặng thở oxy; TP HCM lên phương án ứng phó với biến thể phụ XBB.1.5
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy hiện cả nước chỉ còn 7 ca COVID-19 nặng thở oxy, không còn bệnh nhân thở máy. Đây là số bệnh nhân nặng thấp nhất trong thời gian qua; TP HCM lên phương án ứng phó với biến thể phụ XBB.1.5.
Chỉ còn 7 ca COVID-19 nặng đang điều trị
Bộ Y tế cho biết, có 88 ca mắc COVID-19 trong ngày 12/1, tăng gấp hơn 2 lần ngày 11/1. Trong ngày có 78 bệnh nhân khỏi, hiện chỉ còn 7 bệnh nhân nặng đang điều trị. Hiện cũng không còn ca COVID-19 nặng nào phải thở máy. Đây là số bệnh nhân nặng thấp nhất trong thời gian qua. Có những giai đoạn cao điểm, bệnh nhân nặng lên đến con số hàng trăm, hàng nghìn trường hợp.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.034 ca nhiễm, đứng thứ 13/230quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.479 ca nhiễm).
Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 10.611.650 trường hợp.
12 ngày trôi qua liên tiếp Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong vì COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
TP HCM lên kế hoạch ứng phó với biến thể phụ XBB.1.5; Sẵn sàng triển khai 10.000 giường, trong đó có 1.000 giường hồi sức dành cho người bệnh COVID-19
Sở Y tế TP HCM đã có công văn gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), các cơ sở y tế trên địa bàn TP về triển khai phòng chống dịch COVID-19 dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội 2023.
Theo Sở Y tế, hiện tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP HCM cơ bản được kiểm soát. Mặc dù Việt Nam chưa xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5, nhưng việc giao lưu, đi lại qua biên giới sẽ tăng cao trong dịp lễ Tết, nguy cơ xâm nhập của các biến thể phụ vào nước ta là rất lớn.
Do đó, Sở Y tế giao HCDC tăng cường phòng chống dịch, trực 24/7 tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng hàng hải. Cụ thể, giám sát tất cả người nhập cảnh qua Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát thực tế. Người có triệu chứng nghi ngờ sẽ được cách ly tạm thời để khám sàng lọc, khai thác dịch tễ và lấy mẫu test nhanh COVID-19;
Trường hợp test nhanh âm tính sẽ được hướng dẫn tự giám sát tại nơi lưu trú. Trường hợp dương tính HCDC sẽ phối hợp với các ban ngành làm thủ tục nhập cảnh nhanh cho bệnh nhân, sau đó chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới lấy mẫu xét nghiệm PCR, giải trình tự gen.
Tại các cảng hàng hải, HCDC thu thập thông tin về tàu nhập cảnh qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, qua thông báo từ các ban ngành, đại lý tàu biển và trực tiếp từ tàu qua hệ thống thông tin liên lạc.
Khi trên tàu có thuyền viên nghi mắc COVID-19, HCDC sẽ lên tàu kiểm tra và test nhanh. Trường hợp âm tính, thuyền viên tiếp tục làm việc và được hướng dẫn tự giám sát tại tàu. Trường hợp dương tính và có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng sẽ được cách ly tài tàu, lấy mẫu chuyển BV Bệnh Nhiệt đới để xét nghiệm PCR, giải trình tự gen.
Trường hợp có triệu chứng nặng, HCDC sẽ phối hợp làm thủ tục cho thuyền viên lên bờ và chuyển BV Bệnh Nhiệt đới để chăm sóc, điều trị, lấy mẫu, giải trình tự gen. HCDC thực hiện khử trùng và các khu vực liên quan theo quy định.
Cạnh đó, HCDC phối hợp cùng trung tâm y tế các quận, huyện, TP Thủ Đức đảm bảo trực 24/24 giờ, báo cáo các trường hợp mắc mới và các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết Dengue, cúm A (H5N1, H7N9)… Tăng cường giám sát sớm phát hiện ổ dịch COVID-19, chùm ca mắc COVID-19, chùm ca viêm hô hấp có diễn biến tăng bất thường. Tuyên truyền người dân phòng chống dịch, tuân thủ 2K.
Đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19, tổ chức tháng cao điểm tiêm vaccine từ 5/1 đến hết 2/2. Các BV đa khoa TP, BV chuyên khoa sản, BV quận, trung tâm y tế và các trạm y tế trên địa bàn tổ chức điểm tiêm vaccine trong tháng cao điểm.
Riêng 7 ngày nghỉ Tết nguyên đán, mỗi địa phương duy trì tối thiểu 2 điểm tiêm cố định, công khai điểm tiêm cho người dân biết. UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tuyên truyền vận động người dân đồng thuận tiêm chủng, lưu ý những người thuộc nhóm nguy cơ cao như người từ 50 tuổi trở lên, có bệnh nền…
Về thu dung điều trị người mắc COVID-19, tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn TP (trừ các bệnh viện thẩm mỹ) sẵn sàng tiếp nhận, thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 tại khoa/đơn vị COVID-19.
Đồng thời, TP HCM sẽ chấn chỉnh, tăng cường công tác thu dung, quản lý, điều trị ca bệnh COVID-19 nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng, hạn chế tối đa tử vong và bảo vệ các đối tượng nguy cơ trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Sẵn sàng kế hoạch triển khai 10.000 giường, trong đó có 1.000 giường hồi sức dành cho người bệnh COVID-19.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 670 triệu ca, trên 6,7 triệu ca tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), XBB.1.5 hiện là "biến thể phụ dễ lây truyền nhất" được phát hiện cho đến nay trong đại dịch COVID-19. WHO đánh giá XBB.1.5 đã nhanh chóng trở thành biến thể chiếm ưu thế ở Mỹ và đã được phát hiện ở ít nhất 28 quốc gia khác. Nga và Romania ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm dòng phụ XBB.1.5
WHO đang tiếp tục đánh giá nguy cơ từ biến thể phụ này. WHO cũng cho biết hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy XBB.1.5 có thể gây bệnh nặng hơn so với những biến thể đã biết trước đó. Tuy nhiên, trưởng nhóm kỹ thuật phụ trách đại dịch COVID-19, bà Maria Van Kerkhove, nhấn mạnh tình trạng tăng đột biến số ca mắc XBB.1.5 một lần nữa cho thấy thế giới vẫn cần phải cảnh giác với COVID-19.
Thái Bình