Sáng 1/9: Đã ghi nhận các ca COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng
Theo thống kê số ca mắc mới COVID-19, bệnh nhân nặng nhập viện đang gia tăng ở nước ta. Việt Nam đã ghi nhận các ca COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng. Nhiều địa phương phát động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 và tiêm 'xuyên' ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9.
Bệnh nhân COVID-19 nặng nhập viện gia tăng
Bộ Y tế cho biết ngày 31/8 có 2.727 ca COVID-19 mới, giảm hơn 500 ca so với ngày trước đó, trong ngày có gần 8.500 bệnh nhân khỏi và không có trường hợp nào tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.411.679 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.005 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.178.760 ca,trong số bệnh nhân đang theo dõi, điều trị có 149 trường hợp thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 135 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy không xâm lấn: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 9 ca. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số bệnh nhân nặng luôn gia tăng trong những ngày gần đây.
Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trên thế giới, biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác. Trong nước cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại. Tổng số ca mắc mới COVID-19 trong 7 ngày qua ở nước ta khoảng 18.500 ca, trung bình khoảng 2.500 ca/ ngày.
Do đó cần tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình dịch để có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là đối với các biến thể mới của COVID-19.
Theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của virrus SARS-CoV-2; giám sát sự lưu hành của virus SARS-CoV-2 để phát hiện các biến thể và các biến thể phụ khác của virus; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.
Nhiều địa phương tổ chức chiến dịch cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 và tiêm 'xuyên' dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9
Trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, Sở Y tế TP HCM các bệnh viện trên địa bàn có trách nhiệm đảm bảo thường trực 4 cấp, trực 24/24 giờ, tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19.
Đồng thời tất cả bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế tiếp tục tăng cường tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 trong tháng 9. Triển khai hiệu quả tháng cao điểm tiêm phòng COVID-19 trong tháng 9 cho trẻ.
Riêng đối với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa sản, nhi tuyến TP; bệnh viện quận, huyện; trung tâm y tế phải tiếp tục triển khai các điểm tiêm cố định tại đơn vị cho người dân (người lớn và trẻ em) liên tục trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh.
UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch khẩn về "Tổ chức chiến dịch cao điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa", nhằm đẩy mạnh tiêm vaccine, tăng tỷ lệ bao phủ cho các đối tượng, nhất là học sinh chuẩn bị năm học mới 2022 - 2023.
Mục tiêu kế hoạch đề ra là 90% người từ 18 tuổi trở lên thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, trường đại học, cao đẳng, khu công nghiệp, cơ sở du lịch, siêu thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh… trên địa bàn tỉnh được tiêm liều nhắc lại lần 1 (mũi 3) và liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) vaccine phòng COVID-19. Đối với trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi và trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, mục tiêu đặt ra là đạt 80% tỷ lệ thực hiện tiêm đủ liều vaccine COVID -19 theo quy định của Bộ Y tế.
UBND tỉnh Tiền Giang vừa yêu cầu đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các ngành, các cấp trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vaccine phòng COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 hoàn thành sớm nhất việc tiêm vaccine cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc tiêm vaccine trên địa bàn, đảm bảo tiến độ theo quy định và sử dụng kịp thời, hiệu quả số vaccine phòng COVID-19 được phân bổ, tránh lãng phí.
UBND cấp xã trong tỉnh "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người"; tiếp tục khẩn trương tổ chức tiêm chủng lưu động tại vùng có tỷ lệ tiêm thấp đối với mũi 2 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên để bảo đảm mục tiêu đề ra.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 607,4 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.
Văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi khu vực này đưa ra những chiến lược và công cụ khẩn cấp để kiểm soát và đẩy lùi các dịch bệnh như COVID-19, đậu mùa khỉ và bại liệt.
Đối với COVID-19, trong khi mùa Thu - Đông đang đến gần, WHO dự đoán số ca bệnh sẽ gia tăng ở châu Âu, trong khi dịch cúm mùa có thể bùng phát hoặc không. Chiến lược đối phó với COVID-19 mùa Thu - Đông mới đây của châu Âu đã đề ra những biện pháp các quốc gia cần thực hiện kiểm soát cả dịch bệnh do SARS-CoV-2 và các virus đường hô hấp khác.
WHO cũng kêu gọi các quốc gia sử dụng vaccine cúm cùng với vaccine COVID-19 nếu có thể. Theo số liệu của WHO, chỉ trong tuần trước, châu Âu đã có 3.000 người tử vong do COVID-19 và chiếm khoảng 1/3 số ca tử vong toàn cầu.
Bắt đầu từ 0h ngày 3/9, mọi du khách, dù là công dân Hàn Quốc hay nước ngoài, khi nhập cảnh Hàn Quốc bằng đường hàng không hoặc đường thủy sẽ không phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Quyết định được đưa ra dựa trên khuyến nghị của ủy ban tư vấn bệnh truyền nhiễm và trên cơ sở nhận định rằng làn sóng bùng phát dịch COVID-19 hiện nay tại Hàn Quốc đã đạt đỉnh và tốc độ lây nhiễm biến thể Omicron có thể chậm lại.
Thái Bình